Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ nhận định khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ nhận định khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Minh Đức

Chính phủ nhận định khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước quốc hội sáng 29-7. Ảnh: C.T

(TBKTSG Online) – Chính phủ hôm 29-7 nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Những thách thức lớn

Báo cáo trước quốc hội sáng nay về kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn thách thức mà đất nước phải đối mặt trong thời gian tới.

Thách thức đầu tiên, theo Thủ tướng là nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Ông dẫn chứng: đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%.

"Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 – 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 – 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018. 

Trong khi đó, việc sử dụng vốn đầu tư của chúng ta còn kém hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, bội chi ngân sách liên tục ở mức cao trong nhiều năm…

Thủ tướng cho biết, hiện nay việc xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn.

"Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32,4 nghìn tỉ đồng trong tổng số 241 nghìn tỉ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%)", ông nói.

Ngoài ra, đang có tình trạng một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.

Thách thức tiếp theo mà Chính phủ phải đối mặt là hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ vốn đã được cổ phần hóa đạt thấp; số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 6 tháng mới bằng 71%, thoái vốn nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ ; xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai trong chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

Nhiều yếu tố bất lợi

Theo báo cáo được Chính phủ gửi cho các đại biểu trước đó, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi không lường trước.

Tăng trưởng GDP 6 tháng có dấu hiệu chững lại: Quý I năm 2016, GDP chỉ tăng 5,48%, thấp hơn 1,53 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của Quý IV năm 2015; Quý II tăng cao hơn quý trước nhưng cũng chỉ tăng 5,55%; tính chung 6 tháng đầu năm nay GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%

"Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%)" – báo cáo nêu rõ.

Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ làm cho các chỉ tiêu về bội chi ngân sách nhà nước trên GDP cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.

Chính phủ cũng cho rằng, mặc dù lạm phát 6 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Báo cáo dẫn chứng: giá dầu thô thế giới đang tăng trở lại đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra;  Giá dịch vụ y tế, học phí dự kiến tăng… cũng sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm; Hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng cả đến vụ Hè thu, vụ mùa và đến nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, làm giảm sản lượng, gây áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm.

Xuất khẩu giảm

Báo cáo của Chính phủ cho biết, về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,9%, thấp nhất so mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm đề ra là 10%; trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

"Khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nước ta là giá xuất khẩu giảm (dầu thô, cà phê, cao su, hạt tiêu,…) và khả năng cạnh tranh yếu kém" – báo cáo nêu rõ.

Chính phủ nhận định, sự kiện Anh rời khỏi EU (“Brexit”) và sự giảm giá của đồng bảng Anh, đồng euro, sự điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tác động giảm khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của nước ta vào các thị trường này.

Hiện tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU năm 2015 khoảng 19%, riêng Vương Quốc Anh khoảng 2,9%, tương đương 4,6 tỉ đô la Mỹ, vào Trung Quốc khoảng trên 11%, tương đương trên 17 tỉ đô la Mỹ.
"Nếu hiệu ứng "domino" xảy ra với các vùng của nước Anh và cả khu vực EU, thì những tác động đến xuất khẩu nước ta còn lớn hơn" – Chính phủ nhận định và cho rằng cần có những nghiên cứu nghiêm túc để có giải pháp ứng phó chủ động, phù hợp.

Theo báo cáo, mặc dù Chính phủ rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, song việc tiếp cận các chính sách phát triển, các yếu tố đầu tư kinh doanh, như mặt bằng sản xuất, kinh doanh, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa,… vẫn còn nhiều hạn chế. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 37,1%; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016.

-Sáng nay, sau bài phát biểu của Thủ tướng, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.

– Chiều nay, Quốc hội sẽ bế mạc

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới