Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cho phép bán nhanh các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cho phép bán nhanh các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ

Ngọc Lan

Cho phép bán nhanh các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ
Dòng tiền sẽ chảy về ngân sách nhanh hơn khi Chính phủ cho phép DNNN bán nhanh các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ – Ảnh: TBKTSG

(TBKTSG Online) – Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra tại Hà Nội ngày 23-12, ông Ninh khẳng định: “Các khoản  đầu tư ngoài ngành thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tập đoàn, tổng công ty nếu càng để lâu càng lỗ, sắp tới Chính phủ sẽ cho phép bán nhanh”.

Việc bán nhanh này dự kiến sẽ được thể hiện qua nội dung nghị quyết về thoái vốn ngoài ngành sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng 1-2014.

Nghị quyết này ra đời dự tính sẽ đẩy tiến độ thoái vốn ngoài ngành nhanh hơn sau hơn một năm thực hiện đề án 929 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu DNNN, trong đó yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ngoài ngành song thực tế lại dẫm chân tại chỗ.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, 100% phương án tái cơ cấu DNNN thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành, địa phương đã được phê duyệt xong. Trong số phương án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, đến nay Chính phủ đã phê duyệt gần xong, chỉ còn một tập đoàn chưa hoàn tất.

Việc hoàn tất phê duyệt các phương án tái cơ cấu DNNN đồng nghĩa với việc trong đó, các phương án thoái vốn ngoài ngành cũng đã được xác định cụ thể.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc chậm thoái vốn ngoài ngành do tình hình kinh tế khó khăn. Việc tìm đối tác chuyển nhượng vốn cũng bị hạn chế, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính…

Một số trường hợp thoái vốn được nhưng có thể phát sinh thua lỗ, không bảo toàn được vốn đầu tư,dẫn tới tâm lý sợ trách nhiệm, đợi thị trường phục hồi để thực hiện.

Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến trong hội nghị sáng nay (23-12), năm 2014 phấn đấu đạt tốc độ tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 5,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP.

Mặt khác, vẫn theo ông Tiến, một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự quan tâm, tích cực triển khai lộ trình thoái vốn theo phương án đã được duyệt, chưa coi việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu doanh nghiệp.

Song, thực chất các quy định khi tham gia góp vốn ngoài ngành cũng đã hạn chế khả năng thoái vốn của doanh nghiệp. Như việc hạn chế về thời gian và đối tượng chuyển nhượng, theo các quy định của Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn.

Như vậy, với dự kiến cho phép bán nhanh vốn ngoài ngành mà Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đề cập ở trên, sắp tới các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể sẽ được thoái vốn dưới mệnh giá, sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định trên cơ sở phương án đó đã được chủ sở hữu chấp thuận. Ví dụ giá trị tài sản là 10 đồng, nay còn giá trị 7 đồng thì trích lập dự phòng rủi ro 3 đồng và được bán với giá phần còn lại.

Mặt khác, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị (tính theo mệnh giá) từ 10 tỉ đồng trở lên không nhất thiết phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán như quy định của Luật Chứng khoán hiện hành. Doanh nghiệp được phép chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (là các công ty chứng khoán) bán đấu giá hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp.

Thậm chí, số cổ phần chào bán ra công chúng của DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng nhưng công ty đại chúng có năm tài chính liền kề thua lỗ hoặc hiện đang lỗ lũy kế vẫn được đăng ký chào bán.

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ xem xét, mua lại các khoản đầu tư vào lĩnh vực tài chính của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước sau khi các đơn vị này đã thực hiện các biện pháp nêu trên mà thoái vốn không thành.

Vốn ODA cho các dự án trọng điểm còn 15 tỉ đô la Mỹ

Từ năm 2006 đến nay, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án trọng điểm tại Việt Nam chưa giải ngân hết còn xấp xỉ 15 tỉ đô la Mỹ, nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương trong năm 2014 sẽ tập trung giải ngân, sử dụng hết vốn đã cam kết, tránh lãng phí nguồn vốn này.

Đây là thông tin được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết tại hội nghị trực tuyến phiên họp Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 diễn ra sáng nay (23-12).

Trong năm 2014, cả nước sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 14, đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, các đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Đà Nẵng – Quảng Ngãi …

Dự báo vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2014 còn nhiều khó khăn, trong điều kiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2014 còn hạn hẹp và thấp hơn năm 2013 (năm 2013 vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 39% GDP, thấp hơn kế hoạch đề ra là 40-42%), cho nên nguồn vốn ODA cho các dự án trọng điểm năm tới là hết sức quan trọng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay.

Theo ông Ninh, trong giai đoạn 2006-2010, vốn ODA cam kết là 31,7 tỉ đô la Mỹ trong đó vốn đã ký là 20,6 tỉ đô la Mỹ nhưng hiện nay mới chỉ giải ngân được 13,8 tỉ đô la Mỹ, còn lại xấp xỉ 7 tỉ đô la Mỹ chưa giải ngân.

Trong giai đoạn 2011-2013 vốn ODA cam kết là 20,8 tỉ đô la Mỹ và đã ký kết 19,7 tỉ đô la Mỹ nhưng chỉ giai ngân được 11,8 tỉ đô la Mỹ, như vậy còn trên 8 tỉ đô la Mỹ chưa giải ngân.

“Vốn thì đã sẵn sàng rồi, vậy chúng ta làm thế nào để giải ngân được kịp thời, nếu muốn được giải ngân kịp thời thì ngân sách chúng ta phải bố trí vốn đối ứng, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho phát hành trái phiếu chính phủ để tăng vốn đối ứng cho các dự án ODA. Trong năm 2014 sẽ có giải pháp quyết liệt để tiêu được tiền, nếu không sẽ là lãng phí”, ông Ninh nói.

Các nguồn vốn ODA huy động trong thời gian tới sẽ dành tập trung các dự án giao thông trọng điểm để đưa vào sử dụng, hạn chế khởi công các dự án mới. Đối với tình hình chi ngân sách chung cho cả năm 2014 thì tập trung cho các dự án cần thiết, giảm chi cho hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài, không mua xe công.

Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, ba khó khăn lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 là tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của doanh nghiệp; ngân sách nhà nước rất khó khăn.

Do vậy, Chính phủ và các bộ ngành sẽ tăng cường xử lý nợ xấu còn lại trong năm 2014 để đến năm 2015 cơ bản xử lý xong nợ xấu ở mức phù hợp. Để chống thất thu ngân sách năm 2014, Chính phủ sẽ tập trung chống chuyển giá, quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Năm tới các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay đối với các nhóm doanh nghiệp nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Văn Nam


.

.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới