Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách nhất thời!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách nhất thời!

Bá Phú

(TBKTSG) – Theo cam kết của tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Thái Lan đang chuẩn bị tung ra chương trình trị giá 470 tỉ baht (gần 16 tỉ đô la Mỹ) nhằm nâng giá mua gạo cho nông dân lên 15.000 baht/tấn (khoảng 500 đô la Mỹ), gần gấp đôi mức giá trung bình 8.500 baht/tấn hiện tại. Theo Bangkok Post, kế hoạch dự kiến bắt đầu từ ngày 7-10 tới. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến gạo xuất khẩu của Việt Nam?

Ai lợi?

Dự kiến, chính sách mua gạo với giá cao của Thủ tướng Yingluck Shinawatra có thể làm giá gạo tại nước này tăng 20%. Giá mới sẽ áp dụng từ ngày 7-10, nhưng theo một chuyên gia về lúa gạo của Việt Nam: “Nông dân Thái Lan bắt đầu vụ thu hoạch vào cuối tháng 11 đến tháng 12. Do đó, giá mua mới sẽ không tác động nhiều đến gạo xuất khẩu của Thái Lan và cả Việt Nam trong những tháng cuối năm nay. Nếu có, đó là vào những tháng đầu năm 2012”.

Ông này khẳng định, giả như mọi chuyện diễn ra đúng như cam kết của Thủ tướng Thái Lan, về lý thuyết thì Việt Nam trước mắt cũng sẽ được hưởng lợi. Bởi theo giá mua mới, đương nhiên giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng, nên gạo Việt Nam cũng sẽ theo đó tăng theo. Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo tương ứng với sản lượng sẽ thu hoạch trong những tháng cuối năm nên cũng khó hy vọng gạo tăng giá nhiều trong thời điểm này. “Và như đã nói, phải chờ đến đầu năm tới mới có thể nhận định giá sẽ tăng ở mức nào, thậm chí có xảy ra sốt gạo như hồi năm 2008 hay không? Khi đó, Thái Lan cũng áp dụng chính sách tương tự và không bao lâu đã xảy ra cơn sốt gạo”, ông nói.

Nhưng điều chắc chắn xảy ra khi Thái Lan áp dụng giá mua mới là tình trạng “buôn lậu” gạo sẽ diễn ra rầm rộ. Giới kinh doanh Thái Lan rất nhạy! Họ chắc chắn sẽ tìm nguồn lúa gạo nguyên liệu rẻ được nhập lậu từ Việt Nam và Campuchia. Theo một chuyên gia, hiện chính phủ mới của Thái Lan quyết tâm thực hiện cam kết về giá mua mới, nhưng họ chưa dự báo chính xác được năng suất và sản lượng của vụ lúa tới. “Chính vì vậy, giới kinh doanh Thái Lan sẽ tăng lượng gạo nhập lậu về để hưởng lợi. Hoặc, họ lấy “mác” gạo Thái Lan để bán ngay cho Chính phủ để hưởng chênh lệch. Hoặc họ sẽ chế biến để xuất khẩu với giá tăng tương ứng theo giá nguyên liệu của Thái Lan, nhằm giảm áp lực nguyên liệu nội địa giá cao”. Dự kiến khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể tăng từ khoảng 630 đô la Mỹ/tấn hiện nay, lên mức 750 đô la Mỹ/tấn.

Như vậy, Campuchia chắc chắn sẽ hưởng lợi, bởi xuất khẩu gạo của họ chưa lớn và việc Thái Lan tăng cường mua (nhập lậu) sẽ giúp lúa, gạo nước này tăng giá. Nhưng còn Việt Nam? Nếu không có chính sách quản lý tốt, các doanh nghiệp chưa hưởng lợi bao nhiêu nhờ giá gạo lên thì phải đau đầu vì thiếu nguyên liệu khi phải “tranh mua” với Thái Lan và cả Trung Quốc (như lâu nay). Thậm chí, lại càng có nhiều doanh nghiệp buộc phải phá vỡ hợp đồng xuất khẩu vì không dự báo được sự tăng giá của nguyên liệu khi có quá nhiều phía cùng mua.

Được bao lâu?

Nhưng giới quan sát dự báo chính sách của Thủ tướng Yingluck Shinawatra có thể chỉ thực thi được một đợt. Vì sao?

Trước tiên, việc Chính phủ Thái Lan đơn phương tăng giá gạo sẽ ảnh hưởng ngay đến mặt bằng giá thế giới. Trong bối cảnh nhiều nước vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, giá lương thực tăng sẽ là cú sốc mới. Nhất là với các nước nghèo ở châu Phi, nhiều nước cũng đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sẽ càng bị tác động nặng nề. Do đó, giới quan sát dự báo, chính WTO và nhiều nước sẽ phản đối Thái Lan kịch liệt vì chính sách phi thị trường bởi không có quốc gia nào trợ cấp cho nông nghiệp kinh khủng như vậy!

Bà Yingluck Shinawatra thành công trong cuộc bầu cử vừa qua nhờ sự ủng hộ của các hộ nghèo, với những lời hứa như tăng giá mua gạo… Nhưng tác động phụ của chính sách mới này, được xem là để “đáp đền” sự ủng hộ của các hộ nông dân nghèo, lại là khá xấu đối với chính nông dân và ngành lúa gạo nước này. Với giá gạo xuất khẩu tăng, gạo Thái Lan sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh. Còn nông dân sẽ có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của chính phủ chứ không quan tâm đến việc cải thiện năng suất và chất lượng. Và chính phủ không thể kéo dài mãi chương trình khi chi phí ngày một phình to.

Trong khi Thái Lan vẫn bị “ám ảnh” bởi gánh nặng kinh tế thì chính sách bao cấp này sẽ gặp không ít sự phê phán, không chỉ từ các đảng đối lập của Thái Lan, mà còn từ các chuyên gia. Điều dễ thấy là chính sách nâng giá mua gạo của Chính phủ Thái đã tạo ra gánh nặng cho ngân sách. Năm 2008, Thái Lan từng áp dụng kế hoạch hỗ trợ nâng giá gạo khiến thị trường gạo xuất khẩu của nước này lỗ 16 tỉ baht. Nhiều người đã mường tượng cảnh “xung đột” giữa các nhà lập pháp và hành pháp của Thái Lan với một chương trình mang quá nhiều màu sắc chính trị. Bao nhiêu nông dân Thái Lan sẽ được hưởng lợi so với các doanh nghiệp nhanh chân, tìm đường lèo lách và mang gạo lậu về hưởng lợi?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới