Thứ Bảy, 1/04/2023, 01:35
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Chính phủ Nga tăng cường vị thế trước các tập đoàn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ Nga tăng cường vị thế trước các tập đoàn

Tỉ phú Oleg Deripaska đã phải bán 9,9% cổ phần ở tập đoàn bất động sản Hochtief của Đức và trả cho các chủ nợ 1,4 tỉ đô la Mỹ cổ phần ở nhà cung cấp thiết bị xe hơi Magna của Canada.

(TBKTSG Online) – Do từng vay mượn rất nhiều trong thời kỳ phát triển mở rộng vương quốc của mình, các đại gia tập đoàn ở Nga đang gặp khó khăn khi cổ phiếu bị giảm giá trên thị trường chứng khoán.

Một trong những nạn nhân của tình hình này là Oleg Deripaska, 40 tuổi, từng được tạp chí Forbes bầu chọn là người giàu nhất nước Nga. Để có thanh khoản, đại gia này đã bán cổ phần của mình tại hai công ty nước ngoài.

Trong số những người hưởng lợi có Mikhail Prokhov. Sau khi gom về gần 10 tỉ đô la Mỹ bằng cách bán các cổ phiếu trước khủng hoảng, ông chủ tập đoàn luyện kim 43 tuổi này đang bỏ tiền ra mua cổ phiếu công ty theo lựa chọn của mình, chẳng hạn ngân hàng đầu tư Renaissance Capital.

Nhưng người hưởng lợi lớn nhất là chính phủ. Khi Tổng thống Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin thông báo sẽ tiến hành xem xét quyết định doanh nghiệp nào được chính phủ cấp vốn cứu trợ, các đại gia đã xếp hàng chờ đợi.

Chuyên gia Peter Boone thuộc trường London School of Economics and Political Science cho biết: “Một cuộc chiến chính trị sẽ diễn ra để xác định xem ai được cứu trợ bằng nguồn ngoại tệ dự trữ của chính phủ, bởi tất cả các đại gia đều vay mượn lớn… Đây chính là thuốc thử quan trọng đối với tính ổn định của hệ thống chính trị nước Nga”.

Rất nhiều doanh nhân nằm trong số những người giàu nhất ở Nga hiện gần như mất khả năng trả nợ những khoản vay. Vì đã vay cầm cố bằng cổ phần của công ty, một số phải xoay xở tìm vốn do thị trường cổ phiếu tụt giảm hơn 60% từ tháng 5-2008 và các ngân hàng yêu cầu phải có bảo hiểm bổ sung để đảm bảo các khoản vay.

Oleg Deripaska đã bán 9,9% cổ phần ở tập đoàn bất động sản Hochtief của Đức và trả cho các chủ nợ 1,4 tỉ đô la Mỹ cổ phần ở nhà cung cấp thiết bị xe hơi Magna của Canada. Deripaska còn chiếm đến 66% cổ phần ở nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, United Company RUSAL. Nhưng RUSAL lại nợ đến 14 tỉ đô la, trong đó 4,5 tỉ vay mượn từ các ngân hàng phương Tây để mua cổ phần ở đối thủ cạnh tranh Norilsk Nickel.

“Hai hoặc ba đại gia sẽ thắng lớn từ vụ này và hai hoặc ba đại gia khác sẽ thua đậm”, một nhà đầu tư giấu tên tuổi hoạt động ở Nga từ cả chục năm nay bình luận. “Những người khác sẽ sống sót có thể nhờ chất lượng cổ phiếu thực thụ của họ”.

Tại đất nước mà tiền mặt là vua, chính phủ Nga (hiện nắm giữ trữ lượng ngoại tệ và vàng lớn hàng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Nhật) có “trọng lượng” nặng hơn tất cả các đại gia cộng lại. Do tính chất quan trọng của các cổ phiếu mà những đại gia Nga nắm giữ, chính phủ sẽ phải can thiệp để ngăn không cho các cổ phiếu này rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Nga đã hứa giải ngân 50 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trả nợ các ngân hàng nước ngoài, qua đó tăng cường tầm ảnh hưởng của mình lên các đại gia. Các công ty nước này phải trả nợ 120 tỉ đô la trước cuối năm 2009, và 40 tỉ vào cuối năm nay.

Tình hình hiện nay hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra trong thập niên 1990, thời kỳ mà nhà nước đang bên bờ phá sản phải đi van nài các đại gia cho vay để đổi lấy việc tham gia cổ phần với tỷ lệ quyết định trong các công ty năng nổ thuộc các lĩnh vực sinh lợi cao. Do chính phủ không trả được nợ nên các đại gia này nắm quyền kiểm soát các công ty.

“Lần này, các đại gia thiếu thanh khoản xin nhà nước đang rủng rỉnh tiền hỗ trợ họ. Nhưng cũng chớ có ảo tưởng. Cuộc chiến để đứng vào hàng ngũ đại gia mới sẽ rất quyết liệt”, nhà phân tích Ivan Ivantchenko thuộc VTP Capital ở Mátxcơva đã viết như thế.

Tấn Lộc (theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới