Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ yêu cầu đảm bảo tăng trưởng GDP đạt 7%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ yêu cầu đảm bảo tăng trưởng GDP đạt 7%

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo rằng, Chính phủ vẫn tập trung sức điều hành nền kinh tế vĩ mô vượt qua tình hình khó khăn và đảm bảo tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2008.

Các chỉ tiêu khung về kinh tế vĩ mô năm 2009 cũng đã được đưa ra với những mục tiêu ổn định và tiếp tục tăng trưởng.

Hôm 4-9, phát biểu trước báo giới về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, ông Phúc cho biết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP đạt mức 7%, dù chỉ tiêu được Quốc hội điều chỉnh cách đây ba tháng đã cho phép dao động chỉ tiêu này trong khoảng 6,5 – 7%.

Vẫn theo lời Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã đề xuất mục tiêu duy trì mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 cao hơn năm 2008 (nếu không có những biến động lớn về kinh tế thế giới), phấn đấu ở con số tăng từ 7 đến 7,5%. “Tình hình không thuận lợi thì mục tiêu tăng trưởng cũng không thấp hơn năm 2008”, ông Phúc dự kiến.

Ông cũng nhấn mạnh một số mục tiêu dự kiến khác như đẩy mạnh đầu tư qua các hình thức xã hội hóa, ngoài đầu tư công. Chính phủ sẽ rà soát kim ngạch xuất nhập khẩu để hạn chế nhập siêu ở mức dưới 30%, bội chi ngân sách khoảng 4,8% (hiện nay ở mức 5%) để tăng đầu tư cho an sinh, xã hội. “Chỉ tiêu lạm phát cả năm 2009 được Chính phủ dự kiến ở mức 15%, nhưng sẽ phấn đấu quyết liệt ở mức khoảng 12%. Riêng tháng 12-2009, phấn đấu lạm phát chỉ còn một con số”, ông tiếp tục nhấn mạnh.

Những căn cứ cho tình hình kinh tế những tháng cuối năm mà Chính phủ đưa ra đã được Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Công Thương nêu ra trong các con số cụ thể của các bản báo cáo.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tám tháng đầu năm ở mức 43,32 tỉ đô la Mỹ, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu bốn tháng cuối có thể ổn định và đạt mức 21-22 tỉ đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch cả năm đạt khoảng 65 tỉ đô la Mỹ, tăng 33,9% so với năm trước và cao hơn mức đề ra chừng 1 tỉ đô la Mỹ.

Mức nhập siêu tám tháng ở mức xấp xỉ 16 tỉ đô la Mỹ, bằng 36,58% kim ngạch xuất khẩu và đang trên đà giảm dần đảm bảo cho mức nhập siêu dự kiến cả năm chừng 20 tỉ đô la Mỹ (mỗi tháng nhập siêu khống chế ở mức 800-900 triệu đô la Mỹ).

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam qua hình thức cấp mới và tăng thêm trong tám tháng đạt 47,1 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, mức vốn đầu tư nước ngoài  là 40,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2007 và vốn thực hiện đạt 7 tỉ đô la Mỹ, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện gần 6 tỉ đô la Mỹ, tăng 32,1% cũng so với cùng kỳ.

Theo dự đoán của Chính phủ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm sẽ tăng khoảng 25%. Tuy nhiên, Chính phủ cũng xác định bốn điểm cần khắc phục trong suốt tám tháng Việt Nam vượt khó về kinh tế. Cụ thể là việc phải điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trường kinh tế vĩ mô, tình hình đầu tư còn nhiều vướng mắc, không giải ngân tốt, các hình thức đầu tư ngoài nhà nước như BOT, BOO còn vướng nhiều các thủ tục và hành lang pháp lý.

Hơn nữa, dù Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh nhưng mức lạm phát còn cao: “Dự kiến CPI tăng ở mức 25% là cao gấp đôi năm ngoái”, ông Phúc nói. Bên cạnh đó việc đối phó với nhập siêu ban đầu còn nhiều lúng túng, chi phí đầu tư tăng, việc giải ngân các dự án, vốn đầu tư ứ đọng, đặc biệt là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước. Tính riêng nguồn tín dụng trong nước tám tháng chỉ đạt 9.000 tỉ đồng, bằng 33,5% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, ngay trong những tháng cuối năm 2008, dù Bộ Lao động- thương binh xã hội đã đề nghị nhưng Chính phủ chưa điều chỉnh chuẩn nghèo mới và cũng chưa có quyết định cuối cùng về thời điểm tăng lương tối thiếu như đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (dự kiến từ ngày 1-10-2008).

Ông Phúc nói rằng Chính phủ cũng đang thảo luận về việc trợ cấp lương và thay đổi lương tối thiểu nhưng dự kiến sẽ có một số bộ phận công chức, viên chức và người về hưu được điều chỉnh.

“Phương án cụ thể chưa được thông qua nên không thể khẳng định về thời điểm”, ông nhắc lại về những cân nhắc của Chính phủ, dù không quên nhấn mạnh rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế là gắn liền với việc thay đổi và tăng trưởng đời sống của nhân dân, trong đó có những người làm công, ăn lương.  

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới