Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa bao giờ là quá trễ để thực hiện chương trình CSR

Nhóm PV

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các doanh nghiệp nên bắt đầu ngay chương trình trách nhiệm xã hội vì không bao giờ là quá trễ hay quá sớm. Đây là nội dung chia sẻ của các diễn giả tại buổi hỏi đáp mang chủ để “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – Đâu là cách thực hành đúng?” được tổ chức ngày 29-9 tại TPHCM.

Các diễn giả tại buổi hỏi đáp ngày 29-9, trong khuôn khổ chương trình Saigon Times CSR 2022. Ảnh: BTC

Trong khuôn khổ hợp tác mở chuyên mục Tư vấn CSR, chương trình được tổ chức nhằm cung cấp thêm kiến thức và giải đáp những khúc mắc trong việc thực hiện các chương trình CSR của doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp tìm được cách thức thực hành CSR hiệu quả hơn để tạo ra tác động tích cực lâu dài cho xã hội.

“Làm CSR không bao giờ là quá sớm hay quá muộn. Các doanh nghiệp có thể bắt đầu ngay bây giờ.” “Các doanh nghiệp nên bắt đầu bằng những dự án nhỏ trước,” bà Văn Lý, Giám đốc hợp danh, RAISE Partners, chia sẻ tại buổi hỏi đáp.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể bắt đầu từ trách nhiệm đối với người lao động. Ông Phạm Hữu Chương, Phó tổng biên tập nhóm báo Saigon Times Group, cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến người lao động và gia đình của họ để người lao động có tâm thế và tinh thần thật tốt để làm việc và cống hiến. Ví dụ như trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có các chương trình hỗ trợ cho người lao động và người thân, xem đó là một niềm hãnh diện và trách nhiệm tất yếu phải hoàn thành.

Bà Văn Lý, Giám đốc hợp danh, RAISE Partners, chia sẻ tại buổi hỏi đáp được tổ chức tại trụ sở The Saigon Times, số 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM từ 14h00 – 15h30 hôm nay

“Doanh nghiệp luôn là một phần của cộng đồng. Làm CSR sẽ mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích khác nhau như là doanh nghiệp có thể để nhân viên cùng tham gia các hoạt động CSR. Đây cũng là cách để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, thế hệ trẻ bây giờ không chỉ quan tâm đến đồng lương, mà còn quan tâm đến văn hóa công sở và đồng nghiệp của họ”, bà Văn Lý cho biết.

Tiếp lời, bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc điều hành Trung tâm LIN, nói rằng các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn hình thức “Giving Circle” (Vòng tròn trao tặng), cho phép nhân viên tham gia và ra quyết định trong các hoạt động thay vì chỉ đơn thuần thực hiện chính sách chung của công ty. Khi càng nhiều nhân viên tham gia, mạng lưới sẽ ngày càng lớn mạnh, đảm bảo khả năng tự tổ chức, huy động, đóng góp tài trợ và triển khai thực hiện các dự án cộng đồng. Biện pháp này cho phép công ty tăng tính chủ động khi tiến hành các dự án, nhất là trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực và đa dạng về mục tiêu.

Đối với câu hỏi “Làm sao nhận diện được nhu cầu lớn nhất của cộng đồng để thực hiện các chương trình CSR?”, bà Thảo cho biết khi thực hiện các dự án CSR, các tổ chức phi lợi nhuận có xu hướng tiến hành bước khảo sát, nghiên cứu trước, nhằm tìm ra nhu cầu của cộng đồng, trong khi các doanh nghiệp mong muốn bắt tay ngay vào các dự án để sớm sử dụng các nguồn lực sẵn có.

“Tuy nhiên, việc bắt đầu (thực hiện dự án CSR) với thông tin hạn chế có thể khiến chúng ta mất nhiều chi phí hơn trong tương lai.”

Bởi lẽ, đôi khi nỗ lực của các doanh nghiệp chưa phù hợp với nhu cầu cộng đồng. Điều này buộc các công ty quay lại giai đoạn nghiên cứu ban đầu, gây lãng phí thời gian và phát sinh chi phí.

Do đó, các doanh nghiệp nên cân bằng nguồn lực dựa trên nhu cầu của xã hội. Khi tiến hành các dự án CSR, “cộng đồng là ưu tiên hàng đầu”, bà Thảo nói.

Bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc điều hành Trung tâm LIN trả lời thắc mắc của doanh nghiệp tại sự kiện

“Theo kinh nghiệm, tôi thấy rằng mỗi khu vực đều có những nhu cầu hoàn toàn khác nhau. Đầu tiên, doanh nghiệp nên làm việc với chính quyền địa phương ở khu vực đó để tìm hiểu khó khăn của khu vực là gì, sau đó gặp những tổ chức cộng đồng như hội liên hiệp phụ nữ và các nhóm tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động ở đó để tìm ra nhu cầu thực sự của cộng đồng này. Sau đó công ty mới đánh giá nguồn lực của mình xem có thể hỗ trợ đến mức nào và làm những chương trình nào cho nó phù hợp,” theo bà Văn Lý.

Bàn về vấn đề hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức địa phương, cộng đồng để làm CSR, bà Thảo cho biết ngoài những tổ chức phi chính phủ vận hành các dự án lớn, vẫn có nhiều đơn vị địa phương hoạt động trong một số lĩnh vực như chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ phụ nữ, xoá đói giảm nghèo.

“Do vậy, các doanh nghiệp muốn tìm được một đối tác phù hợp khi thực hiện dự án CSR cần cân nhắc những định hướng đơn vị này theo đuổi ban đầu. Trong đó, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là một khía cạnh quan trọng. Đồng thời, các công ty cũng có thể xem xét yếu tố địa lý, đồng thời cân nhắc tính hiệu quả và mức độ minh bạch khi lựa chọn tổ chức để hợp tác.”

Theo bà Thảo, minh bạch về kết quả của hoạt động là một trong những chỉ dấu quan trọng nhất.

“Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, các tổ chức nhỏ ở địa phương thậm chí còn phát huy hiệu quả hoạt động hỗ trợ xã hội kịp thời hơn so với các đơn vị lớn. Các tổ chức nhỏ linh động và hiểu địa phương của mình”, bà Thảo khẳng định.

Bà Thảo cho biết trách nhiệm cộng đồng chỉ là một phần trong số bốn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ba trụ cột còn lại bao gồm trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm luật pháp và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp.

Tuỳ vào định hướng ban đầu và nguồn lực sẵn có, doanh nghiệp có thể lựa chọn những hình thức thực hiện dự án khác nhau. Trong đó, triển khai chính sách hỗ trợ nhân viên công ty và quan tâm đến những vấn đề nhân sự nội bộ cũng là một loại trách nhiệm.

Ngoài đóng góp về tài chính cho cộng đồng, các doanh nghiệp vẫn có thể hỗ trợ cho sự phát triển của xã hội thông qua các nguồn lực về chuyên môn, hoạt động và công nghệ, bà Thảo gợi ý.

Theo bà Văn Lý, “Cách làm việc của các doanh nghiệp khác với cách làm việc của các tổ chức phi lợi nhuận. Thường thì doanh nghiệp không thích các hoạt động rủi ro trong hoạt động cộng đồng. Tổ chức phi lợi nhuận thì đa dạng về kích cỡ. Có tổ chức phi lợi nhuận thì rất là lớn, bài bản, quy cũ. Cũng có tổ chức thì khá là nhỏ. Các doanh nghiệp nên thành thật với những rủi ro mà công ty sẵn sàng chấp nhận. Việc này rất quan trọng khi hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận.”

“Ví dụ như tập đoàn đa quốc gia Intel, họ hợp tác với rất nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế nhưng cũng sẵn lòng hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương để giúp họ có thể quen dần với việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn, từ đó xây dựng năng lực cho những tổ chức này. Ngoài ra, với những mối quan hệ hợp tác mới, các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận nhỏ nên bắt đầu bằng những dự án nhỏ trước. Họ nên xem độ hiệu quả của dự án và nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác. Như vậy sẽ mang đến kết quả tốt hơn trong thời gian dài,” bà Văn Lý nói thêm.

Giải đáp thắc mắc về những tiêu chí về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bà Văn Lý cho biết “Mỗi mô hình CSR đều khác nhau nên ta phải tùy chỉnh rất nhiều tùy vào mục tiêu và cách đo lường tác động của công ty. Mỗi công ty đều có mục tiêu, cách đo lường, nguồn lực khác nhau, nên sẽ không có tiêu chí hay mô hình nào là hoàn hảo cả.”

“Tuy nhiên vẫn có vài mô hình tham khảo ví dụ như 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, có những cách để xác định các thông số đo lường để đánh giá mục tiêu và tác động của CSR. Nhưng vẫn cần phải điều chỉnh rất nhiều vì mỗi công ty đều có mục tiêu, nguồn lực, tác động xã hội khác nhau.”

Đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi về ngân sách chi cho chương trình CSR tại buổi hỏi đáp

Liên quan đến vấn đề ngân sách dự định cho hoạt động CSR, bà Văn Lý cũng chia sẻ “Nhiều công ty đã có hoạt động đóng góp cho những vấn đề bất ngờ và cấp bách như bão lũ hay dịch bệnh. Tuy nhiên cũng có công ty lên kế hoạch lâu dài để giúp cộng đồng này trở nên bền bỉ hơn và có thể tự phục hồi được khi đối diện với dịch bệnh hay thiên tai. Vì vậy, một số công ty có thể trích quỹ để giúp cho cộng đồng trong trường hợp cấp bách và phát triển cộng đồng song song với nhau.

Bàn về vấn đề phân biệt nguồn tin phù hợp khi thực hiện dự án CSR, bà Thảo nói rằng việc kết nối khi chia sẻ thông tin đóng vai trò quan trọng, giúp đảm bảo tính thông suốt và minh bạch của hệ thống. Hiện nay, Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn nạn nhiễu loạn thông tin. Tuy nhiên, trở ngại đặt ra là các nỗ lực nói trên còn mang tính chỉ riêng lẻ, thiếu mức độ gắn kết cần thiết.

Ngoài ra, bà Thảo nhận định dù kết nối doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận luôn là một thách thức, hai bên dường như vẫn tìm được tiếng nói chung trong các dự án vì cộng đồng.

Theo bà Thảo, có ba yếu tố quan trọng đảm bảo mức độ hiệu quả và hài hoà trong quan hệ giữa doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận, đó là mục đích hoạt động vì cộng đồng, bản chất đối tác thay vì quan hệ giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ, cũng như tính minh bạch về tài chính, kết quả thực hiện.

Ông Phạm Hữu Chương, Phó Tổng biên tập Saigon Times Group, trả lời câu hỏi phía đọc giả tại sự kiện

Ông Chương đề xuất các doanh nghiệp liên hệ với các cơ quan báo chí có uy tín trong thành phố và trên cả nước để tiết kiệm nguồn chi phí khảo sát thực tế. Theo ông, các cơ quan báo chí có nguồn tin chính thống, đa dạng, và có đầy đủ khả năng để kiểm chứng tính xác thực của thông tin.

Diễn giả, chuyên gia tham gia giải đáp câu hỏi gồm bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc điều hành Trung tâm LIN; bà Văn Lý, Giám đốc hợp danh, RAISE Partners và ông Phạm Hữu Chương, Phó tổng biên tập Saigon Times Group.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới