Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách tài khóa mở rộng – cần thêm giải pháp nào?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quan trọng mà Chính phủ liên tục đôn đốc trong suốt thời gian qua là tăng cường đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, dường như vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Vì sao lại như vậy?

Quí 1 năm nay tổng thu ngân sách tiếp tục ghi nhận thặng dư 128.100 tỉ đồng, tương đương gần 58% tổng thặng dư năm 2022. Ảnh: LÊ VŨ

Mở rộng tài khóa

Trong tháng 3-2023, Ngân hàng Nhà nước đã có đến hai lần quyết định giảm lãi suất điều hành, phát tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, có lẽ chính sách tiền tệ cần thêm thời gian để có thể phát huy hiệu quả. Bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn bị kiểm soát, cộng thêm nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thấp, các điều kiện vay vốn của ngân hàng thắt chặt hơn để phòng ngừa rủi ro cũng sẽ khiến chính sách tiền tệ có những hạn chế nhất định.

Trước tình hình này, chính sách tài khóa dường như đang được thúc đẩy mở rộng nhanh nhất có thể, nhất là khi chứng kiến tăng trưởng GDP quí 1 vừa qua giảm tốc một cách bất ngờ. Mới đây nhất, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đến hết năm nay, đồng thời giao Bộ Tài chính sớm chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành nghị quyết về việc này theo thủ tục rút gọn.

Trong khi giá xăng dầu đang có dấu hiệu tăng trở lại sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô khai thác, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trong năm nay, cùng với sức cầu tiêu dùng vẫn suy yếu, thì việc giảm thuế VAT được kỳ vọng không chỉ giúp giảm áp lực lạm phát, mà còn giúp chính sách kích cầu của Chính phủ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm qua thuế VAT được giảm về 8%, khi vào năm ngoái Chính phủ cũng áp dụng giải pháp này để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này trong năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách. Với đề xuất lần này, Bộ Tài chính ước tính, ngân sách giảm thu 5.800 tỉ đồng mỗi tháng và 35.000 tỉ đồng trong sáu tháng cuối năm nay.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính cũng đề xuất hạ mức thu 35 khoản phí, lệ phí trong nửa cuối năm nay (tương đương giảm thu 700 tỉ đồng) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Trước đó, vào giữa tháng 4, nghị định về gia hạn thuế và tiền thuê đất năm 2023 cũng đã được ban hành, đánh dấu lần thứ năm Chính phủ đưa ra chính sách này trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm. Theo đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, tiền thuê đất.

Với nguồn thu ngân sách vẫn đang đạt tiến độ dự toán và đảm bảo thặng dư trong thời gian qua, việc triển khai các giải pháp tài khóa hỗ trợ như trên được cho là không gây áp lực lên ngân sách.

Cụ thể, trong năm 2022, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.784.800 tỉ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước, cao hơn nhiều so với tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.562.300 tỉ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước.

Tiếp đó, trong quí 1 năm nay, tổng thu ngân sách ước đạt 491.500 tỉ đồng, bằng 30,3% dự toán năm, vẫn cao hơn chi ngân sách ước đạt 363.400 tỉ đồng, chỉ mới bằng 17,5% dự toán năm (trong đó riêng chi đầu tư phát triển đạt 73.200 tỉ đồng, dù tăng 18,9% so với cùng kỳ nhưng so với kế hoạch chỉ mới bằng 10,1%).

Như vậy, sau khi đạt thặng dư ngân sách 222.400 tỉ đồng trong năm 2022, quí 1 năm nay tiếp tục ghi nhận thặng dư 128.100 tỉ đồng, tương đương gần 58% tổng thặng dư năm 2022.

Cần thêm giải pháp gì?

Ngoài chính sách tiền tệ đang nới lỏng trở lại hay chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc miễn, giảm các loại thuế, phí, thì giải pháp quan trọng hơn và có sức lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn đến tăng trưởng mà Chính phủ đã liên tục đôn đốc trong suốt thời gian qua là tăng cường đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, dường như vẫn chưa phát huy được hiệu quả, khi nhiều địa phương vẫn e ngại, né tránh công tác giải ngân vốn cho các dự án.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 19-4, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện nêu thực trạng một số bộ, cơ quan, địa phương có tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; đẩy việc lên cấp trên hoặc sang cơ quan khác. Hậu quả là công việc kéo dài, cản trở, làm giảm hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt, có nơi “rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước”.

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, không được lấy ý kiến của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, ảnh hưởng tiến độ xử lý công việc. Bộ được lấy ý kiến phải trả lời đúng hạn, chính kiến rõ, không chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh. Quá thời hạn, nếu cơ quan được lấy ý kiến không trả lời thì được coi là đồng ý với quan điểm của bên xin ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thay thế hoặc điều chuyển công việc những cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang có các dự án giao thông quan trọng, dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh, nghiêm túc trong việc này. Ai không làm được thì phải thay thế. Đảng đã xác định việc này quan trọng, Quốc hội cũng đã có nghị quyết về vấn đề này. Phải thống nhất nhận thức để làm. Phải rà soát lại các thủ tục đầu tư nhanh; thẩm quyền của ai thì người đó làm, không chờ đợi. Các bộ, ngành, địa phương gửi văn bản chính thức nêu rõ vướng cái gì, ở đâu, không nói chung chung.

Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng trong bối cảnh việc xử lý các sai phạm, vi phạm của các quan chức nhà nước được đẩy mạnh trong những năm gần đây, tâm lý cán bộ, công nhân viên chức đang ở thế phòng thủ, e ngại rủi ro hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc phá bỏ các rào cản e dè, trì trệ, nhiều cá nhân, cơ quan vẫn “bình chân như vại” vì lo sợ rủi ro trách nhiệm pháp lý về sau.

Do đó, việc giải tỏa được tâm lý và những nỗi lo sợ này có lẽ là điều quan trọng nhất hiện nay, với việc xây dựng các cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm đúng chức trách, nhiệm vụ như một số đề xuất thời gian qua. Tránh trường hợp các chính sách đôi khi quá cực đoan, khi thì quá dễ dãi thiếu sự kiểm tra, giám sát, lúc lại quá chặt chẽ rồi phát hiện hàng loạt sai phạm tại thời điểm điều tra và xử lý nặng. Một chính sách, cơ chế tốt là khi phát huy hiệu quả ngăn chặn những sai phạm trước khi nó xảy ra, và đủ sức răn đe để không ai dám cố tình vi phạm nhằm trục lợi.

Có thể thấy thực trạng này qua công tác giao đất cho doanh nghiệp hoặc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân. Những năm trước đây công tác này thường thực hiện một cách dễ dãi, thiếu giám sát dẫn đến nhiều tài sản của Nhà nước bị bán rẻ, nhưng bên cạnh đó vẫn có những thương vụ được thực hiện nghiêm túc, mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho Nhà nước. Còn giờ đây, việc các vi phạm bị xử lý mạnh tay đang khiến một bộ phận doanh nghiệp tư nhân e ngại, suy giảm niềm tin, còn phía các cán bộ, công chức cơ quan quản lý nhà nước thì sống trong nỗi sợ không biết khi nào sẽ đến lượt mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới