Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa công ty nào nộp hồ sơ xin hủy niêm yết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa công ty nào nộp hồ sơ xin hủy niêm yết

Thủy Triều

(TBKTSG Online) – Mặc dù đã có 5 công ty có ý định xin hủy niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán nhưng theo các cơ quan quản lý thì cho đến hôm nay (15-8), các cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ xin hủy niêm yết của công ty nào.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho biết ngoài Công ty dược phẩm Mekophar (MKP) xin khóa room của nhà đầu tư nước ngoài, tức không cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của công ty qua sàn nữa, thì không có công ty nào nộp hồ sơ xin hủy niêm yết. Từ 1-8, nhà đầu tư nước ngoài đã không thể mua cổ phiếu MKP.

Mekophar hiện đang có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 4,7% cổ phần và theo Luật Đầu tư thì đây được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và không được thực hiện nghiệp vụ phân phối bán buôn bán lẻ dược phẩm. Do vậy, công ty này xin hủy niêm yết để cơ cấu lại thành phần sở hữu. Bà Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Mekophar, cho biết đã hoàn tất các hồ sơ xin hủy niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và việc rút niêm yết sẽ diễn ra như kế hoạch của công ty.

Tuy nhiên, bà Trần Anh Đào, Trưởng phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết của HOSE, cho rằng đến nay HOSE vẫn chưa nhận được hồ sơ xin hủy niêm yết từ phía Mekophar và nếu có chắc chắn sở phải công bố thông tin trên trang web của mình. Bà Đào cũng cho biết cho đến ngày 15-8, HOSE chưa hề nhận được hồ sơ của bất kỳ công ty nào xin hủy niêm yết.

Theo quy chế của sở, 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, HOSE sẽ xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận hủy niêm yết chứng khoán. Trường hợp không chấp thuận, sở sẽ có văn bản giải thích rõ lý do.

Trước đó, Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế (IFS) niêm yết trên sàn TPHCM và Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn (SQC) niêm yết trên sàn Hà Nội đều có ý định hủy niêm yết trên sàn, trong đó SGT và SQC đã có sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông về việc hủy niêm yết.

Ông Bằng cho rằng các công ty nên cân nhắc việc hủy niêm yết vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ, ảnh hưởng đến thanh khoản của cổ phiếu và phần nào gây tác động đến tâm lý nhà đầu tư và sẽ ảnh hưởng đến giá chính các cổ phiếu đó.

Trong khi đó, ủy ban hiện đang lấy ý kiến dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, trong đó có các quy định về quản trị công ty bao gồm cả việc công bố thông tin sẽ được quản lý theo quy mô của công ty đại chúng chứ không quản lý theo công ty đã niêm yết hay chưa. Do vậy, dù có hủy niêm yết mà không cấu trúc lại sở hữu của công ty, thì doanh nghiệp vẫn là đại chúng, vẫn phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin và thực hiện quản trị công ty theo luật định, ông Bằng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới