Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa có lời giải cho phát triển nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa có lời giải cho phát triển nông nghiệp

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Kết thúc các cuộc chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tuần qua, riêng về nông nghiệp, Chính phủ cam kết tăng vốn đầu tư trong năm năm tới gấp hai lần năm năm 2010-2015. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp bền vững, vấn đề không phải chỉ bỏ tiền đầu tư thêm mà quan trọng hơn là hoạch định một chiến lược tổng thể từ quy hoạch, sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Về quy hoạch, chúng ta phải giải quyết vấn đề lấn cấn nhất hiện nay là đất công nghiệp đang lấn dần đất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng, mỗi năm mất hơn 70.000 héc ta, phần lớn chuyển qua xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa tới 50%. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ngưng phát triển các khu công nghiệp. Trước đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản kiến nghị tạm dừng việc thành lập để rà soát hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Nhưng trong quy hoạch 10 năm tới của Chính phủ, diện tích khu công nghiệp được đề nghị tăng gấp đôi, lên 200.000 héc ta. Vậy chúng ta giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đầu ra nông sản bấp bênh là căn bệnh trầm kha trong nông nghiệp. Gần đây thương lái Trung Quốc trực tiếp đến nông thôn mua gom một số loại nông sản nhưng đến vụ sau thì không mua nữa, làm cơ cấu cây trồng bị đảo lộn gây thiệt hại cho nông dân. Để phát triển nông nghiệp bền vững, chủ trương liên kết bốn nhà gồm Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp là rất đúng đắn được triển khai từ đầu những năm 2000. Theo đó nông dân sẽ được thu nhập cao hơn khi họ được các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo đơn đặt hàng và được Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách. Tuy nhiên chủ trương này hầu như chỉ nằm trên giấy vì theo Giáo sư Võ Tòng Xuân: “Nhà nước không hỗ trợ về chính sách, doanh nghiệp có đầu ra sản phẩm không hợp tác với nông dân mà chỉ làm việc trực tiếp với thương lái”.

Trong một báo cáo vào đầu tháng11-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhìn nhận sự liên kết bốn nhà lỏng lẻo, tỷ lệ hàng hóa tiêu thụ qua liên kết giữa nông dân và các thành phần kinh tế còn thấp, doanh nghiệp vẫn muốn lợi riêng cho mình còn nông dân thì chịu thiệt.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là một trở ngại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, khó làm ra nông sản với số lượng lớn và chất lượng đồng đều. Đó cũng là nguyên nhân làm giá nhiều loại nông sản ở nước ta cao hơn Thái Lan, Trung Quốc. Muốn giải quyết vấn đề này, theo kiến nghị của một số nhà khoa học nông nghiệp, phải tập hợp nông dân trên những cánh đồng lớn để có thể cơ giới hóa tốt hơn. Nông dân phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng (contract farming) với sự quản lý và giám sát của Nhà nước. Như vậy nông dân có thể hưởng tất cả dịch vụ một cách đồng đều, năng suất và lợi nhuận sẽ tăng. Nhưng phương án này không dễ thực hiện trừ phi phải sửa lại quy định hạn điền trong Luật Đất đai.

Tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp rõ ràng là cần nhưng chưa đủ. Nếu không có chiến lược phát triển khoa học và sửa đổi những chính sách vĩ mô đã lỗi thời thì người nông dân vẫn cứ nghèo trên mảnh đất màu mỡ của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới