Chủ tịch VIAC: “Cải cách tư pháp phải song hành cải cách kinh tế”
Tư Hoàng
![]() |
Luật sư Trần Hữu Huỳnh. Ảnh: VIAC. |
(TBKTSG Online) – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Hữu Huỳnh khẳng định, cải cách tư pháp thời gian tới là cần thiết để song hành với cải cách về kinh tế.
Tại Lễ công bố Quy tắc tố tụng trọng tài 2017 sáng nay (22-2), ông Huỳnh nói: “Cải cách kinh tế sẽ bị chậm lại nếu không cải cách tư pháp”.
Ông Huỳnh nhận xét, Nghị quyết 19 đầu tiên của Chính phủ ban hành năm 2014 đã không đề cập gì đến cải cách tư pháp, cũng như vai trò của tòa án. Tuy nhiên, Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2017 đã kiến nghị Tòa án Nhân dân tối cao, Việt Kiểm sát Nhân dân tối cao cải cách tư pháp.
“Chúng ta có niềm tin rằng, Chính phủ kiến tạo đã nhìn thấy cải cách kinh tế phải đi cùng với cải cách chính trị và tư pháp. Chúng tôi ủng hộ Chính phủ”, ông nói.
Nhắc lại tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu giảm thời gian xét xử, đẩy nhanh các vụ kiện, ông Huỳnh cho rằng, trong điều kiện thẩm phán có hạn, pháp luật còn chồng chéo thì yêu cầu này không phải là chuyện dễ dàng.
Chẳng hạn, ông nói, tại tòa Hà Nội, mỗi thẩm phán có thể phải phụ trách hơn 40 vụ/năm, là áp lực rất lớn.
Trong bối cảnh đó, ông Huỳnh khẳng định, VIAC có thể san sẻ với tòa, đạt mục tiêu hợp tác công – tư và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông nói: “Chúng tôi đã xét xử hàng ngàn vụ kiện, tranh chấp… Chúng tôi luôn cải tiến, nâng cao chất lượng theo tinh thần minh bạch, thân thiện và hiệu quả với doanh nghiệp”.
Ông Huỳnh khẳng định, trong số hàng ngàn vụ đã thụ lý và xét xử, chưa có bất kỳ một phản ánh nào về sự nhũng nhiễu của cán bộ, trọng tại viên VIAC.
Phó tổng thư ký VIAC ông Phan Trọng Đạt cho biết, Quy tắc VIAC 2017 có một số điểm mới bao gồm Điều 6 (Tranh chấp từ nhiều hợp đồng), Điều 15 (Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp) và Điều 37 (Thủ tục rút gọn).
Về Điều 37, theo ông Đạt, thời gian giải quyết luôn là một trong những điểm sáng trong giải quyết tranh chấp tại VIAC. Chẳng hạn, trong năm 2016, VIAC tiếp tục giữ vững tốc độ trung bình giải quyết tranh chấp là 153,6 ngày/vụ.
Trong năm 2016, VIAC đã tiếp nhận 155 vụ tranh chấp, trong đó 41% là tranh chấp trong lĩnh vực mua bán, xuất nhập khẩu; 15% trong lĩnh vực xây dựng; 11% trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Về câu hỏi, trường hợp bị đơn đã ký vào cam kết pháp lý nhưng vẫn cố tình chây ì bồi hoàn cho nguyên đơn thì Tòa Trọng tài sẽ phải giải quyết như thế nào, ông Huỳnh khẳng định, các bên phải theo đến cùng các phán quyết của trọng tài. Trường hợp nếu một bên không tuân thủ thì quá trình trọng tài vẫn được tiến hành. và phán quyết trọng tài có hiệu lực tương đương với bản án có hiệu lực của tòa.
“Bản phán quyết trọng tài sẽ được thi thành, Tổng cục Thi hành án có quan điểm rõ, không phân biệt phán quyết trọng tài và bản án của tòa án, kẻ cả khi phán quyết trọng tài liên quan đến cơ quan chính quyền”, ông nói.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định, trong bối cảnh Chính phủ đang cải cách thủ tục hành chính, cải thiện đầu tư, môi trường kinh doanh thì VIAC nổi lên như là một điểm sáng và là tổ chức đáng tin cậy, minh bạch trong giải quyết các tranh chấp.
“Trong năm 2016 không có phán quyết nào của VIAC bị hủy. Chính điều này đã tạo lập được niềm tin và trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho giới kinh doanh đầu tư”, bà Mai nói.