Thứ Hai, 25/09/2023, 19:37
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Chọn kênh đầu tư để đồng tiền “sống”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chọn kênh đầu tư để đồng tiền “sống”?

Tốc độ tăng, giảm tháng 3-2008 so với tháng 12-2007

(TBKTSG) – Đồng tiền “sống” là đồng tiền không những phải giữ được giá trị, mà giá trị còn được tăng lên. Theo ý nghĩa này, đồng tiền phải được đưa vào đầu tư và sinh lãi, với lãi suất cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng – tức là phải có lãi suất thực dương.

Nhưng chọn kênh đầu tư nào để đồng tiền “sống”?

Trước hết cần điểm qua về tốc độ tăng, giảm ở các kênh trong quí 1-2008 vừa qua (xem biểu đồ).

Theo đó, so với tốc độ tăng giá tiêu dùng, chỉ có hai kênh là vàng và bất động sản có lãi suất thực dương (vàng lãi thực khoảng 8,5%, bất động sản khoảng 0,7%), còn các kênh đầu tư khác đã bị “thực âm”. Gửi tiết kiệm tuy có lãi suất danh nghĩa khoảng 3%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng thì lãi suất đã bị “thực âm” (103% : 109,19% = 94,33% hay 100% – 94,3% = 5,67%, tức là bị lỗ thực 5,67%). Đối với kênh đầu tư vào đô la Mỹ và chứng khoán, lãi suất không những bị “âm” về danh nghĩa, mà còn bị “thực âm” lớn hơn.

Giá đô la Mỹ cuối tháng 3-2008 so với cuối tháng 12-2007 đã giảm 1,88%, trong khi giá tiêu dùng tăng 9,19%, nên nếu đầu tư vào đô la Mỹ, lãi suất đã bị thực âm lớn hơn (98,12% : 109,19% = 89,86% hay 100% – 89,86% = 10,14%, tức là đã bị lỗ thực 10,14%). Cần chú ý: ở đây không tính đến lạm phát ở Mỹ.

Đối với đầu tư vào chứng khoán thì sao? Chỉ số giá chứng khoán trên sàn TPHCM (VN-Index) ngày 31-3 là 516,85 điểm, ngày 28-12-2007 (phiên giao dịch cuối cùng của năm 2007) là 927,02 điểm. Chia một cách đơn giản thì VN- Index ngày 31-3 chỉ còn bằng 55,75% so với ngày 28-12-2007, tức là giảm hay lỗ danh nghĩa là 44,25%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng, thì đầu tư vào chứng khoán còn bị lỗ thực nhiều hơn (55,75% : 109,19%  =  51,06% hay 100% – 51,06% = 48,94%, tức là bị lỗ thực 48,94%).

Đó là nói về quí 1-2008, nhưng việc chọn kênh đầu tư còn phải dự đoán tốc độ tăng giá tiêu dùng và những yếu tố tác động trên từng kênh trong thời gian tới.

Ba phương án tăng giá tiêu dùng

Theo dự báo của Tổ điều hành trong nước, giá tiêu dùng sẽ tăng 1,5% trong tháng 4 này. Nếu dự báo này đúng, thì sau bốn tháng tăng chỉ số giá tiêu dùng tăng trên 10,8%, tức là tăng hai chữ số, bằng gần 86% so với tốc độ tăng của cả năm 2007 và nếu tính theo năm (tức là tháng 4 năm nay so với tháng 4 năm trước tăng gần 20,6%). Tác giả bài này căn cứ vào tốc độ tăng giá của quí 1 và các yếu tố tác động trong chín tháng tới để đưa ra ba phương án dự đoán tốc độ tăng giá như sau.

Nếu tốc độ tăng trong chín tháng còn lại của năm 2008 bằng với tốc độ tăng bình quân trong chín tháng còn lại của 16 năm trước đây tính từ năm 1992 (tăng 3,51%), thì cả năm 2008 sẽ tăng trên 13%. Dù đây là phương án thấp nhưng cũng đã tăng cao hơn tốc độ tăng của năm 2007.

Nếu tốc độ tăng trong chín tháng còn lại của năm 2008 bằng với tốc độ tăng bình quân trong chín tháng còn lại của các năm 2004, 2005, 2006 (tăng 4,17%), thì cả năm 2008 sẽ tăng trên 13,7%.

Nếu tốc độ tăng trong chín tháng còn lại của năm 2008 bằng với tốc độ tăng bình quân trong chín tháng còn lại của bốn năm liền trước đây từ 2004- 2007 (tăng 5,46%), thì cả năm 2008 sẽ tăng 15,2%.

Tuy đưa ra ba phương án, nhưng tác giả nghiêng về phương án thứ ba. Một số chuyên gia dự báo còn tăng cao hơn.

Chọn lựa kênh đầu tư

Gửi tiết kiệm từ tháng 3 đã bị Ngân hàng Nhà nước khống chế “trần lãi suất” ở mức 12%/năm. Từ đầu tháng 4, với sự chủ xướng của Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng đã hạ trần lãi suất huy động xuống còn 11%; nhưng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đề cập đến việc bỏ trần lãi suất và tiến tới lãi suất thực dương. Để hút tiền về, hãm tiền ra nhằm thực hiện mục tiêu số một là kiềm chế lạm phát trong điều kiện tốc độ tăng vốn huy động hiện chỉ bằng nửa tốc độ tăng dư nợ tín dụng (5,5% so với 10,8%); để đảm bảo tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cao ngất ngưởng; để đỡ thiệt thòi cho người gửi tiền… gần như chắc chắn, lãi suất gửi tiết kiệm tới đây sẽ được tăng lên, nếu không cao hơn thì ít nhất cũng ở mức 1%/tháng (12%/năm).

Tiết kiệm là một kênh đầu tư truyền thống, quen thuộc với nhiều người, thích hợp với cả lượng tiền không lớn, với cả số tiền kinh doanh đang trong lúc tạm thời nhàn rỗi và cả số tiền gửi để “tích cốc phòng cơ”, để nuôi con ăn học… lại là một kênh có tính thanh khoản cao. Tuy lãi suất cũng còn thực âm, nhưng còn có lãi suất danh nghĩa so với một số kênh đầu tư đến danh nghĩa cũng còn bị âm. Hơn nữa, đầu tư vào kênh này ít bị đau đầu, giật mình thon thót vì ít bị rủi ro, chẳng  “phi mã”,  cũng chẳng “rơi tự do”.

Vàng gần đây không chỉ là nơi “trú ẩn an toàn” mỗi khi lạm phát cao, mà còn là kênh đầu tư hấp dẫn và kéo dài từ tháng 10-2001 đến nay. Đây là kênh đầu tư khá quen thuộc, thích hợp với các tầng lớp dân cư, không đòi hỏi một lượng vốn lớn và có tính thanh khoản cao…

Giá vàng ở trong nước hầu như phụ thuộc vào giá vàng thế giới, trong khi giá vàng thế giới tính theo đô la Mỹ vẫn có xu hướng tăng do giá đô la Mỹ bị giảm bởi sự cắt giảm liên tục lãi suất đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ. Song, do yếu tố đầu cơ, cộng với đã vài lần giảm đột ngột làm các nhà đầu tư lỗ nặng, nên việc đầu tư vào vàng cần hết sức thận trọng.

Đô la Mỹ từ nhiều năm trước vẫn được người dân và nhà đầu tư lựa chọn mỗi khi lạm phát cao. Tuy nhiên, đã vài năm nay, đồng đô la Mỹ mất giá mạnh so với phần lớn các ngoại tệ khác như euro, bảng Anh, yen Nhật… trong đó có các đồng tiền của những nước có quan hệ buôn bán lớn với Việt Nam. Tiền đồng Việt Nam lâu nay được “neo giá” vào đồng đô la Mỹ, nên cũng bị giảm giá mạnh so với các ngoại tệ mạnh khác. Vì vậy, không nên đầu tư vào đô la Mỹ, mà nên đầu tư vào các ngoại tệ khác, nhất là euro, yen Nhật, nhân dân tệ…

Chứng khoán hiện đã thu hút hơn 300.000 nhà đầu tư, 288 công ty niêm yết, với tổng giá trị vốn hóa khoảng 315.000 tỉ đồng. VN-Index và HaSTC-Index đã chuyển từ tăng kịch trần, hầu như chỉ có mua mà không có bán khi thu hẹp biên độ, sang “răng cưa” khi vừa mới mở rộng biên độ thêm một chút. Ngoài tác động tích cực từ động thái tăng mua của các nhà đầu tư nước ngoài, thì có nhiều yếu tố tiêu cực, như cung tăng mạnh do tình trạng giải chấp cầm cố “xả hàng” của các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán; các ngân hàng thắt chặt tiền tệ…; một số công ty niêm yết đã chia thưởng bằng cổ phiếu làm cho giá cổ phiếu bị pha loãng…

Tuy nhiên, khả năng cuối năm VN-Index có thể tăng lên 600 điểm (tức là tăng trên 15% so với hiện nay) thì đầu tư lâu dài vào thị trường này có lợi hơn cả gửi tiết kiệm. Tất nhiên, do “răng cưa” nên những nhà đầu tư nhỏ lẻ, vay vốn ngân hàng và “bán không ở đỉnh, mua không ở đáy” vẫn có thể bị lỗ.

Kênh đầu tư bất động sản vừa bước vào cơn sốt thứ ba (hai lần trước vào các năm 1993-1994 và 2001-2002) vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, đang có xu hướng lan từ các đô thị lớn sang các tỉnh. Nhưng khi Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, cộng hưởng với giá vật liệu xây dựng tăng làm cho bất động sản tăng “kép”, cơn sốt đã chững lại, giá ở một số nơi đã giảm, người bán nhiều hơn người mua.

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, chính sách cho Việt kiều và người nước ngoài làm việc lâu dài ở Việt Nam được mua nhà… nên bất động sản vẫn còn có khả năng tăng ở một số nơi. Song, do giá rất cao và chính sách về hạn mức diện tích đất xây dựng, mức thuế thu nhập cá nhân, thuế lũy tiến… nên đầu tư vào bất động sản lúc này sẽ khó thu được lợi nhuận cao (phải có lợi nhuận trên 20% mới có lãi). Hơn nữa, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi phải có lượng vốn rất lớn, việc mua bán thường không dễ dàng, tính thanh khoản thấp.

PHƯƠNG NAM 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới