Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chờ qua tháng 6!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chờ qua tháng 6!

(TBKTSG) – Các chủ doanh nghiệp và người dân đang chờ tháng 6 qua đi với tâm trạng trái ngược nhau. Phía nhà sản xuất hy vọng sau thời điểm đó Chính phủ sẽ cho phép họ được điều chỉnh giá bán sản phẩm nhằm tránh thua lỗ. Còn người dân lại lo lắng về một một đợt tăng giá mới trước những thông tin các mặt hàng quan trọng là xăng, dầu và điện có thể sẽ tăng giá vào tháng 7 tới.

Trong thực tế, quyết định đóng băng giá cả chỉ có tác dụng đối với những sản phẩm mà Nhà nước nắm quyền kiểm soát từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối. Còn với các mặt hàng khác, quyết định trên đã gây ra phản ứng ngược.

Doanh nghiệp thì tìm cách hạn chế sản xuất để giảm lỗ. Còn người tiêu dùng và các nhà bán lẻ lại mua tích trữ nhiều hơn để chờ giá tăng, tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Có thể thấy, quyết định trên chẳng những không ngăn được cơn sốt giá, mà dường như còn góp phần làm cho giá tăng mạnh hơn.

Lạm phát hiện không phải là nỗi lo của riêng quốc gia nào, mà là vấn đề toàn cầu. Thế giới đã hình thành mặt bằng giá mới theo hai nhóm hàng cơ bản là năng lượng và lương thực. Có lẽ cái thời dầu thô chỉ dao động quanh mức 40 đô la Mỹ/thùng và gạo chỉ vào khoảng 300 đô la Mỹ/tấn sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, và ngoài xăng dầu, thậm chí chúng ta đang phải nhập siêu cả trong nhóm hàng lương thực thực phẩm, nên không còn cách nào khác là phải chấp nhận theo mặt bằng giá thế giới.

Vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô cần làm hiện nay không phải là cấm ngành này hay ngành kia tăng giá, mà là đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu của thị trường; kiểm soát chặt chẽ khâu phân phối để chống tình trạng đầu cơ, tích trữ gây khan hiếm hàng và sốt giá giả tạo. Nếu làm tốt việc này, chắc chắn giá xi măng đã không cao hơn giá bán đã có lãi của nhà sản xuất đến 20.000 đồng/bao, thép không lên đến 18-19 triệu đồng/tấn và gạch xây không thể tăng giá gấp ba lần như thời gian qua.

Lẽ đương nhiên, đối với các mặt hàng chiến lược như điện, xăng dầu, than đá, quản lý giá cả vẫn là giải pháp tình thế cần thiết trong tình hình lạm phát cao như hiện nay, nhằm tránh cho nền kinh tế khỏi rơi vào khủng hoảng. Nhưng quản lý giá không có nghĩa là không cho tăng, mà cần sử dụng nó như công cụ để điều tiết nhu cầu và khuyến khích tiết kiệm.

Cơ chế bù giá xăng, dầu và bù chéo giá điện của Chính phủ hiện nay là một chính sách cào bằng. Người mua xăng để chạy những chiếc xe ô tô đắt tiền cũng được hưởng trợ giá như người nghèo với chiếc xe gắn máy, thậm chí người giàu còn được bù nhiều hơn do lượng xăng mà họ tiêu thụ nhiều hơn. Điện cũng gần giống như vậy.

Vì vậy, nên chăng tăng giá xăng và điện sinh hoạt đối với nhóm khách hàng có mức tiêu thụ lớn để ngân sách bớt bù lỗ, đồng thời khuyến khích người dân tiết kiệm. Và thay vì bù lỗ cho nhà nhập khẩu xăng dầu, số tiền thu được nhờ tăng giá đó có thể dùng để trợ giúp người nghèo, là những người chịu nhiều thiệt hại nhất trong cơn sốt giá cả hiện nay.

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới