Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách: chớ nên “bẻ cong” quy luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách: chớ nên “bẻ cong” quy luật

(TBKTSG) – Để có được những chính sách có sức sống với thời gian đòi hỏi trong quá trình xây dựng và thực thi phải hiểu và luôn tôn trọng triệt để các quy luật khách quan.

Lạm phát tăng cao thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ là đúng đắn và cần thiết. Thực tế NHNN đã thực thi một loạt các công cụ chính sách tiền tệ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, và thậm chí cả việc phát hành tín phiếu NHNN bắt buộc. Các công cụ này sẽ chỉ phát huy tác dụng thông qua các ngân hàng với tư cách là các trung gian tài chính trong nền kinh tế.

Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sau khi NHNN thực thi hàng loạt các biện pháp kể trên đã thể hiện tính hiệu lực của các công cụ chính sách tiền tệ. Bởi thông qua việc tăng lãi suất mới có thể đủ kích thích các nguồn vốn tiết kiệm trong nền kinh tế dịch chuyển vào hệ thống ngân hàng, rồi từ đây NHNN mới có điều kiện hút tiền ra khỏi lưu thông.

Thế nhưng việc NHNN ban hành Công điện 02 khống chế mức trần lãi suất huy động của ngân hàng ở mức 12%/năm đã làm trễ tính hiệu quả và hiệu lực của chính sách tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát.

Trong khi lãi suất cho vay ra của các ngân hàng cao chót vót và chắc chắn đảm bảo một mức lãi suất thực dương cho chính ngân hàng thì việc khống chế mức trần lãi suất huy động trong điều kiện lạm phát cao làm sao đảm bảo được một mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền!

Lãi suất không đủ hấp dẫn thì sẽ không kích thích người dân gia tăng tiết kiệm, tiền nhàn rỗi cứ lảng vảng trong lưu thông thì mục tiêu kiềm chế lạm phát càng khó đạt được, đặc biệt trong ngắn hạn. Nhiều khoản tiền gửi cách đây từ 1-3 tháng dần đến hạn, nay do lãi suất không đủ hấp dẫn nên được khách hàng rút ra tìm những kênh đầu tư vốn mới sinh lời hơn hoặc chờ cơ hội tái gửi vào ngân hàng với hy vọng một đợt tăng lãi suất sẽ diễn ra trong nay mai.

Thực tế là sự căng thẳng vốn của các ngân hàng hiện đang dần đến cao trào và khả năng một đợt tăng lãi suất mới sẽ trở thành hiện thực ngay khi NHNN có chính sách nới lỏng hay bỏ Công điện 02. Tình hình hiện nay cho thấy không ít ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ, đã tỏ ra bức xúc và phản ứng ngay chính cái gọi là “đồng thuận” của mình trước kia. Nhiều ngân hàng đã và đang có những động thái tăng lãi suất huy động. Đây là điều tất yếu phải xảy ra, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Hai cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với các thành viên khu vực phía Bắc và phía Nam vừa qua một lần nữa cho thấy VNBA đã cố gắng “níu kéo” mức trần lãi suất huy động tiền đồng dưới mức 11%/năm. Rõ ràng nhiều hội viên VNBA đã phải miễn cưỡng thông qua chứ thực sự không thể có cái gọi là “đồng thuận” như lần trước.

Thế rồi câu chuyện từ ngày 28-4 đã chuyển sang hồi khác khi Tổng thư ký VNBA bà Dương Thu Hương đã ký Công văn số 171/HHNH-NV gửi các ngân hàng hội viên về việc đồng thuận tăng lãi suất trần huy động tiền đồng từ 11% lên 12%/năm. Điều này gây sự ngạc nhiên của nhiều người vì trước đó chỉ mấy ngày VNBA luôn giữ quan điểm duy trì lãi suất trần huy động 11%/năm. Việc NHNN cũng như VNBA khống chế và duy trì mức trần lãi suất như thời gian qua và hiện nay bằng cách dùng các biện pháp hành chính là cố tình “bẻ cong” quy luật khách quan và đi ngược lại với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 91 (ngày 7-4).

Tình hình hiện nay cũng chưa đến nỗi quá nghiêm trọng và tiếp bước VNBA, NHNN cũng nên có bước điều chỉnh chính sách lãi suất ngay lúc này nhằm giảm sốc cho nền kinh tế. Trước mắt là cần điều chỉnh mức lãi suất tăng lên một cách từ từ rồi tiếp tục cho tiệm cận với lãi suất thị trường và hướng đến một cơ chế lãi suất thỏa thuận như chúng ta đã từng thực thi từ năm 2002 là phù hợp với xu thế tự do hóa các quan hệ tài chính hiện nay.

Chính sách này cần được hỗ trợ bởi các công cụ gián tiếp như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu để điều tiết lãi suất trong nền kinh tế thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Tăng tính hiệu quả của thị trường tài chính cũng là một điều kiện để đảm bảo tính hiệu lực của các công cụ chính sách. Muốn vậy, NHNN phải không ngừng hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách một cách đồng bộ và thống nhất theo hướng tự do hóa, tránh một chính sách nhất thời và mang tính chắp vá. Để có được những chính sách có sức sống với thời gian như vậy đòi hỏi trong quá trình xây dựng và thực thi phải hiểu và luôn tôn trọng triệt để các quy luật khách quan vốn có của chúng.

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN

Đại học Ngân hàng TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới