Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính trị bất ổn, các tỉ phú Thái đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính trị bất ổn, các tỉ phú Thái đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Các tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài khi tình hình chính trị trong nước được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều bất ổn, theo nhận định của Bloomberg.

Chính trị bất ổn, các tỉ phú Thái đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài
Tỷ lệ giữa mức đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan và mức đầu tư của nước ngoài tại Thái Lan là 1,9. Mức này cao hơn so với Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia. Ảnh: Bloomberg

Hơn một tuần sau khi Thái Lan tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong tám năm, tương lai chính trị của xứ sở chùa Vàng vẫn chưa rõ ràng khi không có đảng nào giành chiến thắng áp đảo.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, đảng thân phe quân đội Palang Pracharat (Quyền lực nhà nước của nhân dân) nhận được số phiếu bầu phổ thông cao nhất 8,4 triệu và giành được 97 ghế tại hạ viện Thái Lan, còn đảng Pheu Thai (Vì nước Thái), thân với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bám sát nút với 7,9 triệu phiếu nhưng giành được 138 ghế tại hạ viện. Đảng Palang Pracharat đã chọn ứng cử viên thủ tướng là ông Prayut Chan-o-cha, thủ tướng chính phủ đương nhiệm của Thái Lan.

Thượng viện Thái Lan với 250 ghế được quân đội bổ nhiệm, chắc chắn sẽ ủng hộ đảng Palang Pracharat vì vậy, có khả năng cao ông Prayut Chan-o-cha sẽ tiếp tục làm thủ tướng Thái Lan nhưng hạ viện sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh do đảng Pheu Thai đứng đầu. Do vậy, chính trị Thái Lan sẽ đối mặt với bế tắc vì bất kỳ dự luật nào mà ông Prayut Chan-o-cha đưa ra có thể vấp phải sự phản đối của liên minh này.

Trao đổi với tờ Australian Financial Review, ông Herve Lemahieu, Giám đốc Chương trình ngoại giao và sức mạnh châu Á ở Viện Lowy (Úc), nói: “Điều này sẽ hình thành nền tảng cho vòng tê liệt chính trị mới ở Thái Lan”.

Tình trạng bế tắc chính trị này càng kéo dài thì các tập đoàn khổng lồ của Thái Lan sẽ càng mở rộng đầu tư ra nước ngoài để giảm thiểu rủi ro do tình hình chính trị rối ren ở trong nước.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 24-3 dường như không giải quyết được điều gì. Chừng nào những người dân ở các vùng nông nghiệp Thái Lan còn bỏ phiếu ủng hộ các đảng phái thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và giới thượng lưu ở Bangkok tiếp tục chống đối chủ nghĩa dân túy do ông Thaksin khởi xướng, các nỗ lực trong tương lai nhằm ổn định nền dân chủ Thái Lan sẽ thất bại.

Trong bối cảnh đó, thông điệp rõ ràng đối với các doanh nhân Thái Lan là họ nên tiếp tục đầu tư ở nước ngoài. Kể từ năm 2001, các công ty Thái Lan đã tham gia các thương vụ M&A trị giá 78 tỉ đô la ở nước ngoài, bao gồm 17 thương vụ lớn có trị giá từ 1 tỉ đô la trở lên.

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài diễn ra mạnh mẽ sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2014. Trong khi đó, đầu tư tư nhân ở nền kinh tế trong nước suy yếu khi nhu cầu toàn cầu chững lại.

Hồi tháng 12-2012, khi tỉ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont mua toàn bộ cổ phần của ngân hàng HSBC ở Tập đoàn bảo hiểm Ping An (Trung Quốc) với giá 9,4 tỉ đô la, Thủ tướng Thái Lan lúc ấy, bà Yingluck Shinawatra, em gái của ông Thaksin Shinawatra, vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm liên quan đến chương trình mua lúa gạo trợ giá đầy tốn kém. Bà gắng gượng nắm giữ quyền lực thêm một năm rưỡi nữa dù chính phủ của bà ngày càng không hiệu quả.

Sau khi bà bị lật đổ, Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của ông Dhanin Chearavanont cùng với Tập đoàn thương mại Itochu mua 20% cổ phần của Công ty đầu tư CITIC (Trung Quốc) với giá 10,4 tỉ đô la.

Charoen Sirivadhanabhakdi, một tỉ phú Thái Lan khác cũng gia nhập làn sóng đầu tư ra nước ngoài vào năm 2012 khi tập đoàn ThaiBev của ông quyết định mua lại 22% cổ phần của Ngân hàng Trung hoa hải ngoại (OCBC) và các công ty con tại Tập đoàn đồ uống Fraser & Neave (Singapore) với giá 2,2 tỉ đô la. Một năm sau đó, ThaiBev chính thức thâu tóm Fraser & Neave với mức định giá 11 tỉ đô la.

Đến năm 2016, tỉ phú Dhanin Chearavanont thâu tóm công ty sản xuất thực phẩm đông lạnh Bellisio Parent (Mỹ) với giá hơn 1 tỉ đô la. Cũng trong năm nay, tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và tỉ phú Suthikiati Chirathivat của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tham gia cuộc cạnh tranh thâu tóm chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam. Phần thắng cuối cùng thuộc về Central Group khi tập đoàn này bỏ chấp nhận trả mức giá 1 tỉ euro.

Trong những năm gần đây, ThaiBev là một trong những tập đoàn của Thái Lan hăng hái nhất trong các hoạt động M&A ở nước ngoài. Ảnh: Singapore Business Review

Đến cuối năm 2017, ThaiBev thông qua công ty thành viên Vietnam Beverage đã thâu tóm thành công hơn 53,5% cổ phần trong Sabeco với tổng giá trị gần 5 tỉ đô la.

Các tập đoàn Thái Lan mở rộng hiện diện ở nước ngoài mạnh mẽ hơn hẳn so với các nước khác trong khu vực. Tỷ lệ giữa mức đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan và mức đầu tư của nước ngoài tại Thái Lan là 1,9. Mức này cao hơn so với mức 0,3 ở Indonesia; 0,6 ở Philippines và 0,7 ở Ấn Độ, thậm chí, cao hơn cả Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia, những nền kinh tế có mức thu nhập đầu người lớn hơn Thái Lan.

Mới đây ThaiBev, được Moody’s xếp hạng tín nhiệm nợ chỉ trên mức rác (junk), đã phát hành thành công trái phiếu bằng đồng baht kỳ hạn 10 năm, có trị giá tương đương 317 triệu đô la với mức lãi suất 4% mỗi năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ có cùng mức xếp hạng tín nhiệm nợ tương tự đang phát hành trái phiếu đồng đô la với mức lãi suất trung bình 4,6%.

Với nguồn vốn trái phiếu còn tương đối rẻ, tình hình chính trị rối ren của Thái Lan càng kéo dài, các tỉ phú Thái Lan sẽ càng hăng hái đầu tư ra nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới