Chưa cần thiết giảm nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn
Lê Anh
(TBKTSG Online) – Quy định giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn từ 45% xuống còn 40% kể từ ngày 1-1-2019 là chưa cần thiết và chưa phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).
![]() |
Nếu tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn bị giảm xuống thì vốn đổ vào bất động sản có thể sẽ tiếp tục giảm. Ảnh: Lê Anh |
Ngày 27-9, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn đối với bất động sản trong năm 2019 thay vì giảm xuống còn 40%.
HoREA lý giải, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở các nước phát triển thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản, còn nguồn vốn tín dụng chủ yếu phục vụ người mua nhà.
Còn tại Việt Nam, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay ngân hàng, và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, mà phần lớn khách hàng cũng vay ngân hàng để mua nhà. Nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường bất động sản.
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, tùy theo quy mô diện tích dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% vốn đầu tư, còn lại 80-85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, dư nợ bất động sản cả nước chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản. Nếu thống kê cả phần tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản thì tỷ trọng tín dụng bất động sản lên đến khoảng 14,43%.
Tại TPHCM, dư nợ bất động sản là 10,8%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Nếu tính cả tín dụng cho vay tiêu dùng có liên quan bất động sản thì cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng dư nợ.
Riêng việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan, vì cho đến nay, bên cạnh vài quỹ đầu tư tài chính nước ngoài thì cả nước mới chỉ có một quỹ đầu tư bất động sản là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ chỉ có 50 tỉ đồng nên chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường bất động sản. Còn thị trường chứng khoán vẫn chưa trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường bất động sản do mới chỉ có rất ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết.
Chính vì vậy, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 17 Điều 1 Thông tư 19/2017 và Điều 17 Thông tư 36/2014 theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn kể từ ngày 1-1-2019.
Mời xem thêm: