Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ yêu cầu kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để bảo vệ đa dạng sinh học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ yêu cầu kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để bảo vệ đa dạng sinh học

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu kiểm soát loài ngoại lai xâm hại nhằm duy trì cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trước bối cảnh một số loài ngoại lai đã được nuôi và bày bán ở một số địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

 

Chính phủ yêu cầu kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để bảo vệ đa dạng sinh học
Tôm càng đỏ hình dạng có màu xanh và tôm hùm nước ngọt có hình dạng màu đỏ là các loài thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm nuôi. Ảnh: TTXVN

Theo đó, trong chỉ thị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc kiểm soát loài ngoại lai là quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực tiễn để duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khoẻ người dân….

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện tại một số địa phương, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế- xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; nguy cơ nhập khẩu, phát tán loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam là rất cao.

Thực tế, theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trong năm 2019, nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện tình trạng bày bán và nuôi tôm càng đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất. Trước đó, cũng đã xuất hiện tình trạng nuôi rùa tai đỏ ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ngoài những loài ngoại lai như trên, việc nuôi ốc bưu vàng trong quá khứ đã khiến loài ngoại lai này sinh sôi, phát triển trong tự nhiên rất nhanh cho đến ngày nay. Điều này, gây thiệt hại khá nặng nề đến hoạt động sản xuất lúa (giai đoạn lúa non – PV) của bà con nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ thế, cá lau kính – một loài ngoại lai khác cũng đang phát triển rất mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở nhiều địa phương trong vùng.

Liên quan việc kiểm soát dịch bệnh từ các loài ngoại lai, hồi tháng 5-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các tỉnh biên giới phía Bắc tăng cường ngăn chặn bệnh Decapod Iridescent Virus (gọi là virus DIV1) trên tôm từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó, có tôm càng đỏ.

Theo đó, virus DVI1 được phát hiện lần đầu vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ tại tỉnh Phúc Kiến, trên tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang…

Chính điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị như nêu trên nhằm chủ động phòng chống, dù chưa có thông tin virus DIV1 xuất hiện ở Việt Nam.

Từ những thực trạng như trên, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và UBND các địa phương có chỉ đạo thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý, kiểm soát theo thẩm quyền được giao.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020.

Rà soát, đánh giá các quy định pháp luật và đề xuất các phương án bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý chặt hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai xâm hại.

Đối với Bộ Công Thương, Chính phủ yêu cầu có chỉ đạo Tồng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trái phép các loại ngoại lai xâm hại theo quy định pháp luật….

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới