Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách tài khóa và tiền tệ đều rất khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách tài khóa và tiền tệ đều rất khó

Tư Hoàng

Chính sách tài khóa và tiền tệ đều rất khó
Các nhà quản lý và chuyên gia lo ngại chính sách tài khóa sẽ gặp khó khăn. Ảnh TH

(TBKTSG Online) – Các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại về rủi ro lạm phát tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh cả chính sách tài khóa và tiền tệ đang có dấu hiệu mở rộng.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói: “Tôi rất băn khoăn việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ phải hài hòa như thế nào trong bối cảnh lạm phát cơ bản hiện nay vẫn còn rất cao”.

Nhận xét của ông Sinh, người đang biên soạn một nghị quyết nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh cho năm 2014, đưa ra tại hội thảo về phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014-2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19-12.

Băn khoăn trên được đưa ra sau khi ông Sinh cho rằng, về tài khóa, hai khoản bội chi 224.000 tỉ đồng (5,3% tổng sản phẩm nội địa – GDP) và 100.000 tỉ đồng tái phiếu chính phủ trong năm 2014 sẽ tương đương với 7,5% GDP.

Về tiền tệ, ông lo ngại tổng phương tiện thanh toán tăng cao sẽ lại tập trung cho trái phiếu chính phủ và nợ xấu, thay vì cho sản xuất kinh doanh.

Theo Tiến sĩ Trịnh Quang Anh thuộc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các tổ chức tín dụng đang nắm giữ tới 450.000 tỉ đồng tín phiếu và trái phiếu chính phủ, chiếm khoảng 90% tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành.

Ông nhận xét, áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn cho hai năm 2014-15 là khoảng 320.000 tỉ đồng.

Ông nói: “Vốn trái phiếu chính phủ rất lớn và đáng lo ngại. Tôi muốn cảnh báo nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng”.

Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, thị trường trái phiếu tương đương 17% GDP, trong đó 90% là trái phiếu chính phủ. Trong số này, tới 80% là do các ngân hàng thương mại mua.

Ông Nghĩa cho biết, tổng kỳ hạn của vốn trái phiếu chính phủ chỉ còn 3,2 năm, và thời gian đáo hạn nguồn vốn này ngày càng ngắn lại.

Ông nói: “Tôi rất lo ngại là với tốc độ tăng nợ công nhanh thời gian qua và thời gian đáo hạn tập trung vào giữa 2014-2015, thì ngân sách nhà nước có thể gặp khó khăn trong thanh khoản trả nợ nợ nước ngoài, trái phiếu… làm ảnh hưởng thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Nếu không cẩn thận thì tài khóa sẽ gặp nguy cơ”.

TS Phạm Thế Anh, Quyền Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nợ công của Việt Nam tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ đọng xây dựng cơ bản phải lên tới 98% GDP, thay vì 55,7% GDP mà Bộ Tài chính công bố tháng 10-2013.

Ông Anh nói: “Bức tranh tài khóa tổng thể cho thấy Việt Nam hiện chưa cân đối được thu chi ngân sách.Tình trạng bội chi ngân sách là nghiêm trọng ngay cả khi Việt Nam hiện đang có tỷ lệ thu/GDP rất cao so với các nước khác trong khu vực”.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đồng tình: “Để trả nợ gốc, chúng ta đi vay mới, gần như không nhìn ra nguồn để trả nợ. Giả định chúng ta không vay được, thì chúng ta sẽ làm gì để trả nợ, nhất là quy mô nợ công đang rất lớn”.

Về chính sách tiền tệ, Giám đốc Học viện chính sách và phát triển Đào Văn Hùng và Trịnh Quang Anh nhận xét, khi nâng tỷ lệ bội chi ngân sách lên 5,3% GDP và cho phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ 170.000 tỉ đồng trong 2014-2016, Chính phủ sẽ phải rất thận trọng, khéo léo trong việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015 trong yêu cầu vừa ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa tăng trưởng hợp lý.

Vì thế, ông Hùng và ông Quang Anh khuyến nghị, Chính phủ cần sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu lạm phát 7% +-1%/năm trong 2014-2015 và có thể sẽ thấp hơn ở trung hạn và kiên định các chính sách nhằm ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều này giúp các chủ thể kinh tế và công chúng hình thành kỳ vọng lạm phát hợp lý và yên tâm triển khai các kế hoạch, dự án sản xuất kinh doanh hay thực hiện các dự định tiêu dùng cá nhân.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cần sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu ổn định tỷ giá với biên độ biến động hẹp trong 2014-2015, có thể không quá 2-3%, để các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước yên tâm đầu tư kinh doanh, cũng như dân chúng có thể sẵn sàng chuyển hóa tài sản ngoại tệ sang nội tệ để tiêu dùng.

Ông cũng đề nghị đã đến lúc cần thiết cân nhắc, xem xét lại chủ trương quản lý thị trường vàng miếng theo Nghị định 24/CP để đảm bảo lợi ích thu được lớn hơn chi phí bỏ ra và về dài hạn, tuân thủ cơ chế kinh tế thị trường, dù Ngân hàng Nhà nước đã bỏ ra khoảng 3 tỉ đô la Mỹ để nhập về 67 tần vàng trong năm 2013.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới