Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ muốn thu hút nhiều vốn tư nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ muốn thu hút nhiều vốn tư nhân

Hồng Phúc – Quốc Hùng

Chính phủ muốn thu hút nhiều vốn tư nhân
Các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội thảo Vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á diễn ra ngày 6-10 tại TPHCM – Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét 24 dự án đề xuất từ các bộ ngành để kêu gọi vốn đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Quang nói bên lề hội thảo về vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á diễn ra ngày 6-10 tại TPHCM rằng: “24 dự án này thuộc 8 lĩnh vực, trong đó có duy nhất một dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ công là khám chữa bệnh. Tổng vốn đầu tư của 24 dự án là khoảng 20 tỉ đô la Mỹ”.

Về hình thức, Chính phủ sẽ chủ động trong việc xây dựng báo cáo, đấu thầu quốc tế công khai minh bạch để lựa chọn nhà tư vấn xây dựng dự án và chọn đối tác tư nhân cho dự án. Theo chủ trương, Chính phủ sẽ cho phép áp dụng thí điểm mô hình PPP trong 3-5 năm cho các dự án trong số 24 dự án trên, sau đó nếu thành công sẽ nhân rộng về ngành nghề, lĩnh vực, quy mô các dự án PPP.

“Chính phủ muốn khai thông nguồn vốn đầu tư tư nhân và cần sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân vào các dự án lớn”, ông Quang nói tại hội thảo. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 năm tới Việt Nam sẽ phải cần ít nhất 160 đến 180 tỉ đô la Mỹ cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó trên 50% nguồn vốn cần thu hút từ tư nhân.

Trước các câu hỏi về hành lang pháp lý cụ thể cho các dự án này, Phó cục trưởng Đặng Xuân Quang cũng cho biết, quan điểm của Việt Nam là hành lang pháp lý sẽ không phải là căn cứ cụ thể nhất cho các dự án được thực hiện theo mô hình đầu tư công – tư mà cụ thể nhất chính là hợp đồng 2 bên ký kết và đàm phán. “Hợp đồng mới là luật của dự án”, ông nói.

Ông Quang cho rằng tương lai gần sẽ có sự thay đổi quan trọng trong cơ cấu đầu tư của Việt Nam. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) sẽ giảm đi, cơ cấu đầu tư của Nhà nước cần được chuyển hướng bền vững hơn và bớt phụ thuộc vào các nguồn vốn truyền thống như ODA và huy động trong nước (trái phiếu chính phủ). Cần cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công song trước mắt ông nói chưa thể cắt giảm ngay mà vẫn phải coi đó là giải pháp dài hạn.

Về thu hút đầu tư nước ngoài ông Quang nói dòng vốn đầu tư FDI trong năm nay hiện đạt 9,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó có khoảng 8,2 tỉ đô la Mỹ đã giải ngân. "Đây là tín hiệu đáng mừng. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào thu hút FDI về chất lượng thay vì số lượng. Cá nhân tôi cho rằng có 2 vấn đề sẽ được Chính phủ tập trung vào thời gian tới: thu hút đầu tư tư nhân đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng và tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ”.

Đại diện các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ trong khu vực đều bày tỏ mong muốn rằng các cơ hội đó phải có tính thương mại rõ ràng, trong đó Chính phủ và nhà đầu tư hòa hợp về mục tiêu, có mong muốn hợp tác bền vững và lâu dài. Trong khu vực chưa có các dự án PPP lớn và khả năng tiên liệu cho thị trường PPP trong tương lai rất khó cũng như cần những nước đi cụ thể hơn từ phía Chính phủ.

Ông Jonathan Pincus, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng nếu xét về vấn đề kinh tế thì các dự án kêu gọi đầu tư công nhất thiết phải đảm bảo làm sao khớp được lợi ích nhà nước với tư nhân, làm sao để PPP thực sự hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và đó sẽ là những cuộc hôn nhân bền vững.

“Quan trọng nhất là lợi ích phải cân đối và cân bằng. Và vì thế, cần xem xét cụ thể từng dự án chứ PPP không phải thuốc chữa bách bệnh”, ông Pincus nói. Ông cũng lưu ý rằng sự thiếu nhất quán giữa trung ương và địa phương cũng như giữa các cơ quan địa phương trong điều hành môi trường kinh doanh tại Việt Nam làm nhà đầu tư lo ngại hơn cả và đây là vấn đề nhà đầu tư nên thận trọng.

John Vong, cố vấn cao cấp của Ngân hàng TMCP Sacombank và Công ty Tài chính quốc tế IFC, nói có đến 75% vốn đầu tư tư nhân toàn cầu đang ở các thị trường mới nổi và Việt Nam là nơi vốn đầu tư tư nhân còn có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa nên cần có những chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội này.

"Đây là thời khắc quan trọng, là ngã ba đường, là thời điểm khó khăn để nhiều nhà đầu tư đưa ra quyết định đi tiếp, dừng lại hay rẽ ngang trong chiến lược đầu tư của mình”, ông Vong nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới