Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ động với nghĩa vụ WTO

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ động với nghĩa vụ WTO

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Đang có một suy nghĩ phổ biến trong một số tổ chức thương mại quốc tế tại Việt Nam cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là ở năm thứ ba gia nhập WTO, Việt Nam coi việc thực hiện các cam kết quốc tế như một nghĩa vụ và thiếu tính chủ động trong việc đón đầu và thực thi cam kết.

Sức ép

Bước vào năm thứ ba Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tập hợp các vấn đề thương mại và kiến nghị cho năm 2010 thành một tập sách, trong đó tóm tắt một số việc mà họ cho rằng đang ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Thậm chí, với EuroCham, các vấn đề này sẽ được đem ra làm căn cứ để “lưu ý” xem xét trong tiến trình đàm phán hiệp định tự do thương mại giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam.

Điều được nhắc đến nhiều nhất là việc Việt Nam đã phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO từ năm 2009 và đến năm 2010 là mở cửa tiếp các thị trường xi măng, clinker, vỏ xe (ngoại trừ vỏ máy bay), giấy, sắt thép, thiết bị nghe nhìn, rượu và phân bón. Song, theo các nhà đầu tư nước ngoài, đến nay lĩnh vực phân phối và bán lẻ của Việt Nam vẫn là ngành được bảo hộ, do Việt Nam áp dụng quy định “Thẩm định nhu cầu kinh tế” (ENT), được xây dựng dựa vào ba tiêu chí: 1) số lượng các cơ sở bán lẻ trên một khu vực địa lý; 2) sự ổn định của thị trường; 3) quy mô của khu vực địa lý đó.

Do Thông tư 09/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định 23 về hoạt động mua bán và phân phối hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (có nêu các tiêu chí này) không có hướng dẫn chi tiết, nên phía EuroCham cho rằng việc diễn giải các tiêu chí hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, đã có tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài mở văn phòng giao dịch (không phải là cơ sở bán lẻ) để thực hiện các chức năng như trung tâm dịch vụ hoặc bảo hành sản phẩm nhưng vẫn phải trải qua các bước thẩm định ENT như mở cơ sở bán lẻ.

Trong cuộc hội thảo gần đầy về việc Việt Nam gia nhập WTO, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng đề cập vấn đề này. Ông cho hay tuy thị trường bán lẻ nước ta quy mô không lớn nhưng tốc độ phát triển nhanh nên Việt Nam liên tục được xếp thứ hạng cao về chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ (GRDI) (từ cách đây hai năm đã được hãng tư vấn Mỹ A.T.Kearney xếp hạng 4/7 quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới). Theo ông Nguyễn Mại, sức hấp dẫn cộng với điều kiện mở cửa theo cam kết của WTO là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài không muốn đợi lâu hơn nữa.

Giải thích về sức ép mở cửa đối với Việt Nam mỗi ngày một lớn, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng mong muốn của các nhà đầu tư xuất phát từ “cuộc cách mạng dịch vụ” đang diễn ra trên thế giới. Ông nói: “Ngày nay thế giới không nói đến cuộc cách mạng công nghiệp nữa mà là thời của cách mạng dịch vụ”. Vì sao? Theo ông Thành, (i) dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn; (ii) tạo ra chất lượng cuộc sống cao; (iii) dư địa cho phát triển dịch vụ còn nhiều. “Kinh tế thế giới tạo ra giá trị gia tăng phần lớn nhờ lĩnh vực dịch vụ (60%) nhưng ở Việt Nam con số này chưa đến 30%”. Năm 2009, GDP của Việt Nam tính theo giá thực tế khoảng 92 tỉ đô la Mỹ, như vậy riêng lĩnh vực dịch vụ trị giá khoảng 20 tỉ đô la – một thị trường mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều muốn có phần. Do vậy, khi chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ và phân phối vào năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi Việt Nam phải có các hướng dẫn cụ thể hơn nữa trong việc cấp phép là điều dễ hiểu.

Ông Thành nói rằng tính chủ động của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết với WTO không nên là im lặng hoặc chậm đề ra các hướng dẫn chi tiết cho việc cấp phép. Như vậy dễ bị hiểu rằng có phân biệt đối xử, vi phạm nguyên tắc của WTO. Hay nói khác đi, “giữ” lại được công cụ ENT trong quá trình đàm phán là một việc nhưng việc “dùng” nó thế nào cho linh hoạt thực sự là vấn đề.

Ông Thành nói vui, thậm chí chúng ta có thể đề ra các quy định: “Có thể mở bệnh viện 100% vốn nước ngoài nhưng bác sĩ phải nói tiếng Việt giỏi như người Nghệ An”.

Trở lại với những đề xuất nghiêm túc, ông Thành cho rằng khi Nhà nước quyết định kéo dài thời gian hay không đẩy nhanh hơn việc thực hiện một số cam kết thì phải xem việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế vĩ mô thế nào, đến người tiêu dùng Việt Nam ra sao, các ngành sản xuất có liên quan tăng hay giảm… để chủ động đề ra các hướng dẫn với “liều lượng” cụ thể, thay vì lúc thì mở quá rộng lúc lại siết quá chặt mà không kèm theo những lời giải thích.

Chủ động nữa ở đâu?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Thư ký Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lại nhìn nhận việc thiếu tính chủ động của Việt Nam trong việc thực thi cam kết về mở cửa thị trường không lớn bằng việc Việt Nam chưa tận dụng các lợi thế trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài (điều mà các doanh nghiệp nước ngoài đã tận dụng rất tốt trong việc tạo sức ép như đã nói ở trên). Cùng với việc mở cửa thị trường nội địa, các thị trường nước ngoài cũng phải mở cửa cho hàng Việt Nam.

Nhưng thực tế doanh nghiệp không biết nhiều. Ví dụ: chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho hàng ngàn mặt hàng ở rất nhiều thị trường mà Việt Nam được hưởng còn thấp hơn cả các cam kết cắt giảm theo lộ trình của WTO nhưng cụ thể là những mặt hàng nào thì doanh nghiệp chưa rõ hoặc chưa được các cơ quan quản lý cung cấp đầy đủ.

Trong quá trình thành lập Ủy ban chính sách thương mại quốc tế (sắp ra đời) để cung cấp cho doanh nghiệp các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, VCCI đã liên hệ với cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Công Thương, nơi nào cũng có văn bản nhưng không nơi nào có đủ hoặc quản lý theo hệ thống.

Sự thiếu chủ động khác, theo bà Trang, là do hạn chế về năng lực cạnh tranh và thiếu sự chuẩn bị để “đón đầu” lộ trình cam kết.

Ngay trong việc khởi kiện các vi phạm WTO, Việt Nam hiện mới dừng ở mức quan sát. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam tham gia một số vụ kiện để học hỏi kinh nghiệm với tư cách là bên thứ ba, chứ không được hưởng lợi hay thiệt hại gì. Như vụ Thái Lan khởi kiện Mỹ về quyết định chống bán phá tôm nước ấm đông lạnh vào Mỹ cách đây ba năm, Việt Nam đã làm như vậy.

Còn nếu chủ động bước qua được tư cách “người thứ ba”, đứng ra làm nguyên đơn khởi kiện, Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc ứng xử với các cam kết quốc tế tại thị trường nội địa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới