Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chọn lối đi ‘ngược dòng’ khi khởi nghiệp…

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi khởi sự kinh doanh, một số doanh nghiệp Việt Nam đã chọn lối đi bằng cách chinh phục những thị trường khó tính với yêu cầu sản xuất bền vững và tiêu chuẩn cao về chất lượng của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,…

Bằng sự nỗ lực cao, sáng tạo không ngừng nghỉ, các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau đã phần nào thành công và khẳng định trên thương trường rồi quay trở về thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức phía trước.

Sau thành công ở thị trường thế giới, Tập đoàn Phúc Sinh quay trở về trong nước mở chuỗi cà phê nguyên chất K Coffee. Ảnh minh họa: DNCC

Thay đổi định nghĩa “Cà phê 100% nguyên chất” tại Việt Nam 

Ngay khi khởi nghiệp, Tập đoàn Phúc Sinh đã định hướng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu, Mỹ… Bởi lẽ đây là những thị trường khó tính, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng đổi lại theo người sáng lập ông Phan Minh Thông thì lợi nhuận cao hơn, hợp tác lâu dài và cũng ít bị cạnh tranh.

Tuy nhiên, để có được khách hàng là các nhà nhập khẩu khó tính theo ông Thông là cả một chiến lược đầu tư phát triển lâu dài, thật sự tử tế khi khởi sự kinh doanh cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ. Bản thân ông cũng thường xuyên tham gia nhiều cuộc hội chợ triển lãm chuyên ngành ở nước ngoài, tiếp xúc và lắng nghe góp ý của khách hàng để kịp thời điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ. Nhờ đó, Phúc Sinh có thêm nhiều sản phẩm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Mỹ, EU…

Nhờ đó, từ doanh số 60 triệu đồng/năm, đến nay, Phúc Sinh Group đã nằm trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Trong mảng xuất khẩu tiêu, doanh nghiệp được đánh giá chiếm 6% thị phần toàn cầu, với 6 nhà máy chế biến sâu với sản lượng tiêu xuất khẩu mỗi năm lên đến hàng chục ngàn tấn, cùng các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).

Hơn 20 năm chỉ xuất khẩu cà phê, hạt tiêu đi nước ngoài với hàng chục thị trường lớn đạt doanh số hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm, đùng cái “vua tiêu” xuất khẩu Phan Minh Thông đổi chiến lược, mở Công ty Hàng tiêu dùng Phúc Sinh, khai trương một loạt quán cà phê K Coffee ở trong nước vì mong muốn làm thay đổi thói quen uống cà phê của người Việt.

Theo ông Thông, Việt Nam được biết đến là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới với những hạt cà phê thơm ngon. Tuy nhiên, ngay tại thị trường nội địa người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày với cà phê trộn phụ gia như trộn bơ, trộn bột bắp, bột đậu nành,.. uống ly cà phê nhưng không phải chỉ cà phê nguyên chất.

Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh nhận ra một điều, người Việt Nam lâu nay luôn bán những thứ ngon nhất, chất lượng nhất cho nước ngoài, trong khi thị trường trong nước rất thiếu sản phẩm chế biến sâu, có chất lượng cao.

Tuy nhiên, ông nhận ra một điều, người Việt Nam lâu nay luôn bán những thứ ngon nhất, chất lượng nhất cho nước ngoài, trong khi thị trường trong nước rất thiếu sản phẩm chế biến sâu, có chất lượng cao.

Trước thực trạng này, Công ty cổ phần Phúc Sinh cùng thương hiệu K Coffee từng chinh phục những thị trường khó tính như các nước châu Âu, Mỹ, Nga,… đã quyết định góp phần khẳng định lại chất lượng cà phê 100% nguyên chất đúng nghĩa ở Việt Nam.

Trở về “sân nhà”, Phúc Sinh cũng làm theo cách riêng của mình. Trên thị trường, trong các siêu thị có nhiều sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan được bày trên kệ, tuy nhiên rất hiếm hoi có nhãn hiệu đề trên bao bì dòng chữ “100% cà phê nguyên chất”. Trong khi đó, trên tất cả sản phẩm cà phê của Phúc Sinh, đều in nổi bật dòng chữ cà phê nguyên chất, hoặc 100% natural.

Dù bán ly cà phê nguyên chất ở thị trường trong nước còn khó khăn nhưng Phúc Sinh vẫn quyết tâm phát triển chuỗi quán cà phê này.

Ông Thông cho biết các sản phẩm cà phê K Coffee được Phúc Sinh kiểm soát chặt chẽ từ khâu làm việc với nông trại, lựa chọn nguyên liệu, sản xuất, chế biến, đóng gói và phân phối đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty cam kết “3 không”: không màu hóa học, không mùi gây hại, không trộn đậu bắp, đậu nành…

Tuy nhiên, ở thị trường nội địa theo ông Thông có thể nói là một thử thách đầy cam go. Bởi lẽ khi một người sử dụng quen với vị đậu bắp, đậu nành rang cháy rồi thì có khi sẽ cảm thấy vị cà phê nguyên chất không ngon. Có những người uống cà phê rang bơ để át mùi nấm mốc giờ uống cà phê nguyên chất thơm hương vị của cà phê cũng cảm thấy không quen. “Có cả những trường hợp nói rằng họ thích sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, tuy nhiên khi mua hàng họ lại thích vị quen thuộc mà họ cảm thấy ngon”, ông Thông chia sẻ khó khăn khi quay trở về “sân nhà”.

“Quay về thị trường nội địa, mang gói cà phê rang xay đúng tiêu chuẩn đưa đến người tiêu dùng là một thách thức lớn. Nhưng tôi tin mình làm được, và điều này không thể chậm trễ nữa”, ông Thông nói. Ông Thông chia sẻ: “Làm cà phê nguyên chất mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng chúng tôi quyết tâm làm bằng được vì tôi thấy đó là trách nhiệm của mình”.

Đến xứ hoa anh đào, chuối Tiến Vua rộng cửa tiến xa

Còn đối với Hợp tác xã (HTX) chuối Laba Banana Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) khi đưa quả chuối Laba (còn gọi là “chuối tiến vua”) ở vùng cao nguyên Lâm Đồng vào thị trường Nhật Bản như là một cơ duyên trong quá trình khởi nghiệp nhưng cũng từ đây đã giúp doanh nghiệp này nhanh chóng xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính và trở về “sân nhà”.

Từ năm 2019 đến nay, hàng chục nông hộ trên địa bàn xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) tất bật với hàng trăm héc ta chuối tiến vua mang thương hiệu Laba. Bất chấp nhiều khó khăn do tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” từ dịch Covid-19 đến khó khăn kinh tế, lạm phát toàn cầu hiện nay cũng không thể cản các chuyến hàng chuối Laba vượt biển đi khắp thị trường Á – Âu và thậm chí không đủ cung ứng cho các cửa hàng trái cây và siêu thị lớn trong nước.

Vào được thị trường Nhật Bản, chuối laba của Hợp tác xã chuối Laba Banana Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) đang rộng cửa ở thị trường xuất khẩu các nước và hệ thống phân phối trong nước. Ảnh: DNCC

Đằng sau hành trình “vượt biển” của những quả chuối Laba là câu chuyện đầy chông gai và thách thức vừa để thay đổi chính mình, vừa mang lại giá trị cho những người nông dân bản địa của vợ chồng ông Nguyễn Huy Phương và bà Võ Thị Thu. Đó là quyết định chặt bỏ toàn bộ cây cà phê đã gắn bó gần 20 năm và đổ hết tiền tích góp và vay mượn để theo đuổi giống cây chuối là một sự mạo hiểm. Vợ chồng ông Phương cũng chia sẻ, suốt hơn một năm đầu khởi nghiệp, cả hai vợ chồng ông như “người đi trên dây”.

Cách đây hơn 4 năm trong vụ đầu tiên của hành trình khởi nghiệp với trái chuối vào năm 2018, hàng trăm tấn chuối Laba đang đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị đổ bỏ vì mất thị trường, không tìm được đầu ra. Dù khi ấy, vợ chồng ông cùng những người thân trong gia đình phải mang nông sản đến khắp các khu chợ, vựa thu mua trái cây để chào hàng cũng như quảng bá chuối đặc sản vùng cao nguyên trên mạng internet…

Thế nhưng, mùa chuối đầu tiên được thu hoạch cũng là thời điểm gặp khó về đầu ra, giá cả xuống rất thấp. Nhiều nơi chuối lâm cảnh phải “giải cứu”. Phải đổ bỏ khá nhiều sản phẩm nhưng không hề nản chí, cặp vợ chồng nông dân vùng sâu, vùng xa này vẫn thuê xe chở chuối tới nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh chào bán.

“Một lần, tôi đến chào hàng ở vựa nông sản thì gặp người của công ty chuối xuất khẩu đang tìm hàng đưa đi Nhật Bản. Mọi bước ngoặt bắt đầu từ ngày hôm đó!”, chị Thu nhớ lại, và cho biết đây cũng là cơ duyên để quả chuối Laba có thể đến xứ sở mặt trời mọc từ giữa năm 2018.

Phát hiện chuối tại Đạ K’Nàng có nhiều khác biệt về chất lượng, hương vị thơm ngon hơn và khá phù hợp với khẩu vị người Nhật, phía đối tác Nhật – Công ty Kurume – đã cho nhân viên tìm đến vườn của vợ chồng anh Phương để khảo sát.

“Cũng là cơ duyên, may sao phía Công ty Kurume tìm chuối trồng có độ cao cách mặt nước biển khoảng 1.000 mét, đúng với vùng đất mà chúng tôi đang canh tác”, chị Thu chia sẻ, và cho biết: “Có lẽ quy trình công tác thuận tự nhiên và Laba đúng là loại chuối mà thị trường Nhật cần, và khí hậu ở Đạ K’Nàng rất khác so với các vùng mà họ từng khảo sát, nên từ đó đối tác Nhật Bản thường xuyên cho các chuyên gia kỹ thuật qua khảo sát vườn chuối của chúng tôi và mong muốn hợp tác lâu dài với số lượng cần mua lớn”.

Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên mà loại đặc sản này có cơ hội hiện diện trên thị trường Nhật Bản vài năm trở lại đây. Chuối Laba ở Đạ KNàng đã phải trải qua một quá trình chọn lọc, thỏa mãn hai điều kiện cốt lõi là hình thức đẹp, chất lượng tốt. Đó là một quá trình hết sức khắt khe từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu dưới sự giám sát chặt chẽ của phía đối tác Nhật Bản.

Khó khăn và thách thức là vậy, nhưng khi đã đạt được các tiêu chuẩn thì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu rất lớn. “Việc quả chuối laba được bán ở một số chuỗi siêu thị của xứ sở hoa anh đào, một trong những thị trường khắt khe hàng đầu thế giới, đã giúp khách hàng tin tưởng tìm đến hợp tác xã”, chị Thu nói.

Bên cạnh việc cung ứng đều đặn 20 tấn chuối mỗi tuần đến Nhật Bản để đưa lên kệ hàng siêu thị, cửa hàng của Aeon, Zheshu…,  đơn vị này cũng bán hàng chục tấn quả cho các hệ thống bán lẻ tại Hàn Quốc, Malaysia và một số thị trường châu Á.

Theo bà Thu, một số nhà nhập khẩu cho hệ thống siêu thị ở Mỹ vào đầu tháng 10 vừa qua cũng đã liên hệ với HTX về việc cung ứng chuối. Tuy nhiên, Laba Banana Đạ K’Nàng chưa dám nhận vì năng lực sản xuất hiện tại chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu.

Phát triển và tạo được niềm tin ở các thị trường khó tính hàng đầu ở các nước đã giúp sản phẩm của Laba Banana Đạ K’Nàng dễ dàng hơn khi tiếp cận các kênh bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị… ở thị trường nội địa vốn rất ít cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa như HTX. Hiện nay ở nền kinh tế gần 100 triệu dân, sản phẩm chuối của HTX được phân phối tại TPHCM và mở rộng dần xuống các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh ven biển miền Trung. Không chỉ trái tươi, HTX đã đẩy mạnh chế biến, nổi bật là chuối sấy và bột chuối.

Hàng loạt doanh nghiệp sẵn sàng mua hàng từ HTX như Công ty Nông sản Cao Vũ (tiêu thụ 1-3 tấn/ngày), HTX thương mại nông sản Tường Nguyên (1-3 tấn/ngày), Công ty Hưng Thịnh LD (khoảng 500 kg/ngày),…

Không chỉ mở toang cánh cửa thị trường, việc doanh nghiệp Nhật Bản cam kết thu mua không giới hạn cũng là thời cơ để vợ chồng ông Phương hiện thực hóa giấc mơ làm “cách mạng” trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân tại địa phương. Bà Thu cho biết từ 50 héc ta cho lô hàng xuất khẩu ban đầu của hơn 5 năm trước, giờ đây HTX của bà đã tăng diện tích trồng chuối lên hơn 235 héc ta và mục tiêu đặt ra là lên 1.000 héc ta.

Trong năm 2021, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khó khăn kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến hoạt động của HTX, việc mở rộng xuất khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Phương, với nền tảng vững vàng, HTX cùng các thành viên đang tự tin hướng tới các mục tiêu nâng cao giá trị, mở rộng thị trường thêm nữa trong tương lai…

Mang gia vị Việt đi Âu – Mỹ và…

Câu chuyện của Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt (Viet Pepper) với tuổi đời chỉ mới được khoảng 10 năm, phải mất 4 năm để định hình xây dựng và tìm hướng phát triển nhưng đã xuất được nhiều kênh siêu thị từ khu vực châu Á, đến châu Âu và Mỹ trước khi đưa vào hệ thống phân phối rộng khắp thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.

Thành lập từ năm 2012 và được phát triển, mở rộng quy mô, định hình lại hướng đi mới gắn liền với mục tiêu, sứ mệnh rõ rệt hơn kể từ năm 2018. Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Viet Pepper, cho biết là doanh nghiệp ra đời muộn và còn quá “non” về năng lực sản xuất cũng như tài chính nên Viet Pepper đã quyết định chọn hướng đi thận trọng nhưng bền vững.

Viet Pepper thường tham gia các hội chợ – triển lãm lớn chuyên ngành trên thế giới để tìm cơ hội mở rộng thị trường. Ảnh: DNCC

Nhận thấy vấn đề quan tâm hàng đầu với hầu hết người tiêu dùng là an toàn thực phẩm và sản xuất an toàn, Viet Pepper quyết định chọn hướng đi sản xuất các sản phẩm gia vị canh tác hữu cơ hoàn toàn. Với hướng đi này, năm 2015 Viet Pepper đã nỗ lực từ khâu cải tiến đất đai, trồng trọt, quản lý, sản xuất và đóng gói cũng như mời các đơn vị thứ ba kiểm tra, đánh giá, cấp chứng nhận quốc tế sản phẩm đạt chất lượng hữu cơ trước khi đi giới thiệu đến khách hàng.

Do đó, dù giá trị sản phẩm hữu cơ làm ra có giá cao hơn rất nhiều so với sản phẩm sử dụng hoá học trong sản xuất nhưng sản phẩm Viet Pepper nhanh chóng được nhiều thị trường lớn và khó tính trên thế giới đón nhận.

“Các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm và gia vị trong nước và thế giới chính là nơi tiếp cận khách hàng của Viet Pepper”, bà Thương nói, và cho biết: “Với những sản phẩm chất lượng trưng bày cụ thể cùng những chứng nhận về sản phẩm sản xuất an toàn, canh tác tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ chức quốc tế cấp mà chúng tôi ngày càng được sự tín nhiệm của khách hàng”.

Khởi đầu bằng việc xuất thành phẩm đã qua xử lý, làm thương hiệu riêng cho các hệ thống siêu thị, kênh phân phối trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu…, sau đó Viet Pepper cũng xây dựng thương hiệu gia vị riêng của mình Vipep.

“Nhận được nhiều đánh giá cao và tín nhiệm từ những đối tác lớn trên thế giới, sản phẩm Vipep của chúng tôi sau đó cũng thuận lợi để có thể đi vào hầu hết các kênh siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại khắp cả nước với hàng ngàn điểm bán”, bà Thương cho biết.

Hiện sản phẩm Vipep có mặt ở khắp các hệ thống siêu thị Big C, GO!, Co.opMart, Emart, Aeon, Lotte, MM Mega Market….Không những thế, các nhà bán lẻ còn đưa sản phẩm Vipep tiêu thụ ở các nước. “Đơn cử như Central Retail Việt Nam sau khi đã tin tưởng đưa các sản phẩm Vipep vào kinh doanh ở các chuỗi như Big C, GO! thì còn hỗ trợ đưa vào kệ hàng hóa của chuỗi bán lẻ của mình ở bên Thái Lan”, bà Thương nói.

Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, nhà nhập khẩu ở Việt Nam sau nhiều lần kiểm tra kỹ chất lượng và năng lực sản xuất tại nhà máy Viet Pepper cũng đã quyết định cho nhập các sản phẩm gia vị dưới thương hiệu Vipep vào kệ hàng hóa ở các chuỗi bán lẻ Nhật Bản được hơn 2 năm nay. “Cứ thế mà tệp khách hàng mua sản phẩm Vipep hoặc Viet Pepper sản xuất tăng lên theo năm tháng”, bà Thương chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện nay, sản xuất bền vững, truy suất nguồn gốc và an toàn cao trong sử dụng được người tiêu dùng khắp thế giới quan tâm đón nhận hơn bao giờ hết. Do đó Viet Pepper tiếp tục kiên định với mục phát triển doanh nghiệp gia vị tự nhiên và hữu cơ hàng đầu tại Việt Nam không ngừng sáng tạo, tập trung chất lượng và phát triển bền vững vùng nguyên liệu.

Nhờ vậy mà quy mô doanh nghiệp phát triển hơn từ xưởng sản xuất ban đầu chỉ 500m2 thì đến 2021 nhà máy có diện tích 2.000m2 với các thiết bị sản xuất, chế biến hiện đại. Công ty đã tạo công ăn việc làm cho người lao động phổ thông, nghèo khó nay đã có công việc ổn định và thu nhập khá trở lên tuỳ vị trí công việc và trình độ.

Còn có nhiều doanh nghiệp khác vì nhiều lý do và hoàn cảnh đã khởi nghiệp với lối đi “ngược dòng” thay vì phát triển ở thị trường trong nước trước thì lại chọn giải pháp xâm nhập ở các thị trường khó tính với quy định sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng rất cao rồi mới trở về quê hương phát triển thị trường.

Một số doanh nghiệp chia sẻ do “sinh sau đẻ muộn”, chưa có thương hiệu và yếu về năng lực tài chính, kinh nghiệm nên khó có thể cạnh tranh trong nước với doanh nghiệp cùng ngành lâu năm, mạnh về tài chính và đã khẳng định vị thế trên thị trường nên họ chọn hướng đi xuất khẩu ở những thị trường khó tính trước để phát triển và khẳng định sản phẩm, thương hiệu,… rồi quay trở về sân nhà khi có cơ hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới