Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch SCIC: “Không bán hết cổ phần Vinamilk thì mang về”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ tịch SCIC: “Không bán hết cổ phần Vinamilk thì mang về”

Hồng Phúc ghi

Chủ tịch SCIC:
Roadshow đợt bán 9% cổ phần của Vinamilk tại HOSE, TPHCM. Ảnh: Đức Nam

(TBKTSG Online) – Chiều nay 30-11 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi đã trả lời các câu hỏi từ các báo đài liên quan đến đợt bán 9% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do SCIC làm đại diện chủ sở hữu.

Thưa ông, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Vinamilk đã bị bán mạnh và giảm giá nhanh trong vài ngày qua, khi mà đợt đấu giá công khai khối lượng lớn cổ phiếu này sắp diễn ra ngày 12-12 tới, ông có e ngại?

– Ông Nguyễn Đức Chi: Nói thật, bước ra thị trường thì phải chấp nhận các quy luật vốn có của thị trường. Ai cũng thế, cả với người mua và người bán, nên chúng tôi đã công khai luật chơi và chấp nhận thị trường.

Việc bán ròng và mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán thường xuyên diễn ra, nên ta phải chấp nhận. Về thông tin cổ phiếu Vinamilk bị “dìm giá” trước ngày đấu giá, SCIC không dám bình luận việc họ bán ra mà chỉ công khai thông tin được phép. SCIC chỉ làm việc chính thống, công khai, tránh sự tác động tiêu cực của thị trường, có thể không loại trừ được hết nhưng chúng tôi xác định phải có giá sàn để đảm bảo tài sản không bị tác động tiêu cực.

Song tôi cũng tin tưởng khả năng thành công của chúng tôi. Đặc biệt, SCIC đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và bài bản, cố gắng ở mức cao nhất để đạt mục tiêu xuyên suốt cho đợt chào bán lớn này.

Ông lý giải thêm về việc quy định khối lượng đăng ký mua tối thiểu 20.000 cổ phần?

– Số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư cá nhân, pháp nhân đăng ký mua tối thiểu phải là 20.000 cổ phần vì phải đủ điều kiện để giao dịch thỏa thuận theo quy định tại Quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và các quy định của thị trường chứng khoán.

Thứ hai vì Chính phủ chỉ đạo bán cổ phần rộng rãi nên chúng tôi muốn nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu, vì thế đưa ra mức giới hạn tối thiểu như trên để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá.

Đây là lần đầu tiên SCIC công bố thông tin trên báo chí nước ngoài về việc bán cổ phần. Thông tin về việc triển khai bán cổ phần của SCIC tại Vinamilk đã được đăng trên báo nước ngoài như Bloomberg, Wall Street Journal, Reuters.

Vì sao mức giá khởi điểm đặt ra của đợt chào bán là 144.000 đồng/cổ phần, thưa ông?

– Căn cứ vào các phương pháp định giá khác nhau với cổ phần Vinamilk, giao dịch trung bình của cổ phiếu trong thời gian 1 tháng 30 phiên, 60 phiên và 90 phiên để tìm ra mức giá phù hợp thị trường và đạt kỳ vọng của chúng tôi để làm mức giá tối thiểu. Đó cũng là mức giá bán được kỳ vọng của Chính phủ.

Tuy nhiên, ngoài mức giá khởi điểm 144.000 đồng chúng tôi còn một “chốt chặn” thứ hai là giá sàn của ngày giao dịch. Nếu giá sàn cao hơn chúng tôi sẽ lấy giá sàn làm giá khởi điểm, nếu giá sàn thấp hơn chúng tôi lấy giá tối thiểu 144.000 đồng. Khi đó nếu thị trường có lên xuống nữa thì vẫn có những chốt chặn an toàn như vậy để bảo vệ giá trị tài sản nhà nước khi đấu giá.

Sau phiên đấu giá, nếu nhà đầu tư không mua hết cổ phiếu thì khối lượng còn thừa sẽ được xử lý như thế nào?

– Quy chế đợt chào bán cũng quy định nếu nhà đầu tư đặt khối lượng mua thấp hơn tổng số cổ phần chào bán nhưng có giá tốt chúng tôi vẫn bán, còn nếu giá không tốt thì sẽ không bán. Nếu còn thừa cổ phiếu thì mang về, vì SCIC vẫn còn nắm trên 35% cổ phần của Vinamilk nên sau này sẽ bán tiếp.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện là cổ đông lớn của Vinamilk nắm gần 11% vốn điều lệ (F&N) có quan tâm đến việc mua thêm cổ phần lần này?

– Từ xưa tới nay Vinamilk không có nhà đầu tư chiến lược mà chỉ có nhà đầu tư lớn sau SCIC là cổ đông lớn nhất. SCIC chưa nhận được bất kỳ ngỏ ý hay thông tin nào của họ về vệc mua thêm cổ phần. Không biết họ có mua không hay sẽ mua theo kênh nào song họ có quyền tham gia mua như mọi nhà đầu tư khác. Số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư cá nhân, pháp nhân được đăng ký mua tối đa 39.189.150 cổ phần (2,7% vốn điều lệ) ở đợt đấu giá ngày 12-12.

SCIC bên cạnh buổi roadshow giới thiệu đợt chào bán cổ phần tại TPHCM mới đây đã tổ chức roadshow cổ phiếu Vinamilk ở thị trường quốc tế và kết quả như thế nào?

– Chúng tôi đã tổ chức roadshow cổ phiếu ở ba trung tâm tài chính lớn là Singapore, Hongkong và London, đã gặp gỡ gần 100 nhà đầu tư quốc tế, tham gia thảo luận, trao đổi trực tiếp và lắng nghe trình bày. Đã có gần 20 nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới cổ phiếu, gặp chúng tôi hỏi thêm thông tin và hồi âm trở lại. Sau đó, còn có một số nhà đầu tư ở Singapore trực tiếp gặp gỡ độc lập với lãnh đạo Vinamilk để tìm hiểu sâu hơn.

Thủ tục mua chứng khoán ở thị trường Việt Nam khá phức tạp với nhà đầu tư ngoài biên giới về giấy tờ nên tới đây làm sao để họ có thể mua cổ phần của các doanh nghiệp khác theo hình thức chứng chỉ quỹ tín thác hoặc hình thức khác hay không?

– Trong quy chế bán vốn 9% lần này, mỗi nhà đầu tư chỉ được mua tối đa 2,7%. Tuy nhiên cổ phần sau đó được giao dịch trên thị trường. Họ có thể bán lại cho nhau thì chúng tôi không kiểm soát. Đó là thị trường.

Về niêm yết song song cổ phiếu của công ty Việt Nam, chúng tôi đã suy nghĩ về việc tạo điều kiện cho kiều bào mua cổ phiếu không chỉ Vinamilk nên luật cũng đã có quy định về việc niêm yết song song cổ phiếu, song việc này có diễn ra không còn phụ thuộc vào cổ đông và ban điều hành của doanh nghiệp.

Bản thân Vinamilk từng có ý định niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore nhưng sau đó chưa được tiến hành. Chúng tôi hy vọng sắp tới nhiều chứng khoán tại Việt Nam sẽ được niêm yết trên thị trường nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới