Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ hàng đang lo lắng vì tàu Hanjin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ hàng đang lo lắng vì tàu Hanjin

Hồng Phúc

Chủ hàng đang lo lắng vì tàu Hanjin
Một tàu chở hàng của Hanjin. Ảnh: worldmaritimenews.com

(TBKTSG Online) – Các chủ hàng và các nhà trung chuyển hàng hóa đang sử dụng dịch vụ của hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc Hanjin đang đứng ngồi không yên vì việc hàng xuất đi và nhập về đang kẹt trên các con tàu của hãng này.

Tàu của Hanjin trong những ngày này không dám ghé nhiều cảng quốc tế ở châu Á, châu Âu và Mỹ do sợ bị giữ tàu sau khi hãng gặp nguy cơ phá sản.

Theo tin từ giới kinh doanh vận tải biển, hiện các chủ hàng ở Việt Nam liên quan đến Hanjin đang rất lo lắng vì việc giải phóng hàng hóa của họ trên các con tàu của hãng này phải đợi các phán quyết từ Tòa án trung tâm quận Seoul (Hàn Quốc) mà các quyết định này thường được ban hành sau một vài tháng. Các cảng ở Trung Quốc và Tây Ban Nha đã từ chối tiếp nhận các tàu của Hanjin cập cảng.

Tin từ một số công ty logistics tại TPHCM xác nhận, hiện tại văn phòng Hanjin Việt Nam đã có sự thay đổi về việc cược container cho hàng nhập khi tới lấy lệnh, các mức phí đã đươc tăng lên đáng kể. Giá cược container cho hàng khô là 8 triệu đồng với 20 feet và 16 triệu đồng cho 40-45 feet. Với container lạnh lần lượt là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng.

Hanjin là hãng tàu container có đội tàu lớn thứ 7 thế giới, là một trong những hãng tàu đầu tiên bỏ vốn vào thị trường cảng biển Việt Nam. Hanjin Shipping trước đây có trên 20% vốn tại cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép, nhưng trong năm nay Hanjin Shipping đã bán lại phần vốn này cho Hanjin Transportation.

Công ty này cùng với Tân Cảng Saì Gòn, Mitsui OSK Line và Wanhai Lines, Khu cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) mở khu cảng chuyên biệt tại Cái Mép, mở một số tuyến vận tải nối thẳng từ các cảng Việt Nam đi quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ của hãng tàu này. Hanjin Shipping có nhiều hoạt động tại Việt Nam trong những năm qua.

Theo báo chí quốc tế, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc Korean Development bank (KDB), hiện cũng là chủ nợ lớn nhất của Hanjin, ngày 30-8 vừa qua thông báo ngừng hỗ trợ tài chính cho Hanjin Shipping. Ngày hôm qua, 31-8, Hanjin cũng đã đệ đơn lên tòa án quận Seoul xin tiếp quản và phong tỏa tài sản của mình sau khi mất sự hỗ trợ từ ngân hàng KDB.

Trước đó, theo báo cáo tài chính của Hanjin, họ đã nợ khoảng 5 tỉ đô la Mỹ tại thời điểm cuối năm 2015. Cũng trong năm 2015 Hanjin đã đệ đơn lên các chủ nợ và Ngân Hàng KDB về việc tái cấu trúc nợ và gói cứu trợ để bù lại việc cắt giảm tài sản và cắt giảm chi phí thuê tàu, nhưng chủ nợ chính là ngân hàng KDB đã không hồi đáp thông điệp này. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc đã cảnh báo rằng nếu không có các khoản cắt giảm đáng kể trong giá thuê tàu thì chính phủ sẽ không còn lựa chọn nào khác là buộc phải để hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc nằm dưới sự kiểm soát của các chủ nợ.

Hiện hãng có 95 tàu container đang hoạt động nhưng trong đó 58 tàu là được thuê lại. Số tàu chở hàng rời và chở nguyên liệu lỏng là 56 tàu nhưng 33 tàu là được thuê lại.

Sắp tới thì tòa án Seoul sẽ quyết định liệu hãng này sẽ tồn tại hay phá sản. Nếu phá sản thì đây sẽ là vụ phá sản của hãng tàu container lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử ngành hàng hải. Quá trình này sẽ được diễn ra trong vòng 1 đến 2 tháng.

Hanjin Group là công ty mẹ hiện đang là chủ sở hữu hãng tàu Hanjin lớn nhất Hàn Quốc và còn là ông chủ của hãng hàng không Korean Airline.

Giới kinh doanh cho hay năm 2016 đang ghi nhận những khó khăn lớn với ngành vận tải biển quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới