Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chống ngập cho TPHCM không có giải pháp tối ưu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chống ngập cho TPHCM không có giải pháp tối ưu

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia thủy lợi cho rằng hiện không có giải pháp nào tối ưu nhất cho việc chống ngập ở TP HCM.

Chống ngập cho TPHCM không có giải pháp tối ưu

Vấn đề tìm giải pháp chống ngập cho TP HCM đã được phân tích, mổ xẻ tại một hội thảo do báo Tiền phong tổ chức ngày 5-12.

Ông Nguyễn Trọng Dần, hội viên Hội Khoa học kỹ thuật máy thủy khí Việt Nam cho rằng, việc chống ngập bằng nâng cốt nền đường giao thông để làm tăng độ dốc thoát nước không những không giúp giảm ngập mà còn gây ra các hệ lụy xấu khác như tạo sự phân cách các khu vực trũng thấp, ngăn cản việc tiêu thoát nước bởi đường mới tôn cao khu dân cư sẽ ngập nặng hơn.

Đường cao hơn nhà đã phá vỡ quy hoạch mặt bằng giao thông hiện có, dẫn tới hậu quả khó khắc phục như ở đường Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Quá. Ông cho rằng việc nâng đường và thay cống lớn chỉ giải quyết vấn đề đường không ngập còn khu vực dân cư ngập còn diễn ra trầm trọng hơn. Điều này không đồng nghĩa với mục tiêu chống ngập.

Còn giải pháp làm hồ điều hòa ngầm mà TPHCM đang thí điểm chỉ có dung tích nhỏ cũng không giúp giảm ngập.

Riêng phương án sử dụng máy bơm như Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đang thực hiện ở đường Nguyễn Hữu Cảnh thì chống được ngập cho từng khu vực dân cư hoặc một tuyến đường. Đây là giải pháp tình huống cho giai đoạn trước mắt từu 10 đến 15 năm tới.

Ông Dần cho rằng, để giải quyết chống ngập cho TPHCM cần thực hiện nhiều giải pháp đan xen bổ khuyết lẫn nhau. Và cần có sự chung sức của nhiều ban ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực thoát nước đô thị.

Còn để giải quyết chống ngập triệt để và lâu dài cho TPHCM thì cần giải pháp tổng thể từ quy hoạch đến khả năng đầu tư.

Nhìn nhận về vấn đề chống ngập tại TPHCM, Tiến sĩ Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường chỉ ra 2 nguyên nhân chính là thủy triều, lũ thượng nguồn và mưa. Từ 2 nguyên nhân này, bản chất chống ngập là cần dắt mưa ra ngoài và ngăn triều và lũ tiến vào.

“Không có giải pháp nào tối ưu nhất cho chống ngập TPHCM. Song, nếu chúng ta có những bài toán tổng hợp thiệt hại về kinh tế, xã hội thì mới có bài giải phù hợp”, ông Bảo nhận định

Chỉ ra nguyên nhân chính gây ngập, lụt tại TPHCM, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho rằng thủ phạm chính gây ngập là do cốt nền. Nếu nâng cốt nền thì chỉ giải quyết được đường giao thông.

Theo ông Cường, để giảm ngập thì thành phố phải có hệ thống cống lớn có hồ điều tiết diện tích từ 3 đến 5 héc ta. Thế nhưng, TPHCM hiện không có các công trình này. Việc phát triển các hầm chứa nước ngầm (hay còn gọi là hồ điều hòa ngầm) cũng không giải quyết được ngập vì diện tích hầm chứa quá nhỏ, còn nâng toàn bộ cốt nền thì rất tốn kém và cũng không hiệu quả.

Đánh giá về hiệu quả chống ngập của TPHCM ông Cường cũng cho rằng, TPHCM đã đầu tư rất lớn nhưng chưa có hiệu quả và không có người chịu trách nhiệm. Ông đề xuất nên xã hội hóa, cân bằng lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư để thu hút tư nhân vào làm. Ông cho rằng TPHCM nên học tập mô hình của Hà Lan là xây đê bao rồi để cốt nền thấp hơn nước biển, nếu thủy triều lên thì đóng cổng lại, nếu mưa xuống thì bơm nước ra và TPHCM cũng tương tự như vậy.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM giai đoạn 2016 đến 2020, TPHCM cần hơn 73.000 tỉ đồng để chống ngập nước. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng hơn 16.000 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỉ đồng, vận động nguồn vốn vay ODA khoảng hơn 36.000 tỉ đồng. Số còn lại khoảng hơn 20.000 tỉ đồng TPHCM sẽ phải kêu gọi nguồn xã hội hóa.

Mời xem thêm:

>> TPHCM: Ngập lụt đâu chỉ do triều cường, mưa lũ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới