Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chu kỳ hai tháng của Covid-19

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tờ New York Times cho rằng rất có thể dịch Covid-19 bùng phát tại một nơi nào đó, đạt đỉnh rồi giảm dần theo chu kỳ hai tháng; tờ báo này đã quan sát các đợt thăng trầm dịch bệnh vừa qua tại nhiều nước để điều tra xem thử có hay không một chu kỳ như thế. Ngay cả biến chủng Delta với mức độ lây nhiễm cao hơn nhiều cũng không nằm ngoài quy luật kỳ lạ này.

Tại Ấn Độ, ngay sau khi xuất hiện biến chủng Delta vào mùa đông năm ngoái, số ca nhiễm tăng mạnh trong hơn hai tháng một chút rồi giảm cũng với tốc độ mạnh không kém. Ở Anh, số ca nhiễm tăng đúng hai tháng trước khi đạt đỉnh vào tháng 7. Ở Indonesia, Thái Lan, Pháp, Tây Ban Nha và một số nước khác, tờ New York Times cũng ghi nhận mức tăng nhanh chóng các ca nhiễm chủng Delta kéo dài trong khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng thì bắt đầu giảm dần.

Ngay cả ở Mỹ, ở các tiểu bang nơi biến chủng Delta làm số ca nhiễm tăng vọt thì chu kỳ hai tháng này cũng bắt đầu có tác dụng; số ca nhiễm mới ở các bang Arkansas, Florida, Louisiana, Mississippi và Missouri đạt đỉnh vào giữa tháng 8-2021 và từ đó bắt đầu giảm dần. New York Times đặt câu hỏi liệu có hay không một chu kỳ hai tháng kỳ bí tác động lên mức tăng giảm đại dịch Covid-19 và liệu đợt bùng phát dịch tại Mỹ do biến chủng Delta gây ra cuối cùng sẽ theo chu kỳ này?

Liệu có hay không một chu kỳ hai tháng kỳ bí tác động lên mức tăng giảm đại dịch Covid-19 và liệu đợt bùng phát dịch tại Mỹ do biến chủng Delta gây ra cuối cùng sẽ theo chu kỳ này?

Tờ báo đã phỏng vấn các chuyên gia dịch tễ và chính họ cũng thừa nhận không thể giải thích được hiện tượng tăng giảm theo chu kỳ hai tháng này.

Chẳng hạn, ông Michael Osterholm, một nhà dịch tễ học tại Đại học Minnesota trả lời: “Chúng ta thật sự vẫn còn ở trong giai đoạn “ăn lông ở lỗ” xét theo khía cạnh hiểu biết cách thức con virus phát triển, chúng lan truyền như thế nào, chúng bùng phát và kết thúc như thế nào, tại sao chúng tiến triển như thế”. Thế nhưng các chuyên gia này cũng cho rằng có hai cách giải thích có thể chấp nhận được.

Cách thứ nhất liên quan đến chính con virus. Thay vì lan truyền cho đến khi lây nhiễm cho người cuối cùng, rất có thể con virus lây lan theo đợt và các đợt này lại kéo dài một quãng thời gian như nhau. Vì sao? Có người có cơ địa dễ bị biến chủng như Delta lây nhiễm và một khi đa số những người này đã bị phơi nhiễm, virus sẽ rút lui chờ đến khi xuất hiện một biến chủng mới để tạo ra một chu kỳ mới (hay cho đến khi một nơi nào đó đạt mức miễn dịch cộng đồng).

Cách giải thích thứ nhì dựa vào hành vi của con người. Con người đâu có di chuyển một cách ngẫu nhiên trên thế giới; họ sống thành từng cụm, từng cộng đồng. Rất có thể con virus cần chừng hai tháng để lan truyền khắp một cụm nào đó, lây nhiễm cho những người dễ lây nhiễm nhất.

Sẽ xuất hiện một chu kỳ mới khi người ta mở toang cộng đồng như trong một sự kiện, một kỳ nghỉ chẳng hạn. Cũng có thể con người hành xử theo chu kỳ dựa vào mức độ có những biện pháp phòng ngừa Covid-19 chặt hay lỏng hơn trước, tùy theo mức quan ngại của người dân. Cho dù giải thích như thế nào, chu kỳ hai tháng là đã từng xảy ra trước khi có biến chủng Delta, lặp đi lặp lại mấy lần trong năm ngoái và đầu năm nay.

Tờ Pharmaceutical Technology cũng chia sẻ nhận định con virus gây nhiễm Covid-19, bất kể thuộc biến chủng nào, có số phận thăng trầm theo chu kỳ hai tháng; trong mỗi chu kỳ là một biến thể, chu kỳ mới sẽ có biến thể mới. Trong một bài viết đăng ngày 1-9, tờ này cho rằng trong 10 nước có số ca nhiễm cao nhất thì Iran, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Colombia và Argentina đã ghi nhận số ca mắc hàng ngày giảm dần trong vòng 14 ngày trước đó.

Tuy nhiên tờ New York Times cũng thận trọng chỉ ra có nhiều ngoại lệ cho chu kỳ hai tháng này ở một số nơi trên thế giới. Chẳng hạn ở Brazil số ca nhiễm tăng giảm không theo quy luật nào rõ rệt cả. Ở Anh, số ca nhiễm do chủng Delta có giảm sau hai tháng nhưng chỉ giảm được vài tuần rồi tăng trở lại; ở đây việc gỡ bỏ các biện pháp giãn cách đóng vai trò lớn. Ở Mỹ rất có thể việc các trường bắt đầu nhận học sinh trở lại có thể phá vỡ chu kỳ hai tháng khi gây ra một đợt bùng phát kế tiếp, tạo một đỉnh dịch kéo dài.

Cuối cùng, vaccin vẫn đang là yếu tố quan trọng nhất để chặn đường Covid-19 vì vaccin làm giảm mạnh số ca bệnh nặng phải nhập viện và số ca tử vong. Dù có chu kỳ hai tháng hay không, số ca tử vong ở Anh hiện nay chỉ còn bằng một phần mười số ca tử vong vào tháng Giêng. Và ở một số nước, tỷ lệ chủng ngừa cao đã phá vỡ chu kỳ hai tháng này do con virus không tìm ra người để lây nhiễm. Cả ở Malta và Singapore, mức tăng ca nhiễm mới chỉ kéo dài chừng hai tuần là sau đó giảm ngay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới