Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách, thủ tục khiến nhà thầu xây dựng bị nợ đọng hàng ngàn tỉ đồng

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đang gặp tình trạng nợ đọng rất nhiều và phổ biến; có những doanh nghiệp bị nợ đọng hàng ngàn tỉ đồng. Các doanh nghiệp cho rằng nếu thể chế, chính sách không được cải thiện thì tình trạng nợ đọng sẽ còn kéo dài, các doanh nghiệp gặp khó khăn, càng làm càng lỗ.

Đó là thông tin ghi nhận tại hội thảo “Nợ đọng xây dựng – Kiến nghị giải pháp” do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phối hợp với VCCI tổ chức vào ngày 18-8.

Công nhân xây dựng đang thi công công trình. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhấn mạnh về mối “lâm nguy” của các nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết hiện nay các doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ, nếu tiếp diễn tình trạng này 5 năm nữa, Việt Nam sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng.

Doanh nghiệp bị nợ đọng hàng ngàn tỉ đồng

Nói tại cuộc hội thảo trên, ông Khương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết tình trạng nợ đọng là vấn đề nhức nhối và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Với tổng công ty này, nợ đọng diễn ra ở các dự án, gói thầu đơn vị ký hợp đồng với chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà Nước, vốn trái phiếu chính phủ…

Ông Thắng cho hay vấn đề nợ đọng đối với Tổng công ty xây dựng Trường Sơn không chỉ 5 năm gần đây mà còn có những khoản nợ đọng kéo dài trên 10 năm gây không ít hệ lụy cho doanh nghiệp. Hiện Trường Sơn có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu, tổng số nợ phải thu tại thời điểm 31-3-2022 là 1.539 tỉ đồng. Trong đó công nợ các công trình mà chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn nhà nước là 1.004 tỉ.

Ông Hoàng Trung Kiên, Ban Kinh doanh, Tập đoàn Cienco 4, cho biết hiện tại tổng số nợ đọng của Cienco 4 là 187 tỉ đồng. Trong đó chủ đầu tư thi công cầu Đông Trù nợ 22,5 tỉ, chủ đầu tư thi công gói thầu J3 Bến Lức – Long Thành nợ gần 20 tỉ…

“Tình trạng chậm thanh toán đối với công nợ của nhà thầu xây dựng là vấn đề nhức nhối gây hệ lụy xã hội. Bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền, lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến việc nộp thuế, ảnh hưởng đến tình trạng đóng bảo hiểm của nhà thầu xây dựng”, ông Kiên nói.

Vướng mắc thủ tục thanh quyết toán hợp đồng

Nói về một trong những nguyên nhân nợ đọng của doanh nghiệp mình, ông Kiên cho biết, công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài làm ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ.

Cùng chung quan điểm với ông Kiên, ông Thắng cho hay một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nợ đọng như trên của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài – do vướng mắc chồng chéo thủ tục, quy định làm ảnh hưởng đến thu hồi công nợ. Sau khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư không quan tâm đến kế hoạch vốn, chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành bàn giao…

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị khi sửa đổi Luật Xây dựng Chính phủ cần đưa ra quy định phải có bảo lãnh thanh toán với chủ đầu tư. Hoặc quy định chủ đầu tư phải đảm bảo thanh toán hết tiền cho nhà thầu rồi mới được đưa công trình vào sử dụng. Thêm nữa cần có cơ chế linh hoạt trong việc cho phép quyết toán và bố trí vốn cho riêng từng gói thầu, không để tình trạng các gói thầu trong cùng một dự án phải chờ đợi nhau…

Ông Vũ Gia Bình, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Xây dựng số 1, cũng kiến nghị cần đưa vào luật điều kiện bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thanh toán đối với chủ đầu tư. Thực hiện thanh quyết toán những hạng mục đã hoàn thành, không phụ thuộc vào các hạng mục thành phần khác trong trường hợp dự án bị kéo dài vì những lý do khách quan hoặc những hạng mục độc lập khác chưa hoàn thành trong tổng thể dự án.

Ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA), cho rằng hiện việc thực thi thanh toán quyết toán hợp đồng chậm gây tổn hại cho nhà thầu vì hệ thống quy định về hồ sơ thanh toán quá rườm rà và phức tạp, nhiều loại giấy tờ và biểu mẫu. Một trong những thủ tục gây phiền phức thiệt hại cho nhà thầu, theo đại diện COMA là quy định về phê duyệt quyết toán. Nhiều khi công trình hết hạn bảo hành 5-10 năm vẫn chưa phê duyệt được quyết toán. Mỗi hợp đồng thi công hiện tại lãi chỉ 3-5%, thậm chí hòa nhưng nếu phê duyệt quyết toán chậm thì coi như lỗ.

Từ thực tế trên, đại diện COMA kiến nghị phải luật hóa hoặc nghị định hóa việc thanh quyết toán. Hợp đồng đơn giá cố định thì giá trị thanh toán dựa trên cơ sở khối lượng thực hiện. Khối lượng vượt thì mặc nhiên nhà thầu phải được thanh toán ngay mà không cần thủ tục phiền nhiễu. Một công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng thì dự án đó coi như đã hoàn thành và phải được thanh toán. Cần phải có quy định về sau thời gian bao lâu kể từ khi bàn giao công trình, phải phê duyệt xong quyết toán.

Quy định không phù hợp pháp luật

Ngoài những bất cập nêu trên, ông Khương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết, theo hướng dẫn của Nhà nước, việc thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu được xác định trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên một số hợp đồng, chủ đầu tư lại yêu cầu thêm “điều kiện dự án được bố trí đủ vốn” mới thanh toán đúng thời gian. Ông Thắng cho rằng quy định bổ sung này không phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng.

Cũng tán đồng với đại diện Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, ông Hoàng Trung Kiên, Ban Kinh Doanh, tập đoàn Cienco4, cho hay một số hợp đồng mà tập đoàn này đang thực hiện, chủ đầu tư cũng yêu cầu thêm “điều kiện dự án được bố trí đủ vốn” mới thanh toán đúng thời hạn, đẩy rủi ro về phía nhà thầu. Nhiều dự án khi không có vốn thì chủ đầu tư không ký phiếu giá, tránh lên công nợ khi nhà thầu yêu cầu thanh toán. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà thầu và tiến độ của dự án nếu không bố trí đủ vốn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Công nợ dây dưa là căn bệnh kinh niên của nhiều lĩnh vực kinh tế, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông… Điều này không chỉ bóp chết năng lực sống còn của rất nhiều doanh nghiệp, kể cả cuộc sống khó khăn của người lao động, hàng ngày hàng giờ lam lũ trên công trường. Đây không chỉ là vấn đề kỷ cương kỷ luật trong thanh toán mà còn là vấn đề đạo đức kinh doanh, hiện đang bị xuống cấp một cách vô cùng nghiêm trọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới