Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ động để thành công khi AEC thành lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ động để thành công khi AEC thành lập

Ngọc Hùng thực hiện

Ông Lê Quang Lân. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Năm 2015 Đông Nam Á sẽ trở thành một thị trường thống nhất với tên gọi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, TBKTSG Online đã trao đổi với tiến sĩ Lê Quang Lân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, bên lề Hội thảo Phổ biến về các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, tại TPHCM ngày 30-6.

>> ASEAN – những cánh cửa mới

>> ASEAN bàn việc dùng đồng tiền một khối

>> Hướng tới thị trường lao động chung ASEAN

TBKTSG Online: Đâu là những yếu tố quyết định thành công của Cộng đồng kinh tế ASEAN, thưa ông?

– Ông Lê Quang Lân: Yếu tố chính quyết định đến sự thành công của Cộng đồng kinh tế ASEAN là quá trình tự do hóa thương mai hàng hóa. Hiện 98,8% dòng thuế suất của ASEAN đều ở mức 0%. Đây là cơ sở để hàng hóa của các nước có thể có mặt tại bất kỳ đâu ở tất cả các nước.

Ngoài ra, các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ phải loại bỏ các hàng rào phi thuế quan giữa các nước, cùng xây dựng hải quan một cửa ASEAN (ASW)… Nghĩa là sản phẩm của một công ty sản xuất của Việt Nam có thể bán tại Singapore, Thái Lan mà không phải chịu một mức thuế nào cả. Lúc này biên giới địa lý giữa các nước không còn là rào cản làm cản trở hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xâm nhập vào các nước trong cộng đồng và ngược lại người tiêu dùng Việt Nam có thể mua được những sản phẩm sản xuất từ các nước trong khu vực với mức giá bằng nơi sản xuất.

Bên cạnh đó, tất cả các nhà đầu tư được tự do đầu tư trực tiếp tại bất kỳ nước nào trong khu vực với những ưu đãi, những gói cam kết mới, thông thoáng hơn. Các doanh nghiệp thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN tự do hóa luồng lưu chuyển vốn, phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu ASEAN giữa các nước cũng dễ dàng hơn.

Cùng với đó, lao động có tay nghề được công nhận lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực được di chuyển tự do để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn, có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.

TBKTSG Online: Tại sao ASEAN đã có Khu vực mậu dịch tự do (AFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), và Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) mà vẫn cần xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015?

– Đơn giản là vì Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hội nhập ASEAN nhanh hơn nữa sau khi lộ trình cắt giảm thuế quan AFTA hoàn thành và đó là chìa khóa quan trọng để thực hiện “Tầm nhìn ASEAN 2020”.

TBKTSG Online: Theo ông, đâu là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập?

– Thực tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN đang được các nước trong khu vực hiện thực hóa từng bước để hoàn thành trước năm 2015. Hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN đã qua 73% chặn đường và 5 năm còn lại không dài. Trong vài trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện được 100% mục tiêu sau khi kết thúc nhiệm kỳ của mình.

Đứng trên khía cạnh doanh nghiệp, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ có một thị trường rộng lớn hơn, dễ dàng huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực giỏi từ các nước trong khu vực. Tuy nhiên, thách thức mà các doanh nghiệp đối mặt là không ít, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa vào nhỏ, là sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn, có thể đánh mất thị phần ngay trên sân nhà mà doanh nghiệp đã gầy công xây dựng trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015.

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lường trước những khó khăn, thuận lợi ngay từ bây giờ để có thể hội nhập sâu rộng hơn vào một cộng đồng kinh tế chung sau năm 2015. Vì đó là một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới