Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chống lãng phí và bệnh thành tích trong việc làm luật 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chống lãng phí và bệnh thành tích trong việc làm luật 

(TBKTSG) – Một kỳ họp nữa của Quốc hội sắp diễn ra. Nếu không có gì trở ngại vào giờ chót, một loạt các dự thảo luật sẽ được trình và được thông qua.

Từ vài năm nay, người dân đã quen với việc đón nhận rất nhiều luật mới hoặc luật sửa đổi luật cũ sau một kỳ họp của cơ quan lập pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống luật viết đã trở nên đồ sộ, góp phần tạo hình ảnh tích cực về một đất nước đang hội nhập, một nhà nước pháp quyền đang trong lộ trình xây dựng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các luật được ban hành đều đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ. Không kể các trường hợp luật phải mòn mỏi chờ nghị định, thông tư, có những luật mà người ta cứ loay hoay không biết làm thế nào để thi hành.

Lý do khá đa dạng. Có khi quy định của luật chưa có hoặc không còn cơ sở hiện thực, do được sao chép từ luật nước ngoài một cách vừa máy móc, vừa sai lệch về mặt khoa học. Hoặc, không thiết lập được sự phối hợp thi hành giữa các cơ quan có liên quan, do luật được biên soạn để phục vụ chủ yếu cho việc quản lý chuyên ngành… Có luật được xây dựng chủ yếu để đáp ứng số lượng, để báo cáo rằng trong một thời gian nhất định đã làm được bao nhiêu luật – theo kiểu báo cáo thành tích.

Tất nhiên, trong điều kiện xã hội cần có luật, nhưng luật làm ra lại không thể được áp dụng, thì phải sửa. Bởi vậy, rất nhiều luật ở Việt Nam có cuộc sống khá ngắn ngủi. Chứng “đoản thọ” xảy ra không chỉ với những luật nhỏ, chuyên biệt, mà cả những luật đồ sộ, được biên soạn công phu và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự, mà nhiều người đặt ở vị trí luật gốc, đứng ngay sau Hiến pháp, được ban hành lần đầu tiên vào năm 1995, chỉ sống được 10 năm. Cả Bộ luật Dân sự mới thay thế cũng lại được đặt trong lộ trình sửa đổi khi còn chưa ráo mực. Có ý kiến biện bạch rằng luật phục vụ cho cuộc sống, bởi vậy, trong điều kiện cuộc sống thay đổi không ngừng, việc sửa đổi luật phải được coi là bình thường và cần thiết.

Không ít luật ở Việt Nam phải bị loại bỏ toàn bộ và được thay thế bằng một luật mới, với nội dung cốt lõi hoàn toàn khác biệt. Trường hợp của Luật Thương mại là một điển hình.

Ở các nước tiên tiến người ta cũng sửa luật, thậm chí còn thường xuyên hơn. Đúng là luật mà không đáp ứng được các yêu cầu của cuộc sống thì không thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, một luật được gọi là tốt phải đảm nhận được vai trò là công cụ điều chỉnh ứng xử xã hội trong một thời kỳ và phải làm tròn vai trò của mình. Đến một thời điểm thích hợp, quy tắc pháp lý đang được áp dụng có thể được đưa trở lại bàn của người làm luật để mổ xẻ, xem có cần được hoàn thiện để áp dụng tiếp hoặc đã hết vai trò lịch sử và phải bị thay thế.

Việt Nam cũng có những luật như thế, như trường hợp của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều luật từ ngày ra đời cho đến ngày bị sửa hoặc bị hủy bỏ chỉ sống thoi thóp hoặc dở sống dở chết. Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 là một ví dụ.

Vả lại, việc sửa luật ở các nước tiên tiến thường chỉ nhằm thay đổi hoặc hoàn thiện các giải pháp chi tiết cho phù hợp với khung cảnh áp dụng; tinh thần chung của luật và nhất là các nguyên tắc cơ bản đã được thiết lập lúc ban đầu luôn được bảo tồn qua các cuộc cải cách luật pháp. Điều này là tối cần thiết cho việc bảo đảm sự phát triển trong bình ổn của xã hội.

Trong khi đó, không ít luật ở Việt Nam phải bị loại bỏ toàn bộ và được thay thế bằng một luật mới, với nội dung cốt lõi hoàn toàn khác biệt. Trường hợp của Luật Thương mại là một điển hình.

Xác định các nguyên nhân của tình trạng kém hữu hiệu và không ổn định của luật là đề tài của một câu chuyện khác. Có một điều cần khẳng định: làm luật là một hoạt động mà xã hội, tức là người dân, thông qua bộ máy nhà nước, phải đầu tư chi phí, từ giai đoạn phân tích chính sách, thu thập thông tin, dữ liệu, soạn thảo, đến lúc đệ trình, thẩm tra và thảo luận để thông qua.

Ở Việt Nam, chi phí làm luật còn có thể gia tăng do đặc điểm của hệ thống đang vận hành: trong điều kiện cơ quan lập pháp hoạt động không thường xuyên, luật chỉ có những quy định rất chung và cần được cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư của cơ quan hành pháp, thậm chí bằng công văn…

Một khi luật không thể phát huy tác dụng mong đợi, chi phí mà xã hội đổ ra để làm luật trở nên vô ích và đó thực sự là một sự lãng phí. Bởi vậy, một cách hợp lý, cần phải nghiêm túc đặt vấn đề bảo đảm hiệu quả của việc đầu tư vào hoạt động xây dựng pháp luật. Một mặt, cần có cơ chế kiểm tra cho phép phát hiện và đình chỉ hoặc tạm hoãn các dự án lập pháp mà tác dụng, mục tiêu không rõ ràng hoặc trùng lắp; mặt khác, có thể cân nhắc về việc quy trách nhiệm những người có liên quan, trong trường hợp luật làm ra mà không thể được thực thi nghiêm chỉnh.

Vấn đề càng trở nên bức bách trong bối cảnh lạm phát và khó khăn kinh tế hiện tại, khi mà tiết kiệm trở thành một mệnh lệnh hành động, vừa mang ý nghĩa chính trị, pháp lý, vừa mang ý nghĩa đạo đức đối với tất cả thành viên xã hội.

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới