Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch UBND TPHCM: Không đi vay nợ cho đầu tư thiếu hiệu quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ tịch UBND TPHCM: Không đi vay nợ cho đầu tư thiếu hiệu quả

Văn Nam

Chủ tịch UBND TPHCM: Không đi vay nợ cho đầu tư thiếu hiệu quả
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại kỳ họp HĐND thành phố sáng nay 12-12 – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – TPHCM tiếp tục có nhu cầu vay nợ cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, với tác động nhiều chiều đến nền kinh tế thì TPHCM sẽ cân nhắc thận trọng, nếu thấy dự án đầu tư không hiệu quả là dứt khoát không vay nợ.

Sáng nay 12-12, kỳ họp lần thứ 16 HĐND TPHCM Khóa 8 tiếp tục làm việc với phiên chất vấn Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân về tình hình kinh tế xã hội thành phố.

Đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, đại biểu Võ Văn Sen chất vấn vì sao nợ công thành phố quy định vẫn ở mức quá thấp, và đây phải chăng là một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế thành phố phục hồi chậm, tăng trưởng không vững chắc. Đại biểu Sen muốn biết có cách nào thành phố nâng tỷ lệ nợ công/GDP để giúp thành phố phát triển tốt hơn không?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Sen, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết, đành rằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải có đi vay bởi nếu không vay, không nợ thì không phát triển được. Nhưng vay, xử lý nợ như thế nào thì cần nhiều giải pháp tổng hợp.

Ông Quân cho rằng việc kiểm soát nợ công rất quan trọng trong việc vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa để mức nợ công của thành phố nếu có cũng không ảnh hưởng đến nợ công chung của quốc gia.

“Thành phố có nhu cầu vay nợ cho đầu tư công. Nhưng nếu không có nguồn để trả thì khi làm dự án phải thảo luận, bàn bạc chặt chẽ. Ví dụ dự án đó nguồn vốn từ đâu ra, từ ngân sách nhà nước, vay hay cân đối từ các nguồn khác chứ không thể cứ vay đầu tư rồi không có nguồn cân đối”, ông Quân nói.

Ông Quân dẫn thêm thời quan qua, một số dự án hạ tầng quan trọng thì thành phố cân đối nguồn vốn đầu tư bằng cách giao đất lại cho nhà đầu tư như dự án xây dựng 4 tuyến đường trong khu Thủ Thiêm (khoảng 12.000 tỉ đồng) phải sử dụng nguồn quỹ đất tại khu Thủ Thiêm để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư, vì nếu đi vay lượng tiền lớn vậy với lãi suất hiện nay thì không có ngân hàng nào cho vay để làm bởi đây là vay đầu tư dài hạn.

“Trong tình hình  kinh tế thành phố bị tác động nhiều chiều thì kiểm soát nợ công là ưu tiên hàng đầu của thành phố, không thể đi vay rồi đầu tư kém hiệu quả”, ông Lê Hoàng Quân khẳng định.

Đại biểu Lâm Thiếu Quân đưa ra vấn đề hàng năm thành phố dành nhiều ngân sách để đầu tư phát triển, gần 20.000 tỉ đồng. Trừ các dự án cầu vượt vượt tiến độ thì đa số các dự án khác đều chậm tiến độ. Nếu dự án chậm tiến độ hàng năm thì cộng với tiền lãi ngân hàng ngân sách phải chịu sẽ tăng cao.

Trước thực trạng này, đại biểu Lâm Thiếu Quân hỏi rằng thành phố có đo lường tình trạng chậm tiến độ cho các dự án ở thành phố hay không, trung bình các dự án chậm tiến độ bao nhiêu ngày/năm, thành phố có chủ trương mạnh dạn thưởng cho các chủ đầu tư, nhà thầu vượt tiến độ hay không, thành phố có hành động cụ thể nào để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm tiền thuế của dân?

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân thừa nhận tình trạng chậm tiến độ, đội giá dự án do đền bù giải phóng mặt bằng là một thực tế và chính quyền thành phố cũng đã có nhiều giải pháp làm giảm thiệt hại do các dự án chậm tiến độ. Cụ thể đối với những nhà thầu không có giải pháp thi công thì không cho tham gia các dự án đấu thầu trên địa bàn thành phố …

Theo báo cáo của UBND thành phố, thành phố đang quản lý 3 dự án sử dụng vốn ODA đã hoàn thành, đang theo dõi trả nợ và 19 dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai với số vốn gần 120.000 tỉ đồng (gần 98.500 tỉ đồng vốn ODA và 21.360 tỉ đồng vốn đối ứng). Trong đó năm 2014 ước giải ngân được 6.000 tỉ đồng.

TPHCM đặt mục tiêu GDP năm 2015 tăng trên 9,5%

Sáng nay HĐND TPHCM thông qua nghị quyết về kinh tế xã hội TPHCM năm 2015. Theo đó, một số chỉ tiêu kinh tế xã hội cho năm 2015 gồm: tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn (GDP) dự kiến tăng 9,5% trở lên; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30% GDP, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dự kiến từ 8-10%; tổng thu ngân sách nhà nước là 265.776 tỉ đồng; 120.000 người được tạo việc làm mới; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, xóa 49/58 điểm ngập do mưa; giảm dần số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút …


Xem thêm:

Đề xuất đưa trần nợ công lên 68% GDP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới