Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính quyền điện tử ở huyện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính quyền điện tử ở huyện

Quế Sơn

(TBVTSG) – Thuận An đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bình Dương hoàn thành việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tổng thể phục vụ cho công tác quản lý hành chính. Từ thành công của huyện Thuận An, chính quyền tỉnh Bình Dương đang có kế hoạch triển khai mở rộng ứng dụng này trên toàn tỉnh.

Năm 2008, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2010 và hướng đến 2020 với danh mục 26 dự án trọng điểm, trong đó dự án “Tin học hóa các dịch vụ hành chính công” được làm thí điểm tại huyện Thuận An, là bước đầu của việc thực hiện chính quyền điện tử của tỉnh.

Thí điểm và nhân rộng mô hình

Khởi động vào đầu năm 2009, đến nay Thuận An đã triển khai 11 phân hệ như tiếp nhận – hoàn trả hồ sơ theo mô hình một cửa; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và công trình; tra cứu hồ sơ; trang web tổng hợp thông tin; trang web dịch vụ công…

Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận An, cho biết kết quả ban đầu đã tạo ra được môi trường làm việc có tính tương tác, giải quyết hồ sơ điện tử tại tất cả các phòng ban, giúp giảm hơn 20% khối lượng công việc hằng ngày.

Nhờ dữ liệu được tích hợp và thông tin minh bạch, người lãnh đạo theo dõi được quá trình thụ lý công việc của chuyên viên, quá trình thẩm tra hồ sơ cũng nhanh hơn giúp giảm bớt những thủ tục rườm rà đối với người dân. Đồng thời, người dân cũng có thể thực hiện một số công việc trên mạng bằng điện thoại, nhắn tin, tra cứu trên cổng thông tin, hoặc bằng mã vạch để theo dõi quy trình giải quyết hồ sơ của mình.

Với những thành công ban đầu, Bình Dương sẽ nhân rộng mô hình ứng dụng phần mềm dùng chung từ huyện Thuận An nhằm kết nối dữ liệu một cách đồng bộ trong toàn tỉnh.

Ông Lai Xuân Thành, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Bình Dương, cho biết quá trình xây dựng dự án CNTT tại Bình Dương bắt đầu từ năm 2005 nhưng qua nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, đến cuối năm 2007 dự án mới được phê duyệt.

Ban đầu, tỉnh chủ trương song song với việc thí điểm dự án tại Thuận An, các huyện và thị xã khác cũng thiết lập hạ tầng. Khi Thuận An triển khai xong trong năm 2008, các huyện thị khác cũng hoàn thành việc thiết lập hạ tầng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009 dự án tại Thuận An mới hoàn thành. Mặc dù được đánh giá là đạt đến 90% yêu cầu nhưng tiến độ bị chậm gần một năm, làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án khác.

Theo ông Thành, nguyên nhân của sự chậm trễ này là việc thiếu sự giám sát thi công dự án, tài liệu kỹ thuật chuyển giao chưa hoàn chỉnh, tiến độ thực hiện các gói thầu phần cứng và phần mềm chưa đồng bộ… Sau một thời gian triển khai, nhân sự phụ trách dự án thay đổi nên các ý tưởng chỉ đạo ban đầu đã không được thực hiện đến cùng. Bước đầu triển khai dự án cũng gặp nhiều khó khăn từ hạ tầng kỹ thuật chưa ổn định cho đến tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên chưa thích ứng kịp.

Ngoài ra, việc các văn bản, quy định “thay đổi nhanh” cũng đã làm cho chương trình phần mềm “không theo kịp”. Cho đến nay, các khó khăn nói trên đã được chính quyền huyện và nhà cung cấp giải pháp (Công ty Hệ thống thông tin FPT) cùng nhau giải quyết ổn thỏa.

Mặt khác, chủ trương lập dự án là của UBND tỉnh, đến khi thực hiện thì sử dụng nguồn vốn của huyện. Dù dự án đã được thẩm định kỹ thuật nhưng các huyện vẫn điều chỉnh các gói thầu, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc kỹ thuật của toàn dự án.

Từ trở ngại này, Sở Thông tin-Truyền thông Bình Dương đã đề nghị UBND tỉnh linh động thay đổi phương pháp triển khai để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo đó, việc đầu tư tại các địa phương đã được UBND tỉnh cho phép linh động hơn. Về hạ tầng phần cứng, các địa phương tự đầu tư bổ sung, nhưng về phần mềm, tỉnh sẽ mua bản quyền các phân hệ đã ứng dụng thành công theo như thỏa thuận về hạng mục và kinh phí cho sáu huyện thị còn lại. Bình Dương cũng sẽ “đặt hàng” nhà cung cấp để tích hợp dữ liệu giữa các địa phương trong tương lai.

Theo ông Thành, khi nhân rộng mô hình dự án của Thuận An, các huyện thị khác sẽ có những bước điều chỉnh phù hợp để chuẩn bị cho việc tích hợp cơ sở dữ liệu cho các dịch vụ hành chính công của mình về cổng thông tin của tỉnh; nâng cấp việc cung ứng dịch vụ công lên mức độ 3, là mức độ giao tiếp cao hơn, chủ yếu trên môi trường mạng.

Chiến lược dài hạn, triển khai từng bước

Theo các chuyên gia, chính quyền điện tử không chỉ đơn thuần là theo dõi, quản lý đầu vào, đầu ra của hồ sơ mà đó là ứng dụng tin học vào các nghiệp vụ hành chính tại một đơn vị cụ thể. Mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính là để có thông tin tốt hơn, minh bạch hơn, việc xử lý nghiệp vụ kịp thời và chính xác hơn. Để đạt được mục tiêu này, những người “cầm chịch” tại địa phương phải am hiểu vấn đề và có đủ bản lĩnh để đưa ra giải pháp hợp lý.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử là một quá trình lâu dài và bền vững. Các địa phương phải đưa ra được một chiến lược dài hạn với giải pháp tổng thể nhưng khi triển khai thì làm từng bước, từng nhóm dịch vụ song song với việc cải tiến quy trình một cách đồng bộ. Cần chọn đối tác có năng lực và kinh nghiệm với đội ngũ triển khai có sự am hiểu về quản lý hành chính nhà nước cùng với các cam kết hợp tác lâu dài.

Các địa phương cũng cần lên kế hoạch thiết lập đội ngũ nhân sự tin học và đàm phán với đối tác về việc chuyển giao từng bước công việc triển khai, bảo hành, bảo trì. Có như vậy các địa phương mới chủ động được trong việc xử lý các sự cố và xây dựng được đội ngũ nhân sự riêng cho mình.

Theo ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Công ty Phát triển phần mềm FPT, nhiều địa phương hiện vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc nâng cấp mạng WAN và xây dựng hệ thống bảo mật thông tin đủ mạnh để bảo đảm an toàn cho dữ liệu, giúp chương trình vận hành nhanh, ổn định và an toàn.

Theo ông Chiến, xu hướng trong vài năm tới là các địa phương sẽ thiết lập mô hình xử lý tập trung (dữ liệu các quận huyện, sở ngành được tích hợp tại một trung tâm và dùng chung phần mềm). Khi Internet phủ khắp nơi, số người sử dụng tăng lên, các dịch vụ về chứng thực, chữ ký số, đường truyền kết nối các đơn vị hành chính sẽ dần hoàn thiện và vận hành ổn định, thì trung tâm dữ liệu của các địa phương sẽ thành hình.

Một cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho toàn tỉnh và phần mềm cài đặt cùng một nơi sẽ giúp tiết giảm chi phí bảo hành, bảo trì, nâng cấp và quản lý, trong khi các dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng được hình thành để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới