Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách đất đai có bị lợi dụng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách đất đai có bị lợi dụng?

Ngọc Lan thực hiện

Ông Phạm Xuân Thường đề nghị tiếp tục tạm hoãn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) Ảnh: Quốc hội

(TBKTSG Online) – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Phạm Xuân Thường đã đề nghị Quốc hội nên tiếp tục hoãn thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp này vì còn nhiều vấn đề chưa được đồng thuận và chưa giải quyết được các vướng mắc. Ông cho rằng thực tế cho thấy chính sách đất đai bị lợi dụng.

Ông Thường đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh đề xuất này.

TBKTSG Online: Thưa ông, vì sao tại cuộc thảo luận hội trường Quốc hội về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cuối tuần trước, ông đã đề nghị hoãn thông qua?

– Ông Phạm Xuân Thường: Quốc hội kỳ này chỉ bố trí một buổi cho đại biểu góp ý về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Vì số người đăng ký góp ý quá đông nên sau đó Chủ tịch Quốc hội quyết định bố trí thêm một buổi góp ý nữa. Song còn rất nhiều ý kiến chưa được phát biểu hết. Điều đó chứng tỏ mọi người quan tâm đến dự thảo đến mức nào và trong dự thảo luật sửa đổi còn nhiều vấn đề chưa thống nhất được hết. Với khoảng thời gian ngắn như vậy mà chỉnh lý nhiều nội dung lớn mà các đại biểu đề xuất là hơi khó. Vì vậy tôi đề nghị tạm hoãn lại, nếu được thì thông qua kỳ sau. Làm sao luật sửa đổi khi đưa ra cuộc sống phải giải quyết được những bất cập hiện nay. Nếu không có tính khả thi thì không nên thông qua.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã qua 3 kỳ họp Quốc hội và 5 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến nhưng như ông nói, các ý kiến khác nhau, sự không đồng thuận trong và ngoài nghị trường là còn rất lớn. Vậy ông có cho rằng đề xuất tạm hoãn thông qua là cần thiết?

– Tôi đã phát biểu tại hội trường, Tôi cho rằng tạm hoãn thông qua là cần thiết.

Ông và nhiều đại biểu đã lên tiếng vì những điều cơ bản trong Luật Đất đai không được sửa. Ví như quy định đất đai là sở hữu toàn dân nhưng Nhà nước thông qua cơ chế giao đất, thu hồi đất bằng các biện pháp hành chính đã giúp nhiều nhóm lợi ích hưởng lợi, đẩy người dân dễ rơi vào rủi ro và mất đất. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Việc thu hồi đất là cần thiết để phục vụ mục đích phát triển, nhất là các dự án phục vụ mục đích công cộng. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, có thể thu hồi đất. Nhưng chúng ta không phân biệt rạch ròi các vấn đề. Đất đai là thuộc sở hữu toàn dân nhưng khi giao cho người dân quản lý thì người dân có toàn quyền sở hữu, định đoạt. Thời gian đó rất dài. Nếu kéo dài 50 năm và sau 50 năm thì sở hữu toàn dân thực ra không tồn tại trong thực tế. Nó chỉ phù hợp và thuận tiện cho những người có đất, còn những người sinh sau, không có đất thì sao. Ví dụ như ở Thái Bình, đất đai mỗi hộ chỉ có hơn 1 sào Bắc bộ (hơn 360 m2). Đất từ năm 1993 đến nay không được tiến hành giao lại nên những người sinh sau 1993 không có đất. Còn những người có đất thì nhiều người đã chết rồi.

Những người không có nhu cầu sử dụng vẫn có đất. Chúng ta không điều chỉnh điều này thì không thực hiện được nguyên tắc của Luật Đất đai là giao đất cho người trực tiếp sản xuất.

Nhưng rất nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên thu hồi đất cho dự án đầu tư công?

– Vấn đề là cách thức thu hồi như thế nào và ai là người thu hồi. Cấp thẩm quyền nào có quyền thu hồi và thu hồi để làm gì. Vừa qua thực tế là thu hồi đất còn tràn lan, chính sách đất đai bị lợi dụng. Lợi ích thì doanh nghiệp được hưởng còn Nhà nước và người dân không đuợc hưởng gì. Nhà nước chỉ thu được tiền sử dụng đất rất ít.

Giá đất luôn là vấn đề gây đau đầu nhất cho những người đi thu hồi đất và những người bị thu hồi. Dự thảo luật sửa đổi vẫn giữ nguyên vấn đề giá đất theo cơ chế thị trường phù hợp. Song như thế nào là giá thị trường phù hợp sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi nếu chúng ta không có những hướng dẫn minh bạch và cụ thể?

– Đúng là phải có hướng dẫn cụ thể. Chúng ta toàn nói giá thị trường nhưng không có định lượng nào cả. Giá thị trường chính là giá trị sử dụng mà thực tế người ta đã chuyển nhượng, mua bán với nhau. Giá đó sẽ còn phải bàn dài song không thể tạo ra một mức giá mà do những người muốn định đoạt đất đai phân chia.

Vậy ông có bấm nút thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 29-11 tới?

– Tôi không trả lời câu hỏi này.

Xin cám ơn ông!                                                             

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới