Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chữ có khi là than

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chữ có khi là than

Việt Linh

(TBKTSG) – Ngay trước ngày nhà báo, trên trang mạng uy tín xuất hiện một tựa bài bất nhã: “Lê Quang Liêm bị hất khỏi tốp 10 tại giải vô địch thế giới”. Nói bất nhã cho… nhã chứ thật ra đó là cái tựa vô cảm, vô lễ về một kỳ thủ đã từng mang lại bao nhiêu vinh dự cho đất nước.

Nhiều bình luận phản ứng trong đó có những câu rất tình lý như “Nếu vô địch thì tung hứng, ca ngợi, khi thua dùng từ quá xúc phạm “bị hất khỏi tốp 10” như bát nước đổ đi, như vậy còn ai muốn phấn đấu nữa”. Có lẽ do những bình luận này mà ngay hôm sau cái tựa đáng tiếc kia được đổi thành “Lê Quang Liêm ở ngoài tốp 10 tại giải vô địch thế giới”, chính xác, đầy đủ thông tin. Câu bình luận “Nhìn nhận tích cực sao mà khó thế nhỉ?” trong số các bình luận khiến người viết nhớ cụm từ “trắng tay” các phóng viên hay dùng khi nói về những người/đội Việt Nam tham gia thi quốc tế thất bại. Ai thi cũng mong thắng nhưng sao cứ đinh ninh thắng khi số giải có hạn, đối thủ đông đúc? Đây là lối chê giễu bề trên nhưng cùng lúc cũng phô bày sự dễ dãi, thô thiển trong ngôn ngữ của người viết.

Đầu năm, một phóng viên trẻ gửi tác giả vở kịch mới công diễn câu phỏng vấn “Sau khi nghe ngóng dư luận về đứa con tinh thần của mình, chị sáng ra điều gì?”. Tác giả nửa đùa nửa thật: “Em dùng chữ sáng ra – thay vì nghiệm/rút ra – giống như người lớn hỏi trẻ con sáng mắt ra chưa, nhưng chị thích tính… khiêu khích và sẽ nhấn mạnh vào hai chữ đó cho lý thú nhé”. Phóng viên trẻ đồng ý nhưng khi bài đăng thì đoạn tung hứng mở đầu vui vẻ của chị không còn nữa, trong lúc chữ sáng ra của bạn vẫn y nguyên, càng trở nên trịch thượng so với câu trả lời nhã nhặn của chị. Dù sao, như các trường hợp bên trên đây chỉ là sự vô ý trong chữ nghĩa.

Đã mười năm nhưng câu chuyện của Đơn Dương vẫn làm nhiều người day dứt. Năm 2000 khi hai cuốn phim truyện We Were Soldiers và Green Dragon công chiếu ở Mỹ, Đơn Dương bị một số người trong nước lên án gay gắt. Chuyện thật ra khá đơn giản: Đơn Dương, với tính cách đơn giản, suy nghĩ đơn giản, lao động nghệ thuật xả thân, cộng chút kỳ vọng vươn ra quốc tế, đã thiếu cân nhắc khi nhận đóng những vai có thể gây phản ứng cho khán giả không phân định tính tài liệu và hư cấu. Đó là một lỗi (ở Việt Nam) chỉ cần kỷ luật của cơ quan chức năng là đủ, nhưng bằng những cái tít nâng quan điểm “Đơn Dương – kẻ phản quốc – hãy trừng trị nghiêm minh”, “Đơn Dương: tên thú hoang lạc bầy”…, một số người đã kết tội Đơn Dương trước luật pháp.

Chúng khẩu đồng từ, cơn lũ chữ không kiểm soát được khi đó đã khiến người diễn viên quẫn trí, sợ hãi. Một lần nữa tính cách giản đơn đã đẩy Đơn Dương tuột về phía thâm tâm không muốn. Hai bộ phim kia đã đi vào lãng quên và không gây ảnh hưởng gì ghê gớm, nhưng một tài năng thật sự của điện ảnh Việt Nam thì vĩnh viễn ra đi.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng nói nguyên nhân khiến Đơn Dương qua đời đột ngột là do thường xuyên sống trong trầm cảm xa nghề, xa đất nước. Rằng qua điện thoại với anh, Đơn Dương từng bày tỏ ý định tự sát.

Những lần như thế, anh chỉ biết động viên, khuyên nhủ bạn nhưng “những nỗi sợ, lo lắng mơ hồ cản trở anh quay về”. Chữ “mơ hồ” đúng mà không đúng. Đúng bởi những sát ngữ không phải của số đông rồi sẽ phôi phai. Không đúng vì chúng hiện hữu trên những tên báo khiến bất kỳ ai cũng nao núng, khiếp đảm. Người viết tin rằng sau cái chết của Đơn Dương, không phải một lần, và không phải một người đã nhận ra tính nghiệt ngã trong những cuộc lên đồng chữ.

Cùng với nhà văn, nhà đạo diễn khi đó, một nhà biên kịch cũng phát biểu điềm tĩnh về cuộc ra đi của Đơn Dương: “Rồi trong cơn giận dỗi bốc đồng nhạy cảm của nghệ sĩ, Đơn Dương xin định cư ở Mỹ. Thật tiếc cho anh. Bởi từ trước tới khi đó, Đơn Dương luôn được giới truyền thông chiều chuộng, không có kinh nghiệm ứng xử với xì căng đan. Gần mười năm đã trôi qua, sự việc cũng dần vào quên lãng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Nghe tin anh sắp trở về nhưng đã phải ra đi, có điều gì đó day dứt cho anh, cho tôi, cho chúng ta”. Nhưng oái oăm thay, cũng chính nhà biên kịch với những câu chữ chắt lọc đó lại nhận xét rất khệnh khạng về tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư: “Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận thể hiện cái nhìn người rất rạch ròi, có phần hoang dại. Nếu nhà văn là người sâu sắc hơn, hẳn sẽ nhìn người đẹp hơn. Muốn như vậy cần phải được thanh lọc về văn hóa hơn nữa. Cho nên, truyện dài Cánh đồng bất tận không thể ra khỏi biên giới Việt Nam, không đạt đến tầm nhân loại”.

Nghề báo là nghề của câu chữ nhưng trước khi trau rèn kỹ thuật, chữ và tâm của nhà báo phải mang tính văn hóa, nhân văn. Như than, chữ có thể thiêu đốt uy tín/sự nghiệp của con người, kể cả người viết ra chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới