Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chọn bauxite, thủy điện, cà phê và du lịch cho Tây Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chọn bauxite, thủy điện, cà phê và du lịch cho Tây Nguyên

Quang Chung

Chọn bauxite, thủy điện, cà phê và du lịch cho Tây Nguyên
Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông là một đô thị mới vừa được xây dựng Ảnh: Quang Chung

(TBKTSG Online) – Bauxite, thủy điện, cà phê  và du lịch là bốn “mũi nhọn” kinh tế của vùng Tây Nguyên, nếu đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 được thực hiện.

Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 vừa được Bộ Xây dựng công bố và bàn giao cho các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng hôm qua 2-12-2014.

Theo quy hoạch này, Tây Nguyên được chia thành ba tiểu vùng (Bắc – Trung – Nam) gắn với các dải hành lang phát triển kinh tế – đô thị hướng đến các mũi nhọn kinh tế là bauxite, thủy điện, nông lâm sản (chủ yếu là cà phê) và du lịch.

Cụ thể, tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum) sẽ tập trung phát triển công nghiệp thuỷ điện; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (gồm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk) sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê.

Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (gồm 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng) sẽ tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (bauxite) và nông nghiệp công nghệ cao.

Các dải hành hành lang phát triển kinh tế – đô thị, gồm: 

(i) Dải kinh tế phía đông bao gồm các huyện nằm phía đông tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk là vùng phát triển nông lâm nghiệp; 

(ii) Dải kinh tế trung tâm (cao nguyên Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk) vùng nằm dọc hai bên đường Hồ Chí Minh là trọng tâm phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu; 

(iii) Dải hành lang kinh tế phía Tây gồm toàn bộ vùng không gian phía Tây huyện Đắk Glây, Ngọc Hồi, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), La Grai, Đức Cơ, Chư Prông (tỉnh Gia Lai), Ea Súp, Buôn Đôn, Cư Jút (tỉnh Đắk Lắk) và toàn bộ tỉnh Đắk Nông, trọng tâm phát triển công nghiệp khai thác chế biến bauxite, luyện nhôm và năng lượng thủy điện…

Quy hoạch cũng cho thấy mỗi vùng không gian kinh tế sẽ gắn với sự phát triển của các đô thị động lực trung tâm vùng, đô thị trung tâm các tiểu vùng và đô thị nhỏ có chức năng dịch vụ tổng hợp.

Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị, đến năm 2030 vùng Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị; cùng với đó sẽ xây dựng 10 cửa khẩu và 24 khu công nghiệp, 74 cụm công nghiệp (mỗi huyện hình thành từ 1 – 2 cụm hoặc điểm công nghiệp quy mô 20 – 50 ha, chủ yếu là công nghiệp chế biến nông – lâm sản để phát triển kinh tế địa phương).

Riêng về du lịch, vùng sẽ phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh liên kết du lịch vùng Tây Nguyên với các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Cụ thể sẽ xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch lớn của vùng tại thành phố Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt gắn với các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch Đà Lạt; xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch khác tại các thành phố, thị xã và điểm dịch vụ du lịch đơn lẻ được gắn với cảnh quan thiên nhiên và làng văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh và hồ thủy điện…

Những người lập Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 kỳ vọng sẽ đến năm 2030 vùng Tây Nguyên sẽ giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa – xã hội, mạnh về quốc phòng an ninh, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng…

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, thực hiện được quy hoạch này không phải là dễ, vì so với yêu cầu thì thực tiễn vẫn còn độ vênh nhất định.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) với tổng diện tích là 54.641,069 km2.

Năm 2030, dự báo quy mô dân số toàn vùng khoảng 7.390.600 người, dân số đô thị khoảng 3.095.600 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,7%.

– Từ vụ tràn bùn đỏ, lựa chọn phát triển nào cho Tây Nguyên?

– Để Tây Nguyên phát triển bền vững

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới