Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào ứng phó của Trung Quốc với Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào ứng phó của Trung Quốc với Covid-19

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Định hướng chính sách kinh tế của nhiều ngân hàng trung ương và chính phủ trên thế giới giờ đây phụ thuộc vào mức độ phản ứng của chính phủ Trung Quốc để vượt qua cú sốc kinh tế do dịch virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra.

Ngành du lịch toàn cầu đối mặt thiệt hại 80 tỉ đô la do dịch corona

Lo dịch corona kéo dài, các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất đến Đông Nam Á

Chính sách kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào ứng phó của Trung Quốc với Covid-19
Du lịch là một trong những ngành kinh tế ở Singapore bị dịch Covid-19 tác động nặng nề nhất. Ảnh: Reuters

Trung Quốc nỗ lực kích thích kinh tế

Hôm 17-2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo cung cấp cho các ngân hàng khoản vay trung hạn một năm trị giá 200 tỉ nhân dân tệ (28,6 tỉ đô la Mỹ) với mức lãi suất giảm 10 điểm cơ bản, xuống còn 3,15%, mức thấp nhất kể từ năm 2017. Động thái này cho phép các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng của họ.

Ngoài ra, PBoC cũng bơm thêm 100 tỉ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,4%.

Hôm trước đó, trong bài viết trên Cầu thị, tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn cho biết, nước này đang lên kế hoạch cắt giảm thuế có trọng điểm và theo từng giai đoạn để hỗ trợ tăng trưởng, chẳng hạn miễn thuế giá trị gia tăng cho những công ty cung cấp hàng hóa thiết yếu hay hoạt động trong ngành logistics (kho vận).

Giới phân tích nhận định các động thái trên của Trung Quốc là nỗ lực mới nhất nhằm ứng phó các tác động của dịch Covid-19.

Các nỗ lực đó được đưa ra khi Trung Quốc quyết tâm duy trì các mục tiêu kinh tế trong năm nay. Tại cuộc họp của Ban thường vụ Bộ Chính trị hồi tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng không được để dịch Covid-19 cản trở đất nước đạt các mục tiêu kinh tế và xã hội.

Giới phân tích cho rằng mệnh lệnh này có thể khiến Trung Quốc từ bỏ lập trường thận trọng với các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ.

Nếu như Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn diện và gia tăng chi tiêu công, các đối tác thương mại của nước này có lẽ sẽ chứng kiến đà hồi phục kinh tế nhanh chóng sau khi trải qua cú sốc ngắn hạn ở các lĩnh vực xuất khẩu, chuỗi cung ứng, du lịch do tác động của dịch Covid-19.

Điều này được dự báo sẽ chi phối các cuộc thảo luận tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tại hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế lớn G20 tại Riyadh, Saudi Arabia vào ngày 21-2 tới.

Hôm 14-2, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva gợi ý rằng cần phải có các biện pháp phối hợp hoặc đồng bộ của các nước để bảo vệ nền kinh tế thế giới trước mối đe dọa của dịch Covid-19.

Song việc các nước đưa ra phản ứng như thế nào còn tùy thuộc vào mức độ huy động các công cụ chính sách của Trung Quốc ứng phó các tác động của dịch Covid-19. Các phương án ngắn hạn mà Trung Quốc đã hoặc đang lên kế hoạch triển khai bao gồm cắt giảm thêm lãi suất cho vay của PBoC, miễn giảm thuế cho những ngành bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất cũng như bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính.

Lập trường của Trung Quốc hiện nay là không nới lỏng chính sách quá mức dù có những dấu hiệu cho thấy lập trường đó đang suy yếu.

Giới phân tích dự báo PBoC có thể cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng và các chính quyền địa phương sẽ được phép đẩy nhanh tiến độ bán trái phiếu để huy động vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng như đường cao tốc và các cơ sở y tế.

Các nhà kinh tế từ nhiều ngân hàng bao gồm Goldman Sachs (Mỹ), UBS (Thụy Sĩ) và BNP Paribas (Pháp) đều có chung nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Điều mà họ không chắc chắn là liệu nhà chức trách Trung Quốc có nới lỏng chiến dịch kiểm soát cho vay hay không khi mà tổng nợ trong nền kinh tế đang hướng đến mức tương đương 300% GDP của nước này.

Nhiều nước châu Á dễ bị tổn thương

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Các nhà kinh tế ở Ngân hàng HSBC dự báo tác động của dịch Covid-19 đối với doanh thu của ngành du lịch sẽ cản lực tăng trưởng lớn nhất đối với châu Á.

Họ cũng cảnh báo rằng đà hồi phục kinh tế của Á sẽ chậm xuất hiện nếu dịch Covid-9 kéo dài vì Trung Quốc là trung tâm của chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu. Họ hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 từ mức 2,5% về mức 2,3% do kinh tế Trung Quốc suy yếu.

Phân tích của Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, cho thấy Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Hông Kông là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất ở khu vực châu Á nếu Trung Quốc giảm nhập khẩu. Trong khi đó, Brazil, Đức và Nam Phi nhằm trong nhóm nước bên ngoài châu Á dễ bị tổn thương nhất nếu xuất khẩu sang Trung Quốc suy yếu.

Theo Olivier Blanchard, cựu nhà kinh tế trưởng của IMF, vấn đề đáng lo ngại là một chương trình kích thích kinh tế theo thông lệ như hạ lãi suất hoặc tăng chi tiêu công có thể không đủ để giúp Trung Quốc xoay chuyển triển vọng tăng trưởng kinh tế khi nước này đang trải qua một cú sốc gián đoạn nguồn cung, làm đảo lộn hệ thống sản xuất và phân phối.

“Tác động của dịch Covid-19 ở Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới có thể chủ yếu là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở nước này gây khó khăn cho các công ty bên ngoài Trung Quốc. Tác động này lớn hơn nhiều so với tác động do xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm hơn”, Blanchard nói.

Các nhà máy của Trung Quốc là điểm kết nối quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch Covid-19 là một trung tâm công nghiệp khổng lồ với quy mô kinh tế tương đương GDP của Thụy Điển. Nhưng cho đến nay, tỉnh này vẫn đang trong thời gian phong tỏa, trong khi đó, nhiều nơi khác ở Trung Quốc đang hạn chế đi lại và kiểm soát hoạt động sản xuất ở các nhà máy. Tình trạng này gây khó khăn hơn cho nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại vận hành bình thường nếu như Trung Quốc không triển khai gói kích thích đủ mạnh.

Đó là lý do các nước trên thế giới đang rất chú ý đến những bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm cứu vãn tăng trưởng kinh tế trước khi đưa ra các phản ứng phù hợp.

“Tôi dự báo phản ứng chính sách toàn cầu sẽ phụ thuộc vào Bắc Kinh 75% và phần còn lại của thế giới là 25%”, Gene Ma, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Tài chính quốc tế (IIF) ở Washington, nói.

Dù vậy, một số nước ở Đông Nam Á đã sẵn sàng cho kế hoạch ứng phó tác động của dịch Covid-19. Ngày 27-2 tới, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ công bố gói kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế và giảm thiểu tác động từ dịch bệnh và các bất ổn bên ngoài khác. Các chuyên gia dự báo trị giá của gói kích này khoảng 15 tỉ ringgit (3,6 tỉ đô la).

Hôm 17-2, Bộ Công thương Singapore hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm nay về mức từ -0,5% đến 1,5%, thay vì mức từ 0,5-2,5% như kế hoạch trước đó do dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn dự báo.

Các nhà kinh tế nhận định trong bản dự thảo ngân sách 2020 công bố vào ngày 18-2, Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat sẽ đặt mức thâm hụt ngân sách lên đến 1,5% GDP, mức cao nhất trong gần hai thập kỷ nhằm thúc đẩy các biện pháp chi tiêu để giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19. 

Theo Bộ Công thương Singapore, dịch Covid-19 sẽ tác động nặng nề đến các ngành sản xuất, du lịch, vận tải, bán lẻ và dịch vụ ăn uống ở nước này.

Cũng vào hôm 17-2, Hội đồng Phát triển Kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm nay từ mức 2,7-3,7% về mức 1,5-2,5% do dịch Covid-19 đang giáng đòn nặng nề vào ngành du lịch.

Nhà kinh tế Charnon Boonnuch của Công ty dịch vụ tài chính Nomura nhận định Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) có thể cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) trong quí 2-2020. Hồi đầu tháng 2, BoT đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản về mức thấp kỷ lục 1%.

Theo Bloomberg, Reuters, New Straits Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới