Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ nhắc nhở tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch giản đơn theo ý nhà đầu tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ nhắc nhở tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch giản đơn theo ý nhà đầu tư

Vân Ly

(KTSG Online) – Chính phủ đã gợi mở Bộ Xây dựng có thể đưa phát triển đô thị trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Song, cần tránh tình trạng quy hoạch xây dựng một thành phố thì rất chặt chẽ, nhưng việc điều chỉnh lại mang tính đơn giản theo đề nghị của nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch chung, gây sức ép lên hạ tầng, và không được sự đồng tình từ người dân.

Những thông tin trên được Chính phủ đưa ra tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng vào ngày 18-5.

Chính phủ nhắc nhở tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch giản đơn theo ý nhà đầu tư
Một góc TPHCM. Ảnh minh họa: Ngọc Linh

Những hạn chế cần khắc phục

Tại buổi làm việc nêu trên, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã báo cáo, trong nhiệm kỳ 2016-2020, cơ quan này đã chủ động rà soát, loại bỏ một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đã bãi bỏ 7 ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 52% danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Bộ Xây dựng cũng là một trong những bộ đầu tiên thành lập bộ phận một cửa; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4, đạt tỷ lệ 67,3%.

Bộ Xây dựng đã thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đến năm 2020, cả nước đã triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án nhà ở, khu đô thị mới, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng ngành xây dựng có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Nhiều tổng thầu xây dựng của Việt Nam có thể sánh ngang tầm với thế giới. Lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng phát triển mạnh, sản xuất được những loại vật liệu cao cấp.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng thừa nhận vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt kết quả đề ra như tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị mới đạt khoảng 15%. Nhà ở xã hội còn thiếu. Phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra. Tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn chậm…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành xây dựng. Trước hết, thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập; cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền với tư duy đổi mới.

Công tác quy hoạch đã đạt một số kết quả nhưng chưa được thực hiện bài bản, nền nếp, “chưa ăn sâu vào tiềm thức của người lãnh đạo”, cả về tư tưởng quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng quy hoạch. Luật Quy hoạch đã có, Bộ Xây dựng phải tập trung, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế cho công tác quy hoạch.

Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lớp lang, vừa khắc phục những nhược điểm.

Thời gian vừa qua, công tác phát triển đô thị chưa bài bản, chưa dựa trên nền tảng vững chắc về xã hội, tự nhiên, nhu cầu thực tiễn và chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới.

Việc phân cấp quản lý nhà nước cần mạnh mẽ hơn; trong đó Thủ tướng lưu ý việc phân cấp cho các địa phương về thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng. “Bộ không nên quản lý trực tiếp các công trình xây dựng, rất mệt mỏi, rất mất thời gian. Cách làm này trong thời bao cấp thì phù hợp, nhưng hiện nay không còn phù hợp nữa”, Thủ tướng nói.

Thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.

Các khu chung cư cũ đang chiếm một nguồn lực lớn của xã hội nhưng chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng lại, giải phóng các nguồn lực này.

Chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải có bước đi đồng bộ, cụ thể để khắc phục các hạn chế, yếu kém này, mà trước hết phải thay đổi tư duy và nhận thức.

Tại buổi làm việc trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh nghị cho rằng chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng còn có nội dung, lĩnh vực bỏ trống hoặc cắt khúc. Thiếu liên tục, thống nhất và còn chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và một số bộ khác. Đặc biệt là các chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến hạ tầng kỹ thuật.

Do đó ông Nghị đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa Bộ Xây dựng và các bộ ngành khác. Bên cạnh đó là xem xét, sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật. Tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhắc nhở một số nhiệm vụ Bộ Xây dựng cần lưu ý trong thời gian tới như quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở xã hội, xây lại chung cư cũ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Cần tránh tình trạng quy hoạch xây dựng một thành phố thì rất chặt chẽ, nhưng điều chỉnh lại đơn giản theo đề nghị của nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch chung, gây sức ép lên hạ tầng, người dân không đồng tình.

Còn Phó thủ tướng Lê Văn Thành thì lưu ý, với trung tâm các thành phố lớn, có hai chỉ tiêu rất khó thực hiện là diện tích cây xanh và đất dành cho giao thông. Các chung cư cũ có mật độ dân số rất đông, phần lớn cư dân là hộ nghèo, nhiều gia đình chính sách, vì thế, cần xác định việc cải tạo các chung cư cũ không chỉ vì mục đích kinh doanh mà còn hướng tới an sinh xã hội, bảo đảm và nâng cao đời sống người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý một số nhiệm vụ cụ thể Bộ Xây dựng cần tập trung trong thời gian tới. Thủ tướng cho rằng phải có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề phù hợp với tình hình mới, thay đổi nhận thức, nâng tầm tư duy. Nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm mà chưa giải quyết được cũng là do vướng mắc về tư duy, nhận thức.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Bộ Xây dựng phải tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển.

Theo ông, cần xây dựng cơ chế chính sách khắc phục những yếu kém, tồn tại, ưu tiên chính sách và nguồn lực cho các vấn đề, các ngành, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Trong bối cảnh nguồn lực và thời gian đều có hạn, cần lựa chọn để làm trước, làm dứt điểm các công việc trọng tâm, trọng điểm có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa tới cả nước.

Cụ thể, công tác quy hoạch kiến trúc phải được coi trọng, nâng tầm hơn và thay đổi nhận thức cho cả hệ thống. Quy hoạch phải có tầm nhìn, bài bản, khắc phục những bất cập, hạn chế về tiến độ và chất lượng quy hoạch.

“Công tác quy hoạch phải do Nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị. Còn nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội", ông nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải đầu tư đúng mức cho quy hoạch về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nguồn kinh phí và cả sự quan tâm. Phải là Bí thư, Chủ tịch tỉnh mới nắm được trọng tâm phát triển của địa phương. Nếu bỏ mặc cho Giám đốc Sở Xây dựng thì làm sao công tác quy hoạch có thể bảo đảm chất lượng, đúng trọng tâm. Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch.

Nhắc nhở Bộ Xây dựng cần tăng cường quản lý và phát triển đô thị để trở thành một ngành kinh tế quan trọng, kéo theo nhiều lĩnh vực cùng phát triển, Thủ tướng cũng nói thêm rằng cần xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, chiến lược, lâu dài, kể cả hạ tầng đô thị và nông thôn.

Thêm nữa, cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương; gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau. Trong đó rất coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.

“Phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở. Cùng với đó, phải nhanh chóng thiết kế các chính sách về mua, thuê mua nhà ở có thời hạn. Chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội”, ông cho biết.

Bên cạnh đó, cần thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư vì thấy nhiều địa phương đã phát huy được hiệu quả của các cơ chế này.

Ông phân tích, trên cơ sở nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro. Việc triển khai cơ chế hợp tác công tư phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, tỉnh táo, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, cái gì không biết, không với tới thì không quản. Phải có chiến lược phát triển các vật liệu xây dựng mới, tiên tiến, theo hướng huy động tối đa các nguồn lực phát triển, gắn với nguồn tài nguyên của đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới