Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ nới điều kiện kinh doanh hàng không

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ nới điều kiện kinh doanh hàng không

Việt Dũng

(TBKTSG Online) – Hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.

Chính phủ nới điều kiện kinh doanh hàng không
Điều kiện kinh doanh hàng không được Chính phủ nới lỏng từ năm 2020. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8-4-2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Nghị định số 89 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020

Theo đó, Nghị định 89 điều chỉnh khá nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không. Đây là hai lĩnh vực đang thu hút rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Nới room cho nhà đầu tư ngoại lên 34%

Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định mới là việc vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không đã giảm đáng kể so với quy định trước đây.

Cụ thể, theo quy định mới, mức vốn tối thiểu gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn vay để khai thác đến 10 tàu bay là 300 tỉ đồng, khai thác từ 11 đến 30 tàu bay là 600 tỉ đồng và khai thác trên 30 tàu bay là 700 tỉ đồng, không phân biệt nội địa và quốc tế.

Trước đây, số vốn quy định này cao hơn khá nhiều, tương ứng là 700 tỉ đồng, 1.000 tỉ đồng và 1.300 tỉ đồng đối với doanh nghiệp khai thác vận chuyển hàng không quốc tế. Và tương ứng 300 tỉ đồng, 600 tỉ đồng và 700 tỉ đồng nếu là doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Riêng mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung vẫn giữ như cũ là 100 tỉ đồng.

Ngoài ra, Nghị định số 89 quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng 3 điều kiện. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định, trần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không không quá 30% vốn điều lệ.

Lý giải về sự lựa chọn này, cơ quan soạn thảo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tỷ lệ nắm giữ ở mức 34% là đủ để các hãng hàng không thu hút đầu tư, nhưng vẫn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đảm bảo được nguyên tắc "cá nhân/pháp nhân Việt Nam chiếm cổ phần lớn và kiểm soát hữu hiệu hoạt động của doanh nghiệp".

Bỏ nhiều điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh cảng

Trong lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không, Nghị định số 89 bãi bỏ các điều kiện được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương thành lập doanh nghiệp; được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời sửa đổi mức vốn tối thiểu kinh doanh cảng hàng không, sân bay theo hướng không phân định giữa cảng nội địa và cảng quốc tế và mức vốn tối thiểu được lựa chọn là mức thấp (100 tỉ đồng), tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài không quá  30% vốn điều lệ.

Ở Việt Nam, mới chỉ có duy nhất cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) do doanh nghiệp tư nhân là Sun Group đầu tư, khai thác toàn bộ hạng mục. Đây được xem là lực đẩy thu hút xã hội hóa đầu tư sân bay. Trong khi đó, 21 sân bay còn lại đều do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) với 95% vốn Nhà nước khai thác, vận hành. ACV cũng đang được Chính phủ đề xuất chỉ định thầu xây dựng siêu sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 ước tính 4,8 tỉ đô la.

Nghị định số 89 quy định, tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam để thực hiện vận chuyển hành khách sẽ không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung, tuổi tàu bay không vượt quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu theo hợp đồng mua, thuê mua và không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Vị trí đặt bình chọn

.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới