Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ sẽ không kích cầu kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ sẽ không kích cầu kinh tế

Tư Hoàng

Chính phủ sẽ không kích cầu kinh tế
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ không lơ là ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh Chinhphu.vn.

(TBKTSG Online) – Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7 tổ chức ngày 30-7 cho rằng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát trong 7 tháng đầu năm nay, và Chính phủ sẽ không kích cầu kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói là kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng, tại phiên họp báo chiều 30-7.

Ông nói: “Chính phủ nhận thức sâu sắc nền kinh tế chỉ quanh quẩn như thế này, và nguy cơ tụt hậu càng lớn nếu chúng ta không thành công chương trình tái cơ cấu kinh tế”.

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 so với tháng 12/2012 tăng 2,68% và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2004-2011.

Ông Đam cho rằng, mục tiêu Quốc hội đặt ra là năm nay kiềm chế lạm phát thấp hơn (khoảng 7%) là khả thi.

Ông cho biết, đang xuất hiện luồng ý kiến cho rằng cần kích cầu kinh tế, song Chính phủ rất thận trọng.

“Chính phủ đã thảo luận, phân tích kỹ các ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước, cho rằng không thể lơ là việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, ông nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích thêm: “Thông thường, sức mua hay nhu cầu thấp thì phải tăng cầu nhưng nếu không cẩn thận, việc tăng cầu có thể gây lạm phát”.

Theo báo cáo, tăng trưởng tín dụng đến 25-7-2013 ước tăng 5,02%, cao hơn 1,2% cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72,74 tỉ đô la Mỹ (USD), tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 73,47 tỉ USD, tăng 15%. Nhập siêu 7 tháng đầu năm khoảng 733 triệu USD.

Vốn FDI thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt 6,65 tỉ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký ước đạt 11,91 tỉ USD, tăng 19,6%. Giải ngân ODA đạt 2,55 tỉ USD (đạt 59,3% kế hoạch năm).

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 52,6% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ; tổng chi NSNN đạt 54% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 7 tháng tăng 5,2%. Mức tăng tồn kho tiếp tục xu hướng giảm. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/7/2013 ước tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức 9,7% tại thời điểm 01/6/2013 và 21,5% tại thời điểm 01/01/2013.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 5 tháng đầu năm 2013 tăng 4,8%, 6 tháng tăng 7,6% và 7 tháng tăng 8,4%. Tốc độ tăng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng giảm dần.

Số doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động tăng qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8,3 ngàn, 5 tháng khoảng 8,8 ngàn, 6 tháng khoảng 9,3 ngàn và 7 tháng khoảng 10 ngàn doanh nghiệp. Kết quả này cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang phát huy tác dụng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Báo cáo nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp, nông nghiệp. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn, phục hồi chậm, nợ xấu tuy giảm nhưng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn. Thu ngân sách vẫn còn khó khăn, mức hụt thu còn cao, cân đối ngân sách chưa vững chắc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới