Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa có văn bản nào cấm melamine!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa có văn bản nào cấm melamine!

Phân tích melamine trong sữa bằng thiết bị sắc ký lỏng ghép phối khí tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Người tiêu dùng hoang mang, doanh nghiệp kinh doanh sữa thì lo lắng, sau khi một số doanh nghiệp mang mẫu sữa đến các cơ quan chuyên môn theo chỉ định của Bộ Y tế để kiểm tra lại và có kết quả ngược lại với kết quả xét nghiệm do các đoàn thanh tra của Bộ Y tế thực hiện.  

Xung quanh vấn đề này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với tiến sĩ hóa học Đinh Công Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM, cơ quan được Bộ Y tế khuyến cáo các doanh nghiệp nên tự mang mẫu sữa đến những địa chỉ này để kiểm tra melamine.

– Thưa ông, tại sao lại có thể cho ra kết quả phân tích melamine trái ngược nhau khi công ty kinh doanh thì nói mẫu của mình âm tính còn Bộ Y tế thì nói ngược lại?  

– TS Đinh Công Tuấn: Trước hết, tôi xin nói phương pháp phân tích melamine hiện nay là tương đối chuẩn. Các phòng xét nghiệm theo chỉ định của Bộ Y tế, theo tôi biết, đều tham khảo phương pháp xét nghiệm của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) về thực phẩm. Thiết bị phân tích đều dựa vào sắc ký lỏng ghép phối phổ.  

Đây là thiết bị phân tích rất nhạy. Như sữa, chỉ cần có 10 phần tỉ (10 ppb), tức chỉ cần một hàm lượng rất nhỏ melanine là nó phát hiện được. Nên nếu nói rằng tay nghề hay năng lực của các phòng xét nghiệm khác nhau cho ra kết quả khác nhau là không chuẩn xác.

Phương pháp này cho sai số chấp nhận được là 20%, có nghĩa phòng này xét nghiệm có melamine hàm lượng 10 ppb thì phòng kia có thể cho ra kết quả nằm trong 8-12 ppb, tất nhiên trên cùng 1 mẫu. Nhưng nếu bảo rằng cùng một mẫu mà 1 phòng thì cho ra âm tính, phòng thì dương tính là hoàn toàn không thể xảy ra.  

Do vậy, tôi có thể nói kết quả phân tích mẫu trên cùng một lô hàng, nếu cho ra kết quả trái ngược nhau là do thủ tục lấy mẫu bị sai.  

Phương pháp phân tích hay thiết bị dù hay đến mấy mà lấy mẫu sai cũng cho ra kết quả khác nhau. Ở đây, với sữa, có thể cùng một mặt hàng nhưng ngày sản xuất khác, nguyên liệu khác, lô hàng khác thì cũng cho ra kết quả khác. Doanh nghiệp tự lấy mẫu đưa đi xét nghiệm thì cùng sản phẩm nhưng chắc chắn họ sẽ lựa lô hàng tốt, sản phẩm tốt để lấy mẫu.

Cũng sản phẩm ấy nhưng thanh tra ngành y tế lại lấy mẫu bất kỳ ở siêu thị, nhà máy. Do khác nhau cách lấy mẫu nên chuyện kết quả cho ra khác nhau cũng hoàn toàn có thể.  

Chẳng hạn trước đây, có công ty tự mang mẫu sữa Yili đến chỗ chúng tôi kiểm tra thì sữa có hàm lượng melamine vài chục ppb, sau đó thanh tra y tế lấy mẫu cũng của sữa này đưa chúng tôi phân tích thì hàm lượng melamine lại khác. Do vậy phải chú trọng khâu lấy mẫu đúng quy trình, quy định, có chữ ký xác nhận và ghi đầy đủ các thông số kỹ thuật.

– Hiện nay, các phòng xét nghiệm của Bộ Y tế đã quá tải, phải huy động hàng loạt phòng xét nghiệm khác tham gia, liệu có thể áp dụng phương pháp phân tích nhanh để giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp hay không?

– Hiện nay, trung tâm chúng tôi đang nhận gần 1.000 mẫu sữa của các doanh nghiệp gửi tới, kể cả các mẫu của thanh tra ngành y tế mang tới. Đây là một áp lực quá lớn với chúng tôi khi mỗi ngày chúng tôi chỉ có thể phân tích 100 mẫu.

Thiết bị sắc ký lỏng ghép phối phổ là phương pháp định lượng, hiện chỗ chúng tôi có hai thiết bị nhưng một thì lo xét nghiệm dư lượng kháng sinh trong thủy sản, còn một lo xét nghiệm thực phẩm, trong đó có sữa. Các thiết bị sắc ký khí thì có nhiều nhưng không chuẩn xác bằng sắc ký lỏng ghép phối phổ.  

Ngoài ra, muốn nhanh thì còn có phương pháp định tính Elisa nhưng rất nguy hiểm, không nhạy bằng định lượng bởi bộ kit (bộ thiết bị) của Đức hiện nay có giá 500 đô la Mỹ, có thể xét nghiệm được tới 100 mẫu sữa/kit rất nhanh, với giá thành 300.000 đồng/mẫu, tức chỉ bằng 1/2 so với phương pháp định lượng nhưng mẫu sữa có melamine hàm lượng 2.000 ppb trở lên (còn tùy vào sữa nước hay sữa bột) thì mới cho kết quả dương tính.  

Như vậy các mẫu sữa có hàm lượng melamine dưới 2.000 ppb có nguy cơ là không phát hiện được, vẫn cho kết quả âm tính thì nguy hiểm. Do vậy chúng tôi không dùng Elisa.  

TS Đinh Công Tuấn. Ảnh: Hồng Văn

– Hiện nay Bộ Y tế thì cấm lưu hành các sản phẩm sữa nhiễm melamine. Xin ông cho biết Bộ Y tế đã có văn bản nào cấm melamine hay không?  

– Hoàn toàn không. Việt Nam chỉ quy định các chất phụ gia được phép có trong thực phẩm với liều lượng cụ thể nhưng không có danh sách cấm, mà ngầm hiểu là những chất nào không có trong danh mục chất được phép sử dụng thì có nghĩa là cấm.  

Trong danh sách các chất phụ gia được phép có trong thực phẩm không có melamine, được hiểu là không được phép sử dụng melamine.  

Chẳng hạn, hàn the là chất cấm trong thực phẩm nhưng không có văn bản nào quy định cấm hàn the, mà trong danh mục chất phụ gia có trong thực phẩm không có hàn the.  

Chúng tôi phân tích melamine trong thực phẩm từ khá lâu nhưng chủ yếu là các công ty thức ăn gia súc. Khi nhập khẩu thức ăn, họ mang mẫu tới nhờ chúng tôi kiểm tra.  

– Vậy theo ông, Việt Nam chưa hề nghiên cứu về định lượng cũng như tác hại của melamine?  

– Melamine được Mỹ cấp bản quyền năm 1958 và hai mươi năm sau, FDA cấm đưa melamine vào thức ăn chăn nuôi; còn con người thì quy định ngưỡng hấp thụ tối đa là 0,63 ppm (phần triệu) cho một ki lô gam trọng lượng cơ thể/ngày và đây cũng là ngưỡng của Tổ chức Y tế thế giới.  

EU thì quy định ngưỡng tối đa hấp thu melamine của con người là 0,5 ppm/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Có nghĩa người nặng 60 kg có thể hấp thu tối đa không gây hại tới 30 ppm/ngày, tương đương phải uống tới 15 lít sữa có melamine theo hàm lượng nói trên; nhưng chắc chắn chẳng ai uống tới 15 lít sữa/ngày.  

Mới đây nhất, EU quy định cụ thể là tiêu hủy sản phẩm nào có chứa melamine hàm lượng 2,5 ppm trở lên.  

Việt Nam chưa hề ấn định ngưỡng của hàm lượng melamine và chưa có quy định cụ thể; còn hiện nay, cứ có melamine là cấm lưu hành, là tiêu hủy mà không cần biết ít hay nhiều. Thậm chí phương pháp phân tích melamine còn lúng túng vì khi nổ ra việc sữa nhập từ Trung Quốc có melamine, một cơ quan trực thuộc Bộ Y tế còn nói là lúng túng trong phân tích melamine.  

Không chỉ sữa, mà Việt Nam hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn về các sản phẩm có chứa melamine khác như đồ nhựa melamine, nhất là chén, dĩa melamine khá phổ biến hiện nay. Chén dĩa melamine là một hợp chất, trong đó có melamine nhưng có những phân tử melamine chưa phản ứng hết, phải “thôi ra” (tách ra) trong quá trình sử dụng. Lẽ ra chúng ta phải nghiên cứu ban hành quy chuẩn melamine “thôi ra” trong đồ nhựa bao nhiêu là cho phép như EU đã làm.  

– Báo chí gần đây nói nhiều đến khả năng gây độc và cách thức đưa melamine vào sữa và thực phẩm, xin ông cho biết cụ thể hơn?  

– Khoa học thế giới cho tới nay, mới xác định độc tính duy nhất của melamine là gây sạn thận. Tức chất này khi vào cơ thể, sẽ phản ứng với các axít trong nước tiểu để tạo nên chất khó tan, tức sạn thận, chứ chưa hề ghi nhận thêm độc tính khác.  

Còn đưa melamine vào sữa có hai con đường. Thứ nhất là nhà sản xuất sữa (nông dân nuôi bò bán sữa tươi, nhà máy chế biến) đưa melamine vào một cách có ý thức để tăng hàm lượng đạm, nên khi xét nghiệm cho ra hàm lượng melamine hàng ngàn ppb trở lên mới có ý nghĩa kinh tế.  

Thứ hai là người nông dân chăn nuôi bò sữa dùng thức ăn có chứa melamine mà họ không hề biết. Do vậy mà sữa họ bán trong nhà máy có dư lượng melamine. Khi phân tích sẽ thấy hàm lượng melamine trong sữa của dạng thứ hai này chỉ có vài chục ppb. Nên nhớ, không ai đưa melamine một cách có ý thức vào sữa mà hàm lượng chỉ vài ppb, chẳng có ý nghĩa về mặt kinh tế.  

Cũng không nên ngạc nhiên khi gần đây, có mẫu sữa nhiễm melamine có vài chục ppb, còn có mẫu tới hàng ngàn ppb, do nhiễm melamine từ hai cách nói trên.  

– Xin cám ơn ông!

HỒNG VĂN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới