Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chống tham nhũng, cải cách hành chính để hỗ trợ DN nhỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chống tham nhũng, cải cách hành chính để hỗ trợ DN nhỏ

Quốc Hùng

Chống tham nhũng, cải cách hành chính để hỗ trợ DN nhỏ
Ông Nguyễn Văn Bé (phải ngoài cùng) đang chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay tại hội thảo – Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Thay đổi thể chế kinh tế và cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc của cơ quan quản lý, cấp thừa hành không gây khó… là những biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp hiện nay hơn là hỗ trợ những vấn đề như đất đai, thuế…

Những ý kiến này được ghi nhận trong hội thảo hiến kế xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TPHCM vào ngày hôm nay 20-1.

Doanh nghiệp không muốn lớn?

Là người đầu tiên được mời tham gia góp ý kiến hiến kế tại hội thảo này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM, cho rằng từ trước đến nay gần như 99% số doanh nghiệp trong nước "lớn lên" là tự thân, đâu có sự hỗ trợ nào. Họ chỉ mong làm sao cơ quan quản lý nhà nước, các cấp thừa hành… đừng quấy nhiễu, gây khó khăn cản trở làm mất cơ hội để họ làm ăn kinh doanh là tốt lắm rồi.

"Làm sao xóa bỏ được tình trạng cơ quan quản lý nào cũng có thể thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp như trong thời gian qua", ông Bé bức xúc. Ngay cả các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp ở TPHCM, theo quy định, chỉ có thể bị kiểm tra khi được phép của cơ quan quản lý trực tiếp là Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố, nhưng thực tế theo ông Bé, doanh nghiệp hoạt động tại đây phản ánh là họ thường xuyên bị kiểm tra.

"Có doanh nghiệp cho biết một năm họ tiếp đến 20 đoàn thanh tra các loại, chưa kể các cơ quan quản lý cấp địa phương… Cơ quan nào cũng có thể đến doanh nghiệp để kiểm tra từ thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy… thì còn thời gian nào nữa mà tập trung sản xuất kinh doanh", ông Bé chia sẻ ý kiến tại hội thảo với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp, luật sư, chuyên gia…

Thậm chí có doanh nghiệp còn không muốn mình lớn nữa, bởi càng lớn và càng phát triển thì sẽ càng bị để ý, bị kiểm tra càng nhiều. Đây là lý do mà một số doanh nghiệp cứ khôi hài nói về việc không mong muốn phát triển lớn mạnh với câu nói rằng: “Khôn xây trại, dại xây nhà”, ông Bé chia sẻ.

Do đó, trước khi nghĩ đến việc tìm hướng hỗ trợ khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Bé đề xuất rằng ngay bây giờ cần hỗ trợ bằng cách thay đổi thể chế kinh tế và cải cách hành chính, cơ quan quản lý nhà nước cần ứng dụng công nghệ thông tin xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, công khai thông tin… để doanh nghiệp không mất nhiều thời gian chờ đợi và bị quấy nhiễu…

"Giảm một giờ đóng thuế, thủ tục hải quan… thì giảm hàng ngàn giờ lao động và tiền bạc của doanh nghiệp", ông Bé nhấn mạnh.

Luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật sư VNC, có ý kiến là cần tăng cường phòng chống tham nhũng mạnh hơn nữa. Theo ông Sơn, trong môi trường tiêu cực thì người yếu thế là người bị thiệt hại nặng nề nhất, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người nghèo luôn luôn là đối tượng bị tác động và tổn thương nhiều nhất.

"Chống tham nhũng, tiêu cực là tạo cơ hội cho họ an tâm trong công việc kinh doanh của mình, chứ không thể suốt ngày lo lắng sợ cái này, sợ cái kia được", ông Sơn nói.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Sơn cho rằng, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cần được ưu tiên hàng đầu vì luật hiện hành có rất nhiều quy định phức tạp đối với đối tượng doanh nghiệp này. Cụ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có bộ hồ sơ về kế toán đơn giản hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư, vay vốn ở các tổ chức tín dụng… Đồng thời, luật nên loại bỏ các quy định và cắt giảm những loại phí, lệ phí giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng chia sẻ với bức xúc của doanh nghiệp và cho rằng thực tế trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn vì mở cửa hội nhập sâu rộng của Việt Nam thì tình hình quấy nhiễu vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan quản lý, cấp thừa hành. Do đó, cần khắc phục những bất cập này để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp bên cạnh việc đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Luật hỗ trợ" có vi phạm?

Đại diện Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng nêu lên những vướng mắc – Ảnh: Quốc Hùng

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các quy định, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành đang nằm rải rác ở rất nhiều văn bản khác nhau. Doanh nghiệp rất khó tìm kiếm chính sách, mà nếu tìm ra chính sách thì việc xin hưởng chính sách hỗ trợ còn khó hơn rất nhiều. Do đó, việc tập trung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào một luật sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn, hưởng chính sách hiệu quả hơn.

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng lâu nay Nhà nước hỗ trợ theo kiểu có cái gì thì cho cái nấy, hỗ trợ theo khả năng của Nhà nước chứ chưa hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Thậm chí nhiều chính sách được xây dựng nhưng không thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Bé thì cho rằng các luật chuyên ngành nhiều thủ tục hơn bao giờ hết, phá vỡ hết các quy trình một cửa, doanh nghiệp đang bị ràng buộc trong quá nhiều thứ giấy tờ.

Góp ý xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói trên, Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc R&D Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, cho rằng doanh nghiệp phát triển rất tốt về số lượng nhưng cần xem lại chất lượng vì tính rủi ro rất cao, dễ giải thể, phá sản.

Theo ông Dũng, doanh nghiệp nào cũng cần hỗ trợ vốn, hỗ trợ quỹ đất. Vậy Nhà nước hỗ trợ cái gì? Một là hỗ trợ thành lập thông thoáng; hai là hỗ trợ giải quyết tranh chấp như tranh chấp hàng gian hàng giả; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp nhận rõ cơ hội và rủi ro, cách thay đổi để tận dụng cơ hội…

Mặc dù nhiều doanh nghiệp, luật sư, diễn giả cho rằng việc xây dựng Luật về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cần thiết và sẽ tạo cơ sở vững chắc cho bộ phận doanh nghiệp này phát triển, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ngay việc đặt tên gọi "Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ" là không ổn bởi bản thân từ "hỗ trợ" là nghiêng về chính sách, vì vậy, không thể đưa vào luật. Luật hàm chứa những kỹ thuật, đặc thù riêng của nó, không nên để từ "hỗ trợ" trong luật. Mặt khác, Việt Nam khi ký kết các hiệp định thương mại với các nước cũng có cam kết hàm ý là nếu nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thì vi phạm về quy định trợ cấp hỗ trợ.

Luật sư Hoàng Văn Sơn cũng cho rằng nếu không cẩn thận thì việc ban hành luật này là con dao hai lưỡi do một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sẽ bị các nước khởi kiện (khi họ cần) về việc chống trợ cấp mà họ chứng minh một cách dễ dàng vì đã quy định trong luật của Việt Nam.

Mặt khác, một số ý kiến cũng cho rằng để luật này khi được ban hành và có thể áp dụng một cách thực chất, thì cũng sẽ phải sửa đổi một số văn bản luật có liên quan như các Luật về thuế, Luật kế toán, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng…

Với tỉ lệ chiếm tới hơn 95% tổng số doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể lớn lên được, mà lại còn đang đối mặt với nhiều thách thức trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành một đạo luật về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là tối cần thiết, tuy hơi muộn màng so với tiến trình hội nhập.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp này có nguồn lực tài chính yếu, chưa nhận được sự ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào khu công nghiệp cũng như rất khó khăn để đăng ký được vào cụm công nghiệp chuyên ngành.

Mời đọc thêm:

>>> “Chúng ta đang thụt lùi về phẩm cấp”

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới