Chính thức thuộc về Sơn Hà, liệu Toàn Mỹ có giữ được hào quang quá khứ?
Sơn Hà công bố đã mua xong Toàn Mỹ sau một năm tiến hành thương vụ M&A này. Thị trường đang đặt ra câu hỏi tương lai nào dành cho Toàn Mỹ, vốn là ông lớn ngành bồn nước với 25 năm lịch sử?
![]() |
ông Lê Vĩnh Sơn được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của Toàn Mỹ. |
Cơ hội vàng cho Sơn Hà mở rộng thị trường phía Nam
Nhắc lại dự định thâu tóm Công ty CP Sản xuất – Kinh doanh Toàn Mỹ, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quốc tế Sơn Hà cho biết, kế hoạch này đã được đưa ra từ 5-6 năm trước. Tuy nhiên quá trình đàm phán, thỏa thuận và hoàn tất mua bán chỉ chính thức diễn ra trong vòng 1 năm (từ tháng 10-2017 tới nay).
Lý giải cho bước đi nhanh và táo bạo trên, vị lãnh đạo Sơn Hà nhận định: Việc thâu tóm Toàn Mỹ không chỉ tạo ra lợi thế kinh tế cho cả 2 thương hiệu mà còn giúp "vua" bồn nước inox Sơn Hà "mọc thêm cánh". “Thương vụ này sẽ giúp Sơn Hà mở rộng và phát triển thị trường phía Nam bằng cách tận dụng lợi thế sẵn có về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và sức mạnh thương hiệu của Toàn Mỹ””, ông Sơn nói.
Được biết, doanh thu hợp nhất năm 2017 của Sơn Hà khoảng 3.560 tỉ đồng, ngay trong năm đầu tiên hợp nhất, Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 4.100 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỉ đồng, trong đó tỷ lệ đóng góp của Toàn Mỹ là 10% và 20%.
Như vậy, sau khi đã thâu tóm thành công thương hiệu Trường Tuyền hồi giữa năm 2017 và hiện tại với Toàn Mỹ, Sơn Hà đã thực sự vươn “vòi bạch tuộc” khắp trong Nam ngoài Bắc, với 09 nhà máy, cùng hàng trăm chi nhánh và hơn 30.000 đại lý.
Cơ hội nào cho Toàn Mỹ?
Được thành lập từ 1993 với tên gọi lần đầu là Công ty TNHH Xây dựng Gia Phát, đến 2005, chuyển thành Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Toàn Mỹ. Qua 25 năm phát triển, Toàn Mỹ được biết đến là công ty nổi tiếng trong ngành hàng inox gia dụng, với hàng loạt sản phẩm như bồn nước, kệ bếp, chậu rửa, bồn nhựa nguyên sinh, máy lọc nước thương hiệu AquaPro, hàng nội thất ….
Hệ thống phân phối của Toàn Mỹ đã có hơn 20 chi nhánh, cửa hàng tại hầu hết các thành phố lớn trên cả nước và hơn 600 đại lý trên toàn quốc. Sản phẩm inox của Toàn Mỹ đã được xuất khẩu qua nhiều nước khác trên thế giới như: Na Uy, Thuỵ Sĩ, Úc, Nhật Bản… Về hệ thống nhà máy, năm 1999 Toàn Mỹ xây dựng nhà máy Bình Dương 1 với quy mô 10.000m2 và nhà máy Toàn Mỹ tại Hà Nội có quy mô 2.000m2. Đến năm 2012, Công ty xây nhà máy Toàn Mỹ Miền Trung tại Quảng Nam với quy mô 20.000m2. Còn năm 2014, Công ty xây dựng nhà máy Toàn Mỹ Miền Bắc tại Hải Dương có quy mô 23.000m2.
Trước khi bị thâu tóm, trong nghành hang bồn nước Toàn Mỹ được định vị cao hơn các thương hiệu khác. Trải qua 25 năm thăng trầm, đến ngày hôm nay Toàn Mỹ vẫn giữ nguyên được cốt cách và giá trị thương hiệu của mình. Chất lượng và mẫu mã của Toàn Mỹ vẫn đang được đánh giá tốt nhất, đẹp nhất, thậm chí các hãng phát triển sau cũng phải phỏng theo chất lượng và thiết kế của doanh nghiệp này.
Do đó, khi nói về việc thâu tóm thương hiệu có lịch sử 25 năm, ông Lê Vĩnh Sơn cho rằng những lợi ích của thương vụ này không chỉ đong đếm dựa trên số liệu tài chính. Sau khi thâu tóm Toàn Mỹ, Sơn Hà không hề dấu giếm mục đích chiếm thị phần phía Nam. Toàn Mỹ được định vị trên thị trường là một thương hiệu cao cấp trên thị trường. Thương hiệu này cũng đang nắm tới trên 70% thị phần phía Nam.
“Toàn Mỹ sẽ giữ được ánh hào quang vốn có, với định vị là hàng cao cấp, thương hiệu mạnh và phục vụ cho những thị trường khó tính, khách hàng đòi hỏi thẩm mỹ và chất lượng cao. Toàn Mỹ được định vị là công ty loại 1 trong Sơn Hà về quy mô và các chỉ số doanh thu. Nằm trong tập đoàn Sơn Hà, Toàn Mỹ đặt mục tiêu nằm trong số các thương hiệu doanh thu ngàn tỉ đồng”, ông Lê Vĩnh Sơn nhấn mạnh.