Chọn đúng trọng tâm
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) – Như TBKTSG đã nhiều lần nhấn mạnh, vấn đề của nền kinh tế nước ta không phải nằm ở giá vàng hay tỷ giá – chúng chỉ là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân.
Trong thời gian vừa qua, thông qua một loạt biện pháp mang tính hành chính là chủ yếu, các nhà điều hành nền kinh tế đã đạt được một số thành công: kéo giá vàng trong nước xuống ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới và đảo chiều tỷ giá, chặn đà mất giá của tiền đồng. Những biện pháp này nhắm vào yếu tố tâm lý sao cho người dân không còn mặn mà chuyện cất giữ tài sản bằng đô la hay vàng nữa.
Nhưng những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế vẫn còn nguyên: lạm phát tháng 4 tính theo năm đã lên đến 17,51%; nhập siêu sau bốn tháng đầu năm đã lên đến gần 5 tỉ đô la.
Những biện pháp hành chính nói ở đầu bài là cần thiết trong giai đoạn này nhưng không thể đẩy chúng đến mức độ thái quá. Nếu tiền đồng lên giá, chắc chắn sẽ kích thích nhập khẩu hàng hóa ồ ạt để hưởng lợi từ tỷ giá mới này. Và nếu hàng nhập khẩu rẻ hơn hàng sản xuất trong nước, sản xuất trong nước sẽ bị bóp nghẹt, nhập siêu sẽ tăng mạnh. Còn nếu giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế sẽ khuyến khích xuất lậu vàng và tiền đó tiếp tục được dùng để nhập khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt, nhà nhập khẩu sẽ càng yên tâm bán được hàng giá cao trong khi lại yên tâm hơn về tỷ giá đảo chiều có lợi cho họ.
Một xu hướng tâm lý mới đang hình thành: khi không còn sử dụng đô la và vàng để làm phương tiện cất giữ tài sản, người ta sẽ dồn tiền vào bất động sản, tạo nên những bong bóng mới. Nhiều thông tin đang được tung ra để cổ xúy cho xu hướng này vì bất động sản đóng băng là gánh nặng cho nhiều người, nhất là ngành ngân hàng có những khoản cho vay kinh doanh bất động sản hay thế chấp bằng bất động sản.
Như TBKTSG đã nhiều lần nêu ý kiến, con đường giải quyết khó khăn của nền kinh tế phải là con đường “thắt lưng buộc bụng”, chịu đau một lần để chữa trị cơn bệnh khát đầu tư của nước ta. Thực tế cho thấy, mặc dù nói cắt giảm đầu tư, chi tiêu từ ngân sách trong quí 1 vẫn tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu đã xác quyết đầu tư dàn trải, tràn lan nhằm đạt mức tăng trưởng cao trong những năm qua là nguyên nhân gây lạm phát thì phải kiên quyết chấm dứt tình trạng đó. Không thể chỉ khóa van tiền tệ trong khi chính sách chi tiêu công vẫn thả lỏng như hiện nay. Đây cũng là nội dung chính của các bài ghi nhận khuyến nghị của các nhà kinh tế theo hướng đó nhằm chặn đứng đà tăng lạm phát (xem các bài “Để giảm lạm phát từ tháng 5”, “Dấu hỏi về tỷ giá và lạm phát”, “Kiềm chế lạm phát: Cần tập trung vào những nguyên nhân chính yếu”).
Ngoài ra, kinh nghiệm những năm cuối thập niên 1990 và đợt suy thoái năm 2008 gần đây cho thấy mọi sự phục hồi phải bắt đầu từ nông thôn, nông dân và nông nghiệp. Nền nông nghiệp là bệ đỡ, giảm bớt khó khăn, nông thôn sẽ là thị trường cho sản xuất trong nước một khi sức mua của nông dân phục hồi. Chính vì thế những chính sách chống lạm phát, ổn định kinh tế phải nhắm vào khu vực này trước tiên với những biện pháp hỗ trợ thiết thực và cụ thể, nhất là khu vực nông nghiệp phục vụ xuất khẩu.