Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ động rà soát Luật Doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ động rà soát Luật Doanh nghiệp

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Khoảng 54 vấn đề với hơn 100 điều khoản của Luật Doanh nghiệp (DN) và các luật, nghị định có liên quan đang được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI)… rà soát nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Sáng ngày 16-8, một cuộc hội thảo về rà soát Luật DN đã diễn ra tại Hà Nội, mở đầu cho dự án nói trên.

>> Rà soát văn bản pháp luật – Luật Doanh nghiệp 2005

Theo nhiều chuyên gia tại hội thảo, việc sửa đổi sẽ mang lại kết quả nếu nhìn nhận đúng vai trò của Luật DN và tư duy quản nhà nước phải chuyển từ việc quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang việc hỗ trợ, phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Duy Bình cho rằng tư duy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng nào sẽ quyết định vai trò của Luật DN theo hướng đó. Luật gia Cao Bá Khoát, người chịu trách nhiệm chính trong quá trình rà soát Luật DN hiện tại, nói rằng việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đã có những đổi mới trong thời gian gần đây.

Đó là việc chuyển từ tư duy không quản được thì cấm, quản lý theo kiểu xin – cho là chủ đạo sang tư duy tìm kiếm công cụ quản lý thay thế; điều chỉnh dần từ phương pháp hành chính – mệnh lệnh (là chủ yếu) sang quản lý bằng hành chính – phục vụ. Tuy nhiên, do thái độ hỗ trợ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp chưa được thể hiện một cách rõ ràng trong các quan điểm, tư duy quản lý từ trung ương đến địa phương nên đã có hàng loạt khiếm khuyết, bất hợp lý trong thực tiễn, gây tác động lớn đến việc ra đời và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Khoát, do chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành, mỗi cấp đối với doanh nghiệp nên Luật DN đã bị chồng chéo, mâu thuẫn với các luật và quy định có liên quan. Ông Bình khẳng định rằng vị trí của Luật DN xét cho cùng chỉ có ý nghĩa khẳng định sự thành lập của doanh nghiệp.

Các vấn đề liên quan đến hoạt động thế nào, đủ điều kiện hay không đủ điều kiện phải theo luật chuyên ngành vì có nhiều ngành nghề hoạt động đặc thù buộc phải có luật điều chỉnh. Nhưng do tư duy và tâm lý của các cơ quan quản lý đều mang nặng tư tưởng “cấp phép”, “xin – cho” nên việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã bị vận dụng méo mó từ nhiều năm nay.

Luật gia Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải, nhấn mạnh việc sửa luật là nhằm mục đích nâng cao tính phục vụ trong thực tiễn, áp dụng luật chứ không phải quản chặt hơn. Ví dụ như hệ thống đăng ký kinh doanh được đánh giá là tiến bộ nhất, đơn giản nhất và thậm chí là thành công nhất trong số các cải cách hành chính, nhưng theo ông Đức, thực tế vẫn là cơ chế xin – cho vô cùng phức tạp, là cấp phép thành lập chứ không phải đăng ký thành lập.

Ông Đức cho rằng nhận thức của cơ quan thực thi pháp luật chỉ muốn quản chặt nên mọi việc trở nên như vậy. Vì vậy, Luật DN nên được rà soát, sửa đổi theo hướng hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp. Ông ví dụ như việc đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ là kiểm tra bộ hồ sơ có đầy đủ các đầu mục văn bản như quy định hay không. Nếu hợp lệ rồi thì cho đăng ký, không cần biết doanh nghiệp đó làm đúng hay không đúng. “Việc tranh chấp trong quá trình thành lập doanh nghiệp và trong quá trình hoạt động thuộc quyền của các cổ đông, của cơ quan pháp luật khác như công an, t òa án, nơi đăng ký doanh nghiệp không làm thay quyền của họ”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới