Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ yêu cầu bộ ngành điều hành chủ động, phù hợp diễn biến kinh tế-xã hội

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại phiên họp đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2023, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần có các giải pháp điều hành chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với diễn biến tình hình để hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2023 – Ảnh: Chinhphu.vn

Theo TTXVN, tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 4,89% trong tháng 1 xuống 4,31% trong tháng 2; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm; tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 1 lên 51,2 điểm trong tháng 2-2023.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng gia tăng, thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục trầm lắng; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chưa được xử lý dứt điểm; một số cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp nhấn mạnh, nhiệm vụ trong tháng 3 và thời gian tới là tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; đảm bảo cân đối, hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa tăng trưởng với lạm phát; giữa chính sách tiền tệ, tài khóa với các chính sách khác; giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể với Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; nghiên cứu và tổ chức thực hiện giảm mặt bằng lãi suất; tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu; tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém; đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các loại thị trường nói chung.

Với Bộ Tài chính, tăng cường quản lý thu chi; triển khai hiệu quả việc thu thuế đối với dịch vụ ăn uống; trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; có phương án xử lý nguồn tăng thu.

Theo Cổng thông tin Chinhphu.vn, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; phối hợp với các địa phương tháo gỡ vấn đề quy hoạch, vướng mắc tại các dự án cụ thể, tập trung vào chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất phương án xử lý số dư, dứt điểm số kinh phí sau khi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; theo dõi sát, có giải pháp đảm bảo kết nối cung cầu lao động để phát triển thị trường lao động an toàn, hiệu quả; có phương án hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Bộ Y tế tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng, xử lý các vấn đề liên quan sách giáo khoa, sách giáo khoa cho người dân tộc. Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc lấy ý kiến của người dân liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi); xử lý dứt điểm những việc thiếu đất, thiếu vật liệu xây dựng cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới