Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TPHCM cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lãnh đạo TPHCM cho biết một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà TPHCM thực hiện trong thời gian tới sẽ là xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn.

Chiều ngày 15-4, phát biểu tổng kết tại sự kiện gặp gỡ các doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin – truyền thông, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết nhiệm vụ quan trọng mà thành phố sẽ thực hiện ngay sau hội nghị là nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số.

Hai nhóm đối tượng được hỗ trợ hướng đến là doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi. “Nếu có cơ chế hợp lý thì thành phố sẽ thông qua để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số”, ông Mãi nhấn mạnh.

Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin vào chiều ngày 15-4. Ảnh: V.D.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA), đánh giá hiện nay thành phố vẫn ở trong bối cảnh “chờ cuộc cách mạng để thực hiện chuyển đổi số”.

Đại diện HCA đề xuất thành phố cần yêu cầu các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học – công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ngoài ra, cần phải đặt tiêu chí chuyển đổi số cho nhiều lĩnh vực khác nhau và có sự tương tác với người dân và doanh nghiệp.

Chẳng hạn như trước khi hoàn công xây dựng thì có thể nộp hồ sơ số để tiết kiệm và cơ quan quản lý có ngay dữ liệu để quản lý, hay các xã phường phải ứng dụng công nghệ thông tin. Thậm chí, các dự án sử dụng vốn kích cầu phải đảm bảo ứng dụng công nghệ như một điều kiện cho vay, sẽ hiệu quả hơn nhiều lần, ông Long nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), khó khăn đối với các doanh nghiệp thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vấn đề thiếu nguồn lực, hạn chế về mặt thông tin và tiếp cận công nghệ. Một thách thức khác là hiệp hội chưa có danh sách đối tác chuyển đổi số uy tín để giới thiệu, kết nối cho các doanh nghiệp thành viên.

Do đó, đại diện HUBA cho rằng thành phố cần phải có cơ chế đột phá, dẫn dắt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái chuyển đổi chung, kích cầu cho doanh nghiệp chuyển đổi số, cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ và hỗ trợ một phần kinh phí để thúc đẩy chuyển đổi số.

Bên cạnh cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết 4 nhiệm vụ quan trọng còn lại sẽ là chiến lược nguồn nhân lực, chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin, chiến lược dữ liệu, xây dựng “trung tâm công nghệ số – digital hub”. Ông Mãi cũng đề xuất thành phố có thể thành lập một diễn đàn số và trao đổi thường xuyên về câu chuyện chuyển đổi số với doanh nghiệp.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM, cho biết thành phố hiện nay đang thực hiện nhiều giải pháp trong chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, với 3 lĩnh vực trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Có 5 nhóm giải pháp lớn là đổi mới và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, phát triển nguồn nhân lực và an toàn thông tin.

Mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 25% GRDP của TPHCM và tăng lên mức 40% vào năm 2030. Năm 2022, kế hoạch đặt ra là đóng góp khoảng 15%. Theo ước tính sơ bộ của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), quy mô nền kinh tế số TPHCM năm 2021 chiếm khoảng 14,4%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới