Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch EuroCham: Các nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ tịch EuroCham: Các nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn

Mộng Bình thực hiện

Ông Alain Cany

(TBKTSG Online) – Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận định về cơ hội của Việt Nam sau Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 (WEF Đông Á), diễn ra tại khách sạn InterContinental Asiana Sài Gòn trong hai ngày 6 và 7-6 tới.

TBKTSG Online: Việt Nam đã thu hút được hơn 60 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký cho các dự án FDI năm 2008, sau Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội năm 2006 và việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Phải chăng FDI sẽ vươn tới cột mốc mới sau WEF Đông Á?

– Ông Alain Cany: WEF Đông Á là một sự kiện tốt, quan trọng để Chính phủ Việt Nam tiếp thị đất nước đến với các nhà đầu tư và cho họ biết những nỗ lực mà Chính phủ đã và đang thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh. Về lĩnh vực thu hút đầu tư, chúng tôi tin rằng trong các năm sắp tới Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì đất nước này vẫn là điểm đến hấp dẫn. Nhưng, tôi cho rằng điều quan trọng là cần tập trung đẩy mạnh vốn giải ngân hơn là vốn cam kết. Vẫn còn những vấn đề liên quan mà nền kinh tế Việt Nam cần phải giải quyết như thâm hụt thương mại cần phải được giữ ở mức độ cho phép, lạm phát không được vượt quá 8-9% khi tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 6-7% và các vấn để khiến tiền đồng yếu cần giải quyết sớm.

Chúng ta nên nhớ rằng sau ba năm gia nhập WTO và hai năm suy thoái kinh tế toàn cầu, thời kỳ “trăng mật” – khi Việt Nam được biết đến như là ngôi sao đang lên tại khu vực – đã qua. Sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư vẫn còn đó khi đem so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, khủng hoảng đã buộc các nhà đầu tư phải chọn lựa, phải thận trọng hơn đối với các chiến lược đầu tư và săm soi các triển vọng kinh tế vĩ mô kỹ hơn so với hơn 2-3 năm về trước.

WEF Đông Á được tổ chức tại TPHCM là một cơ hội tốt để Việt Nam cho các nhà đầu tư thấy mình đang nghiêm túc thực hiện các kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách và thực hiện cam kết đối với WTO, cũng như các chính sách quản lý kinh tế hiệu quả để đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, lạm phát và thâm hụt thương mại. Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực để duy trì động lực thu hút dòng vốn FDI có chất lượng cao và tránh để các nhà đầu tư mất kiên nhẫn đối với tốc độ và lĩnh vực cải cách.

Đúng là còn nhiều vấn đề còn tồn tại, nhưng dù sao nhiều nhà đầu tư vẫn cứ lựa chọn Việt Nam do thị trường này đang phát triển và nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn mạnh?

– Tất nhiên! Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất trong khu vực, và nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh cùng với triển vọng về dân số (dân số đông, trẻ…) và giá thành của ngành sản xuất cạnh tranh cao sẽ duy trì tính hấp dẫn cho thị trường này. Cần biết rằng, khi các nhà đầu tư đã cận trọng hơn và mong chờ những tín hiệu tích cực từ Chính phủ, chúng ta cần phải đẩy mạnh cải cách để chuẩn bị thu hút nguồn vốn đầu tư FDI trong tương lai.

Thủ tục hành chính rườm rà vẫn là một trở ngại trong việc thu hút đầu tư và do vậy, cần phải giảm nhiều các thủ tục hơn nữa. Vấn đề này đang được giải quyết theo Đề án 30, nhưng cần phải được tiếp tục đẩy nhanh. Cũng cần có một lộ trình cụ thể để cải thiện cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường cải thiện môi trường pháp lý. Các quốc gia ASEAN khác đang áp dụng hệ thống “one-stop shop” (chỉ cần liên hệ một cơ quan duy nhất) một cách hiệu quả đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Quá trình cấp phép đầu tư ở Việt Nam còn mất quá nhiều thời gian và tạo ra nhiều khó khăn không cần thiết cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, Chính phủ cần biết cách gửi các thông điệp đúng thông qua việc tiếp tục thực hiện WTO như đã cam kết. Sau cùng, điều quan trọng là không chỉ tận dụng giá lao động cạnh tranh mà cũng phải có chính sách hợp lý để phát triển chuỗi cung ứng nội địa để tăng thêm giá trị cộng thêm cho các sản phẩm Việt Nam. Nếu Chính phủ giải quyết tốt những vấn đề nêu trên thì nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm và chọn Việt Nam.

Việt Nam đã là thành viên của WTO và đang đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN 2010, vậy theo ông Việt Nam có thể đóng góp gì cho kinh tế khu vực và thế giới?

– Trở thành thành viên của WTO là một sự kiện quan trọng của Việt Nam và cho sự phát của đất nước này. Việt Nam đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu kinh tế mặc dù chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính khu vực. Tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng thành công đến như vậy.

Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ đang góp phần vào việc định hình lại nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ nên chưa thể có những ảnh hưởng quá lớn trong quá trình này. Nhưng, có nhiều ý kiến đồng thuận rằng vì Việt Nam có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc và có nhiều tiền năng, nên không thể bỏ qua vai trò của Việt Nam trong bất cứ một chiến lược phát triển nào.

FDI và xuất khẩu vẫn là hai đầu tàu quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng thị trường nội địa như hiện nay, chủ yếu đến từ lĩnh vực xây dựng và bán lẻ, chúng tôi thấy rằng ngành bán lẻ của Việt Nam đang tăng trưởng hơn 20%, và rõ ràng là Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc mở thêm thị trường.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, ngay cả trong giai đoạn kinh tế thế giới khó khăn và Việt Nam hiện đang giữ chức chủ tịch ASEAN, nên Việt Nam đúng là sự lựa chọn là nơi thích hợp cho WEF Đông Á. Đây sẽ là một cột mốc quan trọng khác giúp tăng sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ của các nhà đầu tư, và tất nhiên sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn FDI.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới