Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Chính quyền phải tin vào giới khoa học!”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Chính quyền phải tin vào giới khoa học!”

Nguyễn Vĩnh Nguyên (thực hiện)

TS. Nguyễn Thọ Nhân.

(TBKTSG) – Là tác giả của hai đầu sách đáng chú ý năm qua: Biến đổi khí hậu và năng lượng (NXB Tri thức), Trung Đông trong thế kỷ 20 (NXB Tổng hợp TPHCM) và là dịch giả cuốn Trung Đông 2000 năm trở lại đây (của Bernard Lewis, NXB Tri thức), Soros – nhà đầu tư có uy thế nhất thế giới (của Robert Slater, NXB Tổng hợp TPHCM)…, TS. Nguyễn Thọ Nhân (*) vừa là như một nhà nghiên cứu về Trung Đông, vừa là chuyên gia trong ngành điện hạt nhân, năng lượng và môi trường tại Pháp, Mỹ…

Hiện ông đã về hưu và sống ở TPHCM, lấy chuyện dịch thuật, viết sách khoa học làm niềm vui. Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này…

TBKTSG: Thưa ông, trong hai năm qua, dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm đến những vụ bê bối trong hành xử với môi trường của các doanh nghiệp, cả những dự án khai thác tài nguyên thiếu cân nhắc của các địa phương hay các ngành. Bỏ qua tính bề nổi của sự kiện thì có vẻ như ý thức môi trường của cộng đồng đang có một sự xoay chuyển tích cực. Nhưng hình như điều đó cũng đến muộn, khi mà người dân nghèo đang gánh chịu thiên tai ngày càng nặng và sinh thái của chúng ta đã trả giá quá lớn bằng thực tế những kênh rạch, sông ngòi đang chết, những núi đồi bị biến mất mãi mãi… để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng…

TS. Nguyễn Thọ Nhân: Tôi thấy, trong việc phát triển kinh tế ai cũng bảo rằng, phải tăng trưởng bền vững, quan tâm đến vấn đề môi trường. Nói thì nói vậy, nhưng đến khi thực hiện, lại rất khó.

Ví dụ, trong nước có luật cấm phá rừng, nhưng tôi thấy đến nay Nhà nước chưa giải quyết được tận gốc nạn lâm tặc hoành hành. Ở ta, từ ý hướng phát triển bền vững đến thực hành đi qua một cơ chế không đầy đủ, bất nhất. Vấn đề là, nếu có sự quyết tâm sẽ giải quyết được.

Tôi có lần đi báo cáo tại một hội thảo quốc tế về môi trường ở Washington; khi đề cập đến những rào cản của việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ sinh thái, thì yếu tố rất quan trọng là sự quyết tâm của các cấp chính quyền.

Có thể hiện nay chính quyền Việt Nam còn quá nhiều việc nên chưa chú ý lắm. Nhưng gần đây tình hình rất phức tạp từ môi trường như thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, mới thúc đẩy phần nào chuyển biến nhận thức, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới.

– Ông nghĩ gì về đóng góp ngăn chặn biến đổi khí hậu của Việt Nam?

– Tôi nghĩ là làm sao cho người dân ý thức những ngọn nguồn thiên tai có liên quan đến biến đổi khí hậu, do hành xử con người với môi trường không đúng. Giới truyền thông và các nhà khoa học phải cho họ thấy được hệ quả tất nhiên đó, để mỗi người dân đóng góp vào các giải pháp bảo vệ môi trường. Họ cũng phải hiểu rõ là tham gia dưới hình thức nào.

Ví dụ như tiết kiệm năng lượng, giảm ăn thịt để hạn chế các khí thải nhà kính, chống ô nhiễm phát thải từ nguồn động vật nuôi… Vấn đề tiếp theo là phải hiểu cái khó về miếng cơm manh áo buộc người dân phải xâm phạm đến môi trường, từ đó cần có những ngành nghề thay thế, giúp họ có thể chuyển đổi phương thức và mô hình kinh tế.

– Nhưng, ngay cả cơ chế nhà nước, nhìn từ vĩ mô cũng đã có những chướng ngại chưa giải quyết được. Đơn cử như những dự án thủy điện tràn lan gây ra những cơn bão gỗ, lũ gỗ vừa qua…

– Trên thế giới, chính phủ nào cũng muốn tăng trưởng bền vững. Vấn đề ở đây là phải dự báo trước những tai họa xảy ra, để khâu thiết kế có được những giải pháp, tiêu chí an toàn. Có những dự án nằm ở cấp địa phương, do tầm nhìn của quản lý tại cơ sở không đủ bao quát để thấy được những hiểm họa tiềm ẩn nên mới có những “thủy điện A Vương” mà chúng ta đã thấy. Nghiên cứu tác động môi trường thiếu toàn diện lại đặt mục tiêu chính trị kinh tế địa phương cao hơn thì sẽ rất khó giải quyết vấn đề…

– Khi đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường thì dễ tạo ra một sự mâu thuẫn giữa các ngành. Vậy, có vẻ như Chính phủ còn thiếu những “nhạc trưởng” để điều khiển mang tính liên ngành?

– Đúng là đang thiếu những cái nhìn rộng, phải có những người hiểu được vấn đề môi trường. Ví dụ, được nghiên cứu chuyên ngành điện hạt nhân, tôi rất quan tâm đến dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Bây giờ người ta đang đề nghị phải có một ban điều hành, không chỉ giao cho Bộ Công Thương chủ trì. Có thế mới đủ sức nhìn tất cả các khía cạnh của điện hạt nhân trong bối cảnh chúng ta hiện nay.

– Lại nói đến chuyện điện hạt nhân. Được biết những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ông là một trong những nhà khoa học soạn thảo bản đề xuất dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam (dưới sự hỗ trợ của Liên Xô). Sau đó, vì nhiều lý do, dự án bị gác lại. Nhưng tôi lại nhớ cách đây sáu năm, khi Chính phủ rục rịch lên dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận ông đã viết một bài báo bày tỏ thái độ không đồng tình với dự án này…

– Điện hạt nhân là vấn đề hơi đi xa một chút, nhưng vẫn có liên quan đến sự thay đổi năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trên thế giới người ta cho rằng điện hạt nhân có thể giúp hạn chế hiệu ứng nhà kính. Nhưng với Việt Nam trong giai đoạn này thì chưa nên làm. Tôi đã trình bày trong phần Điện hạt nhân của cuốn sách Biến đổi khí hậu và năng lượng (NXB Tri thức, 2009) và trong bài báo khoa học năm 2004 mà anh đã đọc. Những ý kiến trong đó, đến nay tôi vẫn bảo vệ.

Giáo sư Phạm Duy Hiển nói tôi không cổ vũ cho điện hạt nhân, thì không phải. Tôi cổ vũ, nhưng trong giai đoạn này, tôi thấy Việt Nam chưa nên làm vì chưa có văn hóa an toàn. Nhà năng lượng học hàng đầu trên thế giới, Giáo sư José Goldemberg, nguyên Bộ trưởng Năng lượng của Brazil, gần đây cũng khuyên là các nước đang phát triển (như Brazil, Việt Nam) hiện nay chưa nên làm điện hạt nhân. Trước hết là về đội ngũ nhân sự chuyên môn. Sau là chưa chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường như nước biển dâng, bão lũ miền Trung đang xảy ra với cường độ ngày một cao, biến động địa chất…

Một vấn đề quan trọng nữa, thời những năm 80, nguồn năng lượng khác còn chưa dồi dào như ngày nay, chuyên gia trong nước hỗ trợ ở mức độ cao, nhân sự được Giáo sư Nguyễn Đình Tứ chuẩn bị tốt khi ông còn làm Bộ trưởng Đại học. Ngoài ra giá cả cũng là một vấn đề hệ trọng. Giá đầu tư nhà máy điện hạt nhân hiện nay rất cao, giá mà dự án đưa ra 2.000 đô la Mỹ/1 KW không thực tế (các lò phản ứng thế hệ 3 hiện nay giá đầu tư cũng đã lên đến 4.000 đô la Mỹ/1 KW, có nơi 6.000 đô la Mỹ/1 KW), có một số nước sẵn sàng cho ta vay hay ưu đãi giá bán các tổ máy đầu tiên, nhưng sau đó họ sẽ tăng tiền lên.

Và khi đó, ta đủ tiền để tiếp tục sản xuất điện không hay là cứ đi vay để trở thành một nước nợ chồng chất mai sau con cháu phải trả? Sự cố Dubai lao đao vì nợ vay gần đây là một bài học. Nhiều báo chí quốc tế đã khuyên các nước đang phát triển có số nợ cao như Việt Nam đừng đi vào quỹ đạo đó…

– Cũng về thời sự năng lượng, thưa ông, trong thời gian qua, có thông tin TKV (tập đoàn Than khoáng sản) cho hay Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2012 (sau một thời gian bán than cho Trung Quốc). Ông nghĩ gì khi nghe thông tin này?

– Sau khi chấn chỉnh lại ngành than thì có lẽ ngành năng lượng của ta sẽ dựa vào than đá là chủ yếu từ nay đến khoảng năm 2030-2035, trong Tổng sơ đồ 6 chắc cũng có hướng đi như thế. Với điều kiện là tránh thất thoát và sử dụng hết sản lượng trong nước thì nhập khẩu than là chuyện đương nhiên. Có điều lạ là năm 2008 ta vẫn xuất than nhưng lại phải nhập từ Indonesia 3,5 triệu tấn để chạy nhà máy Vĩnh Tân do một công ty nước ngoài và Tổng công ty Điện lực đầu tư.

– Sức ép từ khủng hoảng năng lượng gia tăng trong khi thực tế nguồn tài nguyên lại đang cạn dần. Trong bối cảnh hiện nay, nếu phải ưu tiên “giải cứu” môi trường thì có phải giới khoa học đặt ra vấn đề quá khó với Nhà nước?

– Các nhà khoa học không gây khó khăn mà chỉ cảnh báo trong phạm vi những gì họ biết được để tránh những hậu họa. Nếu muốn phát triển kinh tế bền vững thì nghe theo những cảnh báo như thế không phải là chuyện vô ích. Thiếu hụt năng lượng có thể giải quyết bằng nhiều cách và chỉ có ảnh hưởng ít nhiều trên phát triển kinh tế nhưng tàn phá môi trường sẽ có ảnh hưởng đến đời sống không chỉ cho chúng ta mà cho các thế hệ mai sau. Hơn nữa trong ngành năng lượng, giải cứu môi trường cũng đi đôi với việc giải quyết vấn đề cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

– Nhưng thực tế là trong những quyết định của Chính phủ gần đây thì tiếng nói tư vấn của nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường còn nhẹ, tính “bối cảnh hóa” của khoa học hơi yếu?

– Có hai cách nhìn, quan điểm không giống nhau. Thế giới cũng có chuyện này. Ngay cả nghị định thư Kyoto, thì cái nhìn của các nhà khoa học cũng khác các nhà chính trị. Chính phủ có thể có những cái nhìn rộng hơn, còn giới khoa học chỉ trên cơ sở khoa học hay bảo vệ môi trường. Ví dụ vụ bauxite thì môi trường bị tác động rất mạnh, nhưng từ quan điểm chính trị thì các địa phương có dự án này đều muốn phát triển kinh tế của họ… và họ nói là chỉ có cách này thôi. Nên có một tổ chức cao, tập hợp những người hiểu biết để giải quyết thấu đáo nhiều chuyện.

__________________________________

(*) TS. Nguyễn Thọ Nhân tốt nghiệp kỹ sư cơ khí Ecole Centrale de Paris, tiến sĩ cơ học tại Đại học Paris và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (Post Doctoral fellow) tại ĐH Minnesota (Mỹ).

Ông từng làm kỹ sư trưởng Công ty Babcock & Wilcox; là chuyên viên Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, thành viên Ban chủ nhiệm các chương trình cấp nhà nước về năng lượng, năng lượng mới và năng lượng hạt nhân.

Từ năm 1986, ông được mời làm cố vấn cho chương trình phát triển năng lượng châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc. Từ năm 1989, ông là người phụ trách chương trình năng lượng của tổ chức Liên chính phủ các nước nói tiếng Pháp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới