Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch PNJ: Đừng để người lao động bị bỏ lại bên lề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ tịch PNJ: Đừng để người lao động bị bỏ lại bên lề

V.Dũng

(TBKTSG Online) – "Chúng ta thường nghĩ doanh nghiệp trả lương nuôi người lao động, nhưng nhìn nhận lại thì người lao động đang tạo động lực nuôi sống doanh nghiệp. Vì vậy trong hoàn cảnh khủng hoảng hiện nay doanh nghiệp không nên bỏ họ lại bên lề". Đây là chia sẻ của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tại diễn đàn trực tuyến “Cú đấm vào nền kinh tế và doanh nghiêp Việt” được tổ chức vào chiều 23-4.

Chủ tịch PNJ: Đừng để người lao động bị bỏ lại bên lề
Người đứng đầu PNJ cho rằng lãnh đạo không phải bỏ tiền nuôi người lao động mà chính họ mới tạo động lực nuôi sống doanh nghiệp. Ảnh: DNCC

Theo bà Dung, trong bối cảnh bị tác động nặng nề bởi Covid-19 như hiện tại việc cân đối bài toán nhân sự luôn là bài toán khó của doanh nghiệp. Vì vậy lãnh đạo doanh nghiệp cần phải cho người lao động biết tình hình thực tế để họ chia sẻ và giải bài toán cùng với mình.

Đưa ra kịch bản xấu nhất để chủ động

Theo bà Dung cuộc khủng hoảng trước đây (2008) doanh nghiệp cũng chỉ được nghe nhắc đến chứ chưa thực sự bị ảnh hưởng nhiều vì độ mở của nền kinh tế chưa lớn. Tuy nhiên lần này doanh nghiệp đang thực sự cảm thấy sống chung với khủng hoảng, nên cần ngồi lại với nhau để nhận thức rõ ràng và đầy đủ hơn về tác động của nó.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra kết quả kinh doanh quí 1 năm nay vẫn ghi nhận mức tăng trưởng, có thể đây là dư địa tăng trưởng được chuyển tiếp từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, quí 2 mới thực sự là đỉnh điểm của khủng hoảng, bởi một tháng đầu tiên (tháng 4) gần như tê liệt vì cách ly xã hội. Vì vậy doanh nghiệp cần đưa ra các kịch bản có thể diễn ra và nên tập trung vào kịch bản xấu nhất để chủ động ứng phó.

Không một ai có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng này, nên doanh nghiệp cần phải bình tĩnh xem lại mình ở đâu, trong trạng thái nào để chuẩn bị khắc phục. Nếu kịch bản sụt giảm 30% doanh số doanh nghiệp sẽ phải ứng phó thế nào, thậm chí còn phải tính đến kịch bản tồi tệ hơn thế nữa để bị sốc khi đối diện với thực tế.

Bà Dung cho rằng, bài toán nhân sự là điều quan trọng nhất phải ưu tiên giải ngay để doanh nghiệp vận hành ổn định cả trong và sau dịch. Doanh nghiệp cũng nên cho những nhân sự quan trọng hay kể cả nhân sự cấp trung biết tình cảnh khó khăn hiện tại. Từ đó lãnh đạo doanh nghiệp cần thỏa thuận và mong họ chia sẻ nhất là về tiền lương và khối lượng công việc.

“Vấn đề nhân sự không đơn thuần chỉ là các phương án tăng giảm số lượng mà văn hóa ứng xử với người lao động cần phải được xem xét thận trọng. Chúng ta có thể đưa ra bài toán, cùng họ giải quyết để họ có được sự đồng cảm và hướng tới việc đi đường dài với mình. Bản thân tôi luôn nhận thức, người lao động bỏ chất xám để phát triển doanh nghiệp, chính họ mới là đội ngũ nuôi sống doanh nghiệp chứ không phải chiều ngược lại”, bà Dung chia sẻ.

Thêm vào đó, đây cũng là thời gian doanh nghiệp nhìn lại những gì đã qua, nhìn lại quy mô, quy trình mà trước đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy trong thời gian giãn cách xã hội các nhân sự cấp cao phải có ý thức chủ động tăng khối lượng công việc lên cao hơn để hậu dịch phục hồi nhanh hơn. Xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp, văn hóa từng bộ phận hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

Điều kiện lý tưởng để chuyển đổi số

Chuyển đổi số (digital) là điều mà nhiều doanh nghiệp nhắc đến liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây nhưng chưa thể thực hiện triệt để. Mọi phương án đều được doanh nghiệp tính toán kỹ nhưng khâu quyết định là thay đổi tư duy của nhân viên rất khó trong điều kiện bình thường. Đó là lý do khiến việc chuyển đổi số của hầu hết doanh nghiệp chật vật trong thời gian qua.

Theo bà Dung, khoảng thời gian giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều đến quy trình thường nhật nhưng ở góc độ nào đó cũng mang tính tích cực. Đây là điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số mà đã bỏ lỡ nhiều năm qua. Bởi trong hoàn cảnh doanh nghiệp buộc phải số hóa phương thức vận hành thì quá trình chuyển đổi sẽ triệt để hơn, tạo ra bước ngoặt lớn trong hoạt động kinh doanh.

“Những ngày qua, PNJ đã bắt đầu nhìn nhận được lợi ích từ việc chuyển đổi số trên quy mô lớn. Điều này đã thay đổi vận hành cả những công đoạn chi tiết nhất từ đầu vào đến đầu ra, từ lãnh đạo đến cả nhân viên bán hàng. Chỉ trong một tháng áp dụng lãnh đạo doanh nghiệp có thể đo lường tính hiệu quả của việc giao tiếp nội bộ, giao tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nếu doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội này để đưa digital trở thành “hơi thở” của hoạt động kinh doanh thì lợi ích vô cùng lớn”, bà Dung nhận định.

Bên cạnh lợi ích về việc thay đổi tạo đột phá cho doanh nghiệp, “nữ tướng” của PNJ cũng kỳ vọng cuộc khủng hoảng này là cơ sở để có sự chuyển biến tích cực trong chính sách điều hành vĩ mô. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phục hồi sau khi dịch đi qua. Bà Dung cho rằng, đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam là có tính tích lũy lớn nên kỳ vọng họ có đủ nội lực để vượt qua cuộc khủng hoảng này.

“Kịch bản giảm doanh thu xấu nhất đã được doanh nghiệp dự tính thì cần xem xét dòng tiền để duy trì hoạt động bao lâu? Nếu doanh nghiệp đã có quá trình tích lũy thì đây giai đoạn quy mô hoạt động phải được cân đong, đo đếm thật kỹ. Đồng thời cũng là giai đoạn định hình rõ nét về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), những sản phẩm sau cải tiến đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ là cơ sở để rút ngắn quá trình phục hồi”, bà Dung chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới