Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ các khu công nghiệp vẫn lãi cao giữa dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ các khu công nghiệp vẫn lãi cao giữa dịch Covid-19

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Các công ty phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp vẫn ăn nên làm ra giữa dịch bệnh và lĩnh vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng đầu tư cho hậu Covid-19.

Dù hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghiệp trong thời gian qua vẫn mang lại lợi nhuận cao.

Chủ các khu công nghiệp vẫn lãi cao giữa dịch Covid-19
Nhiều doanh nghiệp phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp có lợi nhuận cao giữa dịch bệnh. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận

Một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp lâu đời là Tổng công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, sàn UPCoM: SNZ) gần đây công bố báo cáo tài chính quí 1-2020 với doanh thu thuần tăng gần 11% và lãi ròng tăng đến 42% so với cùng kỳ. Cụ thể trong quí đầu năm nay, Sonadezi mang về 1.078 tỉ đồng doanh thu thuần, tương ứng tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó đáng chú ý, doanh thu kinh doanh khu công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 27%), đạt 293 tỉ đồng, tương ứng tăng 66%. Lợi nhuận sau thuế của Sonadezi đạt gần 271 tỉ đồng trong quí, tăng đến 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận tăng này chủ yếu từ hiệu quả cho thuê Khu công nghiệp Châu Đức tại đơn vị thành viên của Sonadezi. Lãi ròng của Công ty trong quí 1 đạt 153 tỉ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy kết thúc quí 1 Sonadezi hoàn thành gần 30% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Hay tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCOM – Mã chứng khoán: NTC) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 6,4%, đạt 41,7 tỉ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp thu về xấp xỉ bằng cùng kỳ, đạt 26,7 tỉ đồng. Doanh thu từ kinh doanh bất động sản đầu tư đạt gần 31,4 tỉ đồng, chiếm khoảng 75% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác.

Doanh thu tài chính trong quí tăng 17 tỉ đồng so với cùng kỳ chủ yếu do tăng lãi tiền gửi và cổ tức, lợi nhuận được chia. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quí 1-2020 Nam Tân Uyên báo đạt 85,3 tỉ đồng, tăng 22,4% so với lợi nhuận đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Long Hậu (MCK: LHG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2020 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 206,4 tỉ đồng, tăng trưởng 19,7% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn tăng ít hơn, chỉ 15,1% nên lợi nhuận gộp thu về hơn 93,6 tỉ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu của LHG, doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng đạt gần 159 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và đóng góp 77% tổng doanh thu. Doanh thu từ mảng cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú cũng tăng hơn 22% kên gần 28 tỉ đồng. Đây cũng là 2 mảng kinh doanh mang lại phần lớn lợi nhuận gộp cho công ty. Còn lại là doanh thu từ các hoạt động khác. Trừ các chi phí phát sinh, quý 1-2020 Long Hậu báo lãi sau thuế 63,1 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 15% so với lợi nhuận đạt được của cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo thị trường bất động sản quí 1-2020 của JLL Việt Nam cho thấy, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong những tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn ở mức cao nhờ vào nhu cầu thuê vẫn tăng.

Theo đó, tỷ lệ lấp đầy ở khu vực miền Bắc tính đến hết tháng 3-2020 đạt 72%, giá đất trung bình đạt 99 đô la Mỹ/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, nhà xưởng xây sẵn cũng giữ giá thuê ổn định dao động từ 4 – 5 đô la/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.

Tại khu vực miền Nam, giá đất trung bình trong quí 1-2020 tại khu vực này đạt 101 đô la Mỹ/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kì.

Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5 đô la/ m2/ tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TPHCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.

Trên thực tế thống kê từ Báo cáo tài chính quí 1-2020 của nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp đã được công bố cho thấy, đa số đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận đạt 211 tỉ đồng, tăng trưởng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo báo lãi 25,4 tỉ đồng (tăng trưởng 341%);…

Nhiều cơ hội thu hút đầu tư

Một phần diện tích ở khu công nghiệp Long Hậu ở Long An. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Theo giới phân tích sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc sẽ tái khởi động.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

Do đó, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hồi năm ngoái. Và khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai.

Không chỉ chính quyền Tổng thống nước Mỹ Donald Trump, mà một số nước ở khu vực châu Âu, và Nhật Bản cũng đã kêu gọi và cho biết sẽ hỗ trợ các công ty của mình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế này.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào cuối tuần qua, đại diện các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tại Việt Nam đều đã khẳng định mối quan tâm của họ tới điểm đến đầu tư Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu Eurocham Nicolas Audier cho rằng, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Theo giới phân tích, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ việc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Và đây chính là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam, và là điểm đến đến đầu tư an toàn.

Các công ty tư vấn và quản lý bất động sản cũng cho rằng từ năm ngoái, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Và sau dịch Covid-19 Việt Nam tiếp tục được xem là điểm sáng trong khu vực cho nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, bất động sản khu công nghiệp sẽ hồi phục mạnh sau dịch Covid-19, trong đó, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp.

Đánh giá tiềm năng của bất động sản khu công nghiệp, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, tác động của đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chậm lại và việc tiến hành thực địa các khu công nghiệp để xây nhà máy cũng bị trì hoãn ít nhất đến khi dịch bệnh được khống chế.

Tuy nhiên về dài hạn, bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới