Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ thoái vốn khỏi Vinamilk: Chưa vội mừng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ thoái vốn khỏi Vinamilk: Chưa vội mừng

Hồng Phúc

Chính phủ thoái vốn khỏi Vinamilk: Chưa vội mừng
Sản xuất sữa tại Vinamilk – Ảnh: Hoàng Phi

(TBKTSG Online) – Việc Chính phủ giao cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi tám doanh nghiệp niêm yết trong đó có Vinamilk, FPT, BMP… tạo tâm lý tích cực cho thị trường trong ngắn hạn, song theo các chuyên gia thì còn phải chờ thêm các bước đi cụ thể thế nào mới đánh giá được tác động của kế hoạch thoái vốn này.

Theo văn bản của Chính phủ, SCIC sẽ chọn thời gian thích hợp để thoái vốn khỏi tám doanh nghiệp niêm yết gồm VNM (nhà nước nắm 45,1%); BMI (50,7%); VNR (40,4%); NTP (37,1%); BMP (38,4%); FPT (6%); SGC (49,9%); HGM (46,6%), và hai doanh nghiệp chưa niêm yết là Công ty cổ phần viễn thông FPT (50,2%) và Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID, nhà nước nắm 47,6%).

Các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) trong báo cáo phát hành ngày 14-10 nhận định: “Động cơ đằng sau quyết định này có liên quan đến tình hình ngân sách hiện nay. Trong đó Chính phủ có lẽ dự kiến dùng tiền từ bán tài sản để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực do hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung các cổ phiếu chủ chốt dẫn đến khó thu hút các dòng vốn lớn hơn vào thị trường.”

Một tổ chức tài chính lớn khác dự đoán chỉ riêng khối lượng cổ phần của Vinamilk được SCIC thoái ra thị trường có thể tương đương với 2,5 tỉ đô la Mỹ (theo giá thị trường hiện tại), tức đây là cơ hội đầu tư rất lớn với các nhà đầu tư nước ngoài vốn rất ưa chuộng cổ phiếu này.

Trao đổi với TBKTSG Online, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, điều này thể hiện rằng Chính phủ thấy đã đến lúc cần/phải bán “của để dành” và có thể do lý do: Chính phủ nhận ra với sự thay đổi của môi trường kinh doanh mới, Việt Nam thực sự hội nhập sâu thì không chắc những tài sản này có còn là “của ngon” hay không. Nhà nước không nên là nhà đầu tư chuyên nghiệp mà, theo cơ chế thị trường, nhà nước nên tập trung hơn vào việc tạo ra môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Phải chờ thêm

Theo nhận định của chuyên gia HSC, đây là một bước đột phá giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những cổ phiếu bluechip lớn. Tuy nhiên, để biết mức độ đột phá tới đâu sẽ còn phải chờ thêm thông tin cụ thể về thời gian thực hiện việc thoái vốn; thay đổi về định nghĩa công ty/nhà đầu tư nước ngoài (như đề xuất trong dự thảo thay thế Thông tư 74) có được phê duyệt hay không, và danh sách ngành kinh doanh có điều kiện tới đây sẽ như thế nào.

Động thái này có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty trên, nếu các công ty này được cho phép và quyết định sẽ nâng tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài. Danh sách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và quy định liệu các công ty có được phép nâng trần sở hữu này hay không, dự kiến sẽ được công bố trong tháng 10 này.

Tổ chức tài chính này cho rằng, việc thoái vốn là vẫn chưa chắc chắn trong ngắn hạn bởi vì: Thứ nhất, các danh sách điều kiện, tương ứng với giới hạn sở hữu nước ngoài chưa có sẵn. Thứ hai, thời gian cho kế hoạch này là chưa xác định và SCIC chưa công bố hạn chót sẽ thực hiện việc thoái vốn tại các công ty trên. Thứ ba, các diễn biến từ trước tới nay cho thấy SCIC đã từ lâu muốn giữ quyền chi phối trong Vinamilk và nếu không có một ý chí chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy việc thoái vốn thì  mọi diễn biến có thể di chuyển ở một tốc độ rất chậm.

Trong ngắn hạn, giới tài chính cho rằng tuy có thể thu về hàng tỷ đô la Mỹ từ các đợt thoái vốn sau chỉ đạo này, song đó không phải là chuyện sẽ diễn ra ngay và cũng không có nghĩa ngân sách sẽ được giảm bớt áp lực ngay trong năm nay. Nếu việc quản lý ngân sách khắc phục được sự thâm hụt hàng chục tỷ đô la Mỹ một năm hoặc hạn chế những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng vô độ thì sự thay đổi mới được nhìn nhận thực sự là tích cực.

Về vấn đề này, một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại TPHCM cho rằng, việc thoái vốn nhà nước chỉ tốt thật sự khi những đồng tiền đó được sử dụng tốt, tức là được dùng hiệu quả và thiết thực. Ngay cả việc bán cho đối tác nước ngoài nghe thì lạc quan nhưng vấn đề là bán cho ai…, nên hãy nhìn vào hành động, chưa nên hào hứng quá sớm vì cái gì cũng có hai mặt.

 

Ý kiến về việc SCIC thoái vốn

Trong buổi gặp gỡ báo chí bên lề hội nghị nhà đầu tư 2015 của VinaCapital hôm 15-10 tại TPHCM, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư của Quỹ đầu tư VinaCapital, cho biết nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến việc chính phủ cho SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp, và số tiền nhà đầu tư bỏ ra để mua cổ phần nhà nước ở các công ty này có thể lên 3-4 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên việc này không đơn giản, vì nhà đầu tư phải theo dõi thời gian SCIC muốn bán. Dù quan tâm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải chờ vì phải xem điều kiện để mua lại. Có thể SCIC sẽ bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Andy Hồ nhận định.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, việc thoái vốn nhà nước khỏi những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá có hai mục tiêu. Thứ nhất là nhằm thu hút, bán phần đầu tư của nhà nước cho nhà đầu tư mới, nhằm tăng hiệu quả quản trị cho doanh nghiệp trong nước. Thứ hai là để giúp nhà nước tạo ra một quỹ lớn, tiếp tục củng cố sự phát triển của nền kinh tế.“Chúng tôi chọn những doanh nghiệp sau cổ phần hoá thành công để thoái vốn nhằm khẳng định tính hiệu quả”, ông Trung nói.

Ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đang là cố vấn cho VinaCapital, cho rằng, quyết định thoái vốn nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp cho thấy Nhà nước kiên định rút lui khỏi những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ. Tuy nhiên việc này Bộ Tài Chính sẽ giao cho SCIC căn cứ vào tình hình thị trường để thoái vốn có hiệu quả.

Ông Muôn cho biết việc thoái vốn của nhà nước căn cứ vào ngành và lĩnh vực chứ không căn cứ vào doanh nghiệp nào có lời thì giữ. Những ngành mà nhà nước cần nắm giữ là chất phóng xạ, hoá chất độc (hiện Việt Nam chưa có nhà máy nào sản xuất hoá chất độc), vật liệu nổ công nghiệp, mạng trục thông tin quốc gia (VNPT),… Các ngành còn lại nhà đầu tư nước ngoài đều có thể đầu tư hết.

Không phải chỉ 10 công ty vừa rồi SCIC mới phải thoái vốn hết, mà danh mục thoái vốn của SCIC lên đến khoảng 700 doanh nghiệp, ông Muôn nói.

Trả lời phóng viên về việc liệu Nhà nước quyết định thoái vốn toàn bộ tại 10 công ty đang đem lại cổ tức lớn cho SCIC để có được số tiền 3-4 tỉ đô la Mỹ có phải do áp lực trả các khoản nợ trái phiếu chính phủ đã đến hạn hay không, ông Muôn cho rằng Chính phủ nào cũng thiếu tiền, nhưng việc thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi 10 công ty trên phải nhằm mục đích trả nợ vì nợ đang đến hạn, trong khi đó SCIC được quyền tuỳ tình hình mà bán.

T.Thu ghi

Xem thêm:

Chính phủ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk

Vinamilk: cổ đông nước ngoài cử ai?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới