Chính phủ Trung Quốc can thiệp thị trường
Phúc Minh
![]() |
Chính phủ Trung Quốc ban hành biện pháp kiểm soát vật giá. Ảnh: AP |
(TBKTSG Online) – Quốc Vụ viện Trung Quốc ngày 17-11 tổ chức cuộc họp để ổn định vật giá, đảm bảo đời sống cơ bản cho người dân và đã đưa ra 4 biện pháp.
>>> Giá hàng hóa Trung Quốc tăng mạnh
>>> Trung Quốc: lạm phát cao nhất trong 25 tháng
Các biện pháp này bao gồm: đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm, dầu ăn, đường, rau, bông, phân bón, điện, khí đốt, xăng dầu và các mặt hàng khác; cải thiện hệ thống trợ cấp, sắp xếp cuộc sống cho các gia đình có thu nhập thấp; nâng cao mục tiêu kiểm soát, hủy bỏ một số lệ phí bất hợp lý; tăng cường các quy định chống tích trữ hàng hóa.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng tiền nóng chảy vào nền kinh tế để ngăn chặn đầu cơ.
Trưởng bộ phận giá cả của Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc, ông Chu Vọng Quân, cho biết lý do lạm phát có liên quan đến chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng của Mỹ. Ông Chu dự kiến do nhu cầu dầu của Trung Quốc với thị trường quốc tế cao, vật giá tại Trung Quốc trong thời gian ngắn sẽ vẫn duy trì xu hướng tăng và vẫn cao trong quí 4-2010.
Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuần trước thăm các siêu thị tại Quảng Châu để khảo sát tình hình cung cấp hàng hóa và giá cả cho biết chống lại lạm phát là ưu tiên hàng đầu của chính sách kinh tế.
Do tác động của giá cả tăng vọt, thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 17-11 giảm xuống mức thấp nhất trong tháng ngày thứ 2 liên tiếp.
Kể từ khi Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2010 tăng 4,4% vào ngày 11-11, mức tăng cao nhất trong hơn 2 năm qua, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 9%.
Lạm phát cao, giá lương thực tăng 10,1% gây chú ý cho các nhà quản lý cấp cao của chính phủ Trung Quốc. Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp can thiệp để kiểm soát giá thị trường. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16-11 cho biết sẽ ổn định giá thịt heo và đường.
Vấn đề nhạy cảm
Lạm phát tại Trung Quốc là vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Nhiều gia đình nghèo dùng hơn một nửa thu nhập để mua thực phẩm.
Dù việc tăng lương bù đắp một phần lạm phát nhưng giá cả tăng cao làm cho tiết kiệm giảm, làm giảm mức thu lợi của người dân từ tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội.
Theo báo chí Trung Quốc, kể từ quí 3-2010, chính phủ Trung Quốc đã tung ra thị trường một lượng lớn lương thực và thực phẩm tích trữ. Trong số đó có 300.000 tấn ngô và 2 triệu tấn gạo dự trữ. Ngày 20-10, chính phủ tiếp tục tung ra thị trường 300.000 tấn dầu hạt cải dự trữ.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc tung thực phẩm dự trữ ra thị trường để kiểm soát vật giá rất đáng ngờ.
Một số nhà phân tích cho rằng hiệu quả tổng thể của một loạt các chính sách kiểm soát cho thấy xu hướng tăng giá của các sản phẩm nông nghiệp không thay đổi, thậm chí ngày càng tăng thêm.
(theo BBC)