Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chữ ký số vẫn ít được sử dụng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chữ ký số vẫn ít được sử dụng

Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Chữ ký số được xem là một công cụ đảm bảo an toàn trong việc trao đổi thông tin, và đặc biệt là giao dịch thương mại qua mạng, nhưng đến nay dịch vụ này chỉ mới được sử dụng chủ yếu trong dịch vụ công.

Theo một khảo sát mới đây của Bộ Công Thương được ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết hôm 24-8, hiện có nhiều rào cản khiến doanh nghiệp ngần ngại tham gia thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, lo ngại về tình hình an ninh mạng, như sợ mất số thẻ tín dụng, hay bị lộ thông tin cá nhân, là những trở ngại lớn nhất.

Theo ông Linh, chữ ký số được xem là giải pháp an toàn giúp phát triển thương mại điện tử. “Chữ ký số là biện pháp hiện đại hiện nay để xác định người gửi và nội dung thông tin trong các giao dịch trên môi trường Internet”, ông nói.

Theo đó, chữ ký số giúp đảm bảo bí mật thông tin, cũng như tránh những trường hợp mạo danh, chỉnh sửa các văn bản trong kinh doanh và trong hoạt động cấp giấy phép hay các dịch vụ công khác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Ứng dụng trên đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước, như thanh toán điện tử, mua bán, đấu thầu, giáo dục và y tế.

Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho việc áp dụng chữ ký số, và có 5 đơn vị được phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, gồm VNPT, Viettel, Bkis, Nacencomm và FPT. Theo ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm chứng thực chữ ký số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), giá dịch vụ chữ ký số không cao, chỉ khoảng từ 2-3 triệu đồng/doanh nghiệp/năm, và khoảng 300.000 đồng/cá nhân/năm.

Tuy nhiên, tính đến tháng 7-2010, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông, cơ quan đầu tiên cấp chứng chỉ thư (một tệp tin điện tử để xác định danh tính, giống như chứng minh nhân dân, được dùng để tạo ra chữ ký số tùy theo nội dung từng văn bản), đã cấp được 3.500 chứng chỉ thư cho 2.500 doanh nghiệp. Và, các chứng chỉ thư này chủ yếu được dùng cho các dịch vụ công, như xin giấy phép nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ điện tử và giấy xác nhận khai báo hóa chất qua mạng.

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ thẻ Nacencomm, mặc dù đã có hành lang pháp lý cho việc sử dụng chữ ký số, tuy nhiên quy trình thực hiện và chấp thuận các văn bản điện tử chữ ký số chưa rõ ràng, và gây khó khi vẫn duy trì hai hình thức văn bản giấy và văn bản điện tử.

Một khó khăn nữa là, hiện chữ ký số do Việt Nam chứng thực cũng chưa được các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số các nước khác công nhận.

Dự kiến đến năm 2012, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên cung cấp trực tuyến các dịch vụ công ở mức độ 3 và 4, tức việc khai hồ sơ và xử lý hồ sơ sẽ được tiến hành hoàn toàn trên mạng.

Tổng cục Thuế cũng dự kiến cung cấp dịch vụ kê khai và nộp tờ khai thuế qua mạng cho doanh nghiệp và cá nhân. Theo ông Linh, có thể trong thời gian ngắn sắp tới mỗi người dân sẽ có chữ ký số để khai thuế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới